28 12월 Một số chính sách thuế mới được sửa đổi, bổ sung áp dụng từ ngày 01/2/2018
Ngày 15 tháng 12 năm 2017, Chính Phủ ban hành Nghị định 146/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ
Theo đó, Nghị định 146 đã sửa đổi bổ sung 3 nội dung lớn, cụ thể như sau:
Thứ nhất, sửa đổi quy định sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT:
Tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định đối tượng không chịu thuế GTGT có quy định: “Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc đã chế biến thành sản phẩm khác nhưng tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên.”
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản là những sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu có nguồn gốc từ tài nguyên, khoáng sản. Như vậy, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu đều được sản xuất từ nguyên liệu có nguồn gốc từ tài nguyên, khoáng sản và doanh nghiệp phải tính tỷ lệ trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng trên giá thành sản xuất sản phẩm đối với tất cả các mặt hàng xuất khẩu.
Để thống nhất cách hiểu và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, Nghị định 146 đã quy định chi tiết một số trường hợp không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và được áp dụng thuế GTGT 0% khi xuất, cụ thể:
Đối tượng không chịu thuế là:
– Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác.
– Sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu chính là tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên.
Riêng các sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác và chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ nguyên liệu chính không phải là tài nguyên, khoáng sản (tài nguyên, khoáng sản đã chế biến thành sản phẩm khác) do cơ sở kinh doanh mua về chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến thành sản phẩm xuất khẩu thì các sản phẩm xuất khẩu này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12 Luật số 13/2008/QH12.
Thứ hai, sửa đổi quy định về hoàn thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu sau đó xuất khẩu:
Tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP có quy định như sau:
“Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật hải quan và các văn bản hướng dẫn.”
Thực tế triển khai cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã không thực hiện hoàn thuế GTGT đối với các trường hợp: hàng hóa đã nhập khẩu nhưng xuất trả lại chủ hàng nước ngoài; Hàng hóa đã nhập khẩu sau đó làm thủ tục xuất khẩu sang nước khác vì cho rằng tất cả các hàng hóa nêu trên đều là hàng nhập khẩu để xuất khẩu không thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT mặc dù những hàng hóa này được xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan.
Nghị định 146 đã sửa đổi để phù hợp với thực tế và khuyến khích xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất bán vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài hoặc xuất trả lại chủ hàng thì thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu không thực hiện xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật hải quan và các văn bản hướng dẫn thì không được hoàn thuế GTGT.
Thứ ba, bổ sung quy định khống chế mức chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động:
Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ, doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ đối với: “Phần chi vượt mức 01 triệu đồng/tháng/người để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động;”.
Với quy định như vậy thì khoản chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, doanh nghiệp được tính toàn bộ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Trong quá trình thực hiện một số doanh nghiệp đã chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động với giá trị cao so với mức tiền lương, thu nhập của cán bộ công nhân viên và cao hơn nhiều lần so với mức khống chế theo quy định trước đây.
Để đảm bảo chính sách được thống nhất, minh bạch, Nghị định đã bổ sung: khống chế khoản chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động như đối với trường hợp doanh nghiệp mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động, đồng thời nâng mức khống chế chi phí đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm nhân thọ từ mức 01 triệu đồng/tháng/người lên mức 03 triệu đồng/tháng/người.
Nghị định 146/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2018.
TCT