22 1월 Nghiên cứu cơ sở lý luận về kiểm soát nội bộ trong quản lý rủi ro thuế trên cơ sở tiếp cận khung lý thuyết nền
Tóm tắt
Cải thiện hiệu quả kinh doanh, gia tăng lợi nhuận và tạo sự ổn định tài chính, được xem là những mục tiêu khá cơ bản mà mọi doanh nghiệp (DN) đều mong đợi đạt được. Để có được những điều này thì hoạt động kinh doanh của các tổ chức phải được bảo đảm, công tác kiểm soát chặt chẽ và thực hiện tốt các nghĩa vụ với Nhà nước. Cần khẳng định rằng, việc quản lý rủi ro thuế một cách chặt chẽ sẽ giúp cho các công ty duy trì uy tín và tin tưởng của khách hàng và đối tác kinh doanh, cũng như cơ quan quản lý thuế. Điều này có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh, giúp thu hút thêm đối tác và khách hàng mới. Trong các bài nghiên cứu thì chủ đề kiểm soát nội bộ (KSNB) gắn kết với quản lý thuế vẫn còn khá hạn chế. Bằng phương pháp tổng hợp các công bố, mục tiêu chính của bài viết này là cung cấp khung lý luận do COSO ban hành về KSNB trong quan hệ với khía cạnh thuế và mối quan hệ với hai lý thuyết nền sử dụng chính cho những công bố đó.
Từ khóa: khía cạnh thuế, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro thuế, doanh nghiệp, lý thuyết nền.
Abstract
Enhancing business performance, increasing profits and creating financial stability are considered quite basic goals that every enterprise would like to achieve. To obtain these things, the business activities of organizations must be guaranteed, strictly controlled and fulfill obligations to the state. It should be affirmed that strict tax risk management will assist companies maintain the reputation and trust of customers, business partners as well as tax authorities. This could create a competitive advantage and help attract new partners and customers. In research articles, the topic of internal control associated with tax management is still quite limited. By synthesizing publications, the main goal of this article is to provide a theoretical framework issued by COSO on internal control in relation to tax aspects and the relationship with two main background theories that used for those publications.
Keywords: tax aspect, internal control, tax risk management, enterprises, background theory.
JEL Classifications: M10, M20, M21.
DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.11202311
- Giới thiệu
Trong bối cảnh kinh tế biến đổi bất định và không thể lường trước được như hiện nay, việc quản lý rủi ro trong khía cạnh về thuế ngày càng trở thành một trong số các yếu tố then chốt giúp DN vững vàng trước những biến động của thị trường. Thị trường càng biến động thì yêu cầu DN càng phải đổi mới, bằng cách tung ra những sản phẩm hàng hóa dịch vụ mới và ra nhập thị trường mới, kể cả trong nước và ngoài nước, cũng như liên kết với các đối tác mới. Những sự thay đổi này, ngoài việc mang lại những lợi ích kinh tế còn ẩn chứa những rủi ro thuế mới cho DN.
Ngoài ra, các công ty đã và đang gặp phải nhiều thách thức về thuế, đặc biệt là trong bối cảnh sự biến đổi liên tục của môi trường thuế, tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Sự phức tạp và thay đổi của hệ thống thuế đã đặt ra một loạt các rủi ro tiềm ẩn, mà công ty cần phải đối mặt và quản lý một cách chặt chẽ. Chính vì vậy, việc nghiên cứu cách nâng cao tính hữu hiệu của KSNB về quản lý rủi ro thuế tại đây không chỉ giúp cho các DN hoạt động hiệu quả hơn mà còn mang tính ứng dụng cao trên thực tiễn. Nghiên cứu này, cũng giúp tổng hợp và phát triển các phương pháp, kỹ thuật quản lý rủi ro thuế hiệu quả. Bài viết cũng hỗ trợ cho các đồng nghiệp hoạt động trong ngành kế toán, đặc biệt là kế toán thuế; hoặc phụ trách quản lý về việc tuân thủ thuế; hoặc hoạch định thuế của công ty, cũng có thể tham khảo để rút kinh nghiệm cho bản thân để áp dụng cho đơn vị mình đang công tác.
- Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp được xem là công cụ hỗ trợ trong quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học. Với chủ đề về KSNB có thể thấy rằng, nó gắn liền trong mọi hoạt động, mọi bộ phận và mọi cá nhân trong một tổ chức. Bài viết này chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu lý thuyết, nó thường bắt đầu từ phân tích các tài liệu để tìm ra cấu trúc, các xu hướng phát triển của lý thuyết để tổng hợp rút ra những nội dung phổ biến. Việc phân tích lý thuyết trong bài này, sẽ tiến hành phân tích nội dung, phân tích chủ đề và phân tích kết quả có được từ các bài đã công bố, rà soát tổng quan nghiên cứu và xác định bộ lý thuyết nền, làm cơ sở nền tảng để tạo ra sự gắn kết.
- Lý thuyết về KSNB về quản lý rủi ro thuế
3.1. KSNB và các đặc tính
KSNB là một quá trình chịu sự chi phối và kiểm soát bởi toàn bộ thành viên của hội đồng quản trị các DN, nhà quản lý và các nhân viên của đơn vị, nó được thiết lập nhằm cung cấp một mức bảo đảm hợp lý để có thể đạt được các mục tiêu về hoạt động, báo cáo và tuân thủ.
Đặc tính của KSNB thể hiện qua 5 điểm sau:
Trùng khớp với hoàn thành mục tiêu: các mục tiêu có thể đơn lẻ hoặc nhiều mục tiêu trùng nhau; như việc “lập báo cáo tài chính quý trong vòng 10 ngày sau khi kết thúc quý” có thể vừa phục vụ mục tiêu hoạt động (Operation objective) và có thể thỏa mãn tính tuân thủ (Compliance objective).
KSNB là quá trình (process): bao gồm những tác vụ và hoạt động đang tiếp diễn và hiện diện trong hoạt động của DN.
Bị chi phối bởi (effected by) con người: do đó, nó không chỉ là những chính sách và hướng dẫn về thủ tục, hệ thống và biểu mẫu, mà còn bao gồm con người và cách mà hành động của con người ở tất cả các cấp độ của tổ chức, dẫn đến những tác động vào KSNB.
Phải có thể cung cấp sự đảm bảo hợp lý: nhưng không nhất thiết phải đảm bảo tuyệt đối cho những nhà quản lý cấp cao và hội đồng quản trị.
Tương thích với cơ chế của đơn vị: có sự linh hoạt trong việc áp dụng cho toàn DN hoặc một bộ phận, phòng ban và chu trình kinh doanh,…
3.2. Khung COSO về KSNB quản lý rủi ro thuế
3.2.1. Khái niệm và phân loại
KSNB về quản lý rủi ro thuế là toàn bộ những thực hành của DN nhằm xác định và đánh giá, giảm thiểu, giám sát và kiểm soát rủi ro thuế DN, nhằm xây dựng môi trường thông tin nội bộ có ích. Các hoạt động quản lý rủi ro thuế sẽ được thiết kế đặc thù theo từng DN, tuy nhiên có thể phân loại các hoạt động này thành 5 bước:
– Bước 1, nhận diện rủi ro: hoạt động đầu tiên và rất quan trọng là nhận diện được những rủi ro thuế tiềm tàng bao gồm dự đoán về những thay đổi trong các quy định pháp luật, chủ yếu nhằm vào rủi ro tài chính, rủi ro pháp lý và rủi ro danh tiếng, dự đoán những vấn đề phát sinh liên quan đến thuế trong các đơn vị kinh doanh trong DN và các hoạt động quy hoạch về thuế. DN cũng nên nhận thức tầm quan trọng, phải xây dựng bộ phận thuế như một phòng ban riêng biệt.
– Bước 2, đánh giá tác động rủi ro thuế: cân nhắc rủi ro thuế như là chi phí so với lợi ích của hoạch định thuế và báo cáo đánh giá lượng hóa rủi ro.
– Bước 3, quản lý và giảm nhẹ tác động rủi ro thuế: hạch toán dự phòng trên bảng cân đối kế toán, chuyển giao rủi ro; tham vấn tư vấn bên ngoài; phân công người phụ trách theo sắc thuế cụ thể, phân công rõ vai trò và trách nhiệm cho cá nhân quản lý; huấn luyện nội bộ toàn công ty để tăng cường nhận thức về thuế và trao đổi giao tiếp mang tính phòng tránh với bên ngoài.
– Bước 4, giám sát và kiểm soát tính hiệu quả của quản lý rủi ro thuế: chuẩn hóa hồ sơ biểu mẫu và minh họa quy trình, đặc biệt có thể sử dụng bảng đồ nhiệt rủi ro; xây dựng một cách có hệ thống nhóm chỉ thị về thuế cho những rủi ro về tuân thủ.
– Bước 5, gắn kết với hệ thống thông tin nội bộ hữu ích: nhiệm vụ quan trọng là phải kết nối tất cả các đơn vị kinh doanh và thiết lập kênh báo cáo rủi ro thuế, giữa bộ phận thuế và CFO.
Theo (Brühne and Schanz, 2022), các khái niệm và định nghĩa trên có mối quan hệ như Hình 1.
Hình 1: Sơ đồ mối quan hệ các khái niệm KSNB về quản lý rủi ro thuế