Nâng cao chất lượng sử dụng kết quả Kiểm toán Nhà nước phục vụ hoạt động giám sát

Nâng cao chất lượng sử dụng kết quả Kiểm toán Nhà nước phục vụ hoạt động giám sát

Sử dụng kết quả KTNN phục vụ hoạt động giám sát của cơ quan dân cử về ngân sách Nhà nước là một trong những vấn đề được đề cao trong quản lý tài chính công. Nhằm phát huy và tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc Hội, Hội đồng nhân dân đối với tất cả các lĩnh vực nói chung, và đối với lĩnh vực tài chính và ngân sách nhà nước nói riêng, ngày 11/03/2025 tại Trụ sở KTNN, Hiệp hội kế toán và kiểm toán Việt Nam phối hợp với KTNN tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng kết quả KTNN phục vụ hoạt động giám sát của cơ quan dân cử về ngân sách nhà nước”.

 

Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng kết quả KTNN phục vụ hoạt động giám sát của cơ quan dân cử về ngân sách nhà nước” được sự quan tâm lớn từ các cơ quan Nhà nước, chuyên gia,…

 

Đây là một trong những hoạt động, nằm trong các hoạt động phục vụ, nội dung nghiên cứu, của đề tài cấp nghiên cứu khoa học cấp Bộ mang tên: “Sử dụng kết quả KTNN phục vụ hoạt động giám sát của cơ quan dân cử về ngân sách nhà nước” Do PGS.TS. Đặng Văn Thanh – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế ngân sách của quốc hội Chủ nhiệm đề tài.
Tham dự Hội thảo còn có các Đại biểu đến từ các cơ quan Nhà nước, các chuyên gia đã và đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các Viện nghiên cứu, Các học viện, các trường Đại học, am hiểu về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các đồng chí phóng viên thông tấn báo chí.
Bàn về vai trò của KTNN phục vụ cơ quan dân cử trong thực hiện chức năng về ngân sách Nhà nước, PGS.TS. Đặng Văn Thanh cho biết, có rất nhiều yếu tố, nhiều biện pháp để đảm bảo thẩm quyền, đảm bảo thực quyền và nâng cao chất lượng thảo luận và quyết định của cơ quan dân cử về tài chính, ngân sách nhà nước, nhưng quan trọng và có tính quyết định là ý kiến của KTNN, sự hỗ trợ của KTNN.

 

Để Quốc hội, Hội đồng nhân dân có căn cứ thảo luận và quyết định, cũng như tiến hành giám sát hoạt động tài chính, đòi hỏi phải có đủ những tư liệu thông tin tối thiểu cần thiết. Thông tin cung cấp cho cơ quan dân cử phải minh bạch và có độ tin cậy cao. Trước hết là các thông tin về chiến lược và nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, định hướng tài chính – ngân sách, những đánh giá về ngân sách trung hạn, nguồn thu và nhiệm vụ chi.

KTNN cung cấp những thông tin, những ý kiến, những bằng chức là căn cứ để cơ quan dân cử nói chung, quốc hội nói riêng thực hiện quyền giám sát tốt cao đối với hoạt động nhà nước, trong đó có hoạt động tài chính nhà nước. Giám sát là quyền và trách nhiệm của cơ quan dân cử, là thực hiện quyền của người đại diện cử tri xem xét và xác định trách nhiệm chính trị của các đối tượng được giám sát để đảm bảo mọi công việc của nhà nước được thực hiện trôi chảy, quyền và lợi ích của người dân được đảm bảo. Để giám sát có chất lượng, ý kiến giám sát có hiệu lực rất cần những căn cứ và bằng chứng do kiểm toán cung cấp cùng các ý kiến mang tính khách quan của KTNN.
Về giá trị của báo cáo kiểm toán, PGS.TS Đặng Văn Thanh khẳng định, cùng với việc xác định rõ địa vị pháp lý của KTNN, một điểm đáng quan tâm của Luật là quy định giá trị của báo cáo kiểm toán và trách nhiệm của KTNN đối với báo cáo kiểm toán. Báo cáo kiểm toán của KTNN là văn bản do KTNN lập và công bố để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán.

 

Đối với đơn vị được kiểm toán, báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thực hiện biện pháp để khắc phục yếu kém trong hoạt động của mình theo kết luận, kiến nghị của KTNN; báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện kết luận, kiến nghị đó cho KTNN. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền sử dụng kết luận kiểm toán quyết định chấp nhận kết luận kiểm toán của KTNN và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. “Báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc thực hiện”.

 

Luật KTNN cũng quy định trách nhiệm pháp lý mà KTNN, kiểm toán viên nhà nước phải gánh chịu trong trường hợp có sai phạm gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán thông qua việc quy định cho đơn vị được kiểm toán có quyền “Yêu cầu kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật. Từ đó, PGS.TS. Đặng Văn Thanh nhấn mạnh các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội như:

 

Giám sát việc quản lý, sử dụng TSNN và NSNN của Quốc hội không chỉ tập trung vào những vấn đề liên quan đến chính sách quản lý, sử dụng TSNN, chính sách tài khoá (như chính sách đầu tư, khai thác tài sản công chính sách thu NSNN; chính sách chi NSNN; chính sách bội chi, xử lý bội chi, nguồn bù đắp bội chi NSNN) mà cần xem xét trong mối liên hệ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác (chính sách đầu tư, chính sách về lao động việc làm, chính sách về xoá đói, giảm nghèo,…). Giám sát việc quản lý, sử dụng TSNN và NSNN cần tập trung vào các cơ quan Nhà nước (cả trung ương và địa phương), các đơn vị, tổ chức kinh tế và cá nhân có quản lý và sử dụng TSNN, NSNN để thực hiện các nhiệm vụ.

 

ThS. Hà Thị Tường Vy – Trường Đại học KD & CN Hà Nội, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho biết, thực tế sau 30 năm hoạt động, KTNN đã phát hiện và kiến nghị trên 740.000 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN chiếm tỷ trọng trên 40%; Kiến nghị kiểm toán cơ bản đã được các đơn vị thực hiện kịp thời, trong đó về xử lý tài chính được các đơn vị thực hiện khoảng 75% trong năm liền kề và tiếp tục được thực hiện trong các năm tiếp theo (lũy kế sau 05 năm, bình quân kết quả thực hiện đạt trên 90%). Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã góp phần phát hiện những hiện tượng, dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản nhà nước…