11 7월 Nỗ lực cao nhất để hoàn thành dự toán thu NSNN
Với cam kết này, toàn ngành thuế tiếp tục dồn tâm, dốc lực thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được giao.
Thu tăng từ nhiều giải pháp
Đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế cho biết, ngay từ đầu năm 2017, Tổng cục Thuế đã cụ thể hoá các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 19/NQ-CP thành các biện pháp quản lý cụ thể để thực hiện đồng bộ. Theo đó cơ quan thuế các cấp từ trung ương đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các cơ chế, chính sách thuế mới đến người nộp thuế, đặc biệt là những nội dung về cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho SXKD, tạo thuận lợi cho DN. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác thu thuế; mở rộng địa bàn triển khai hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử, tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế (siêu thị, nhà hàng, khách sạn,…); tăng cường công tác phối hợp thu với các ngân hàng, đa dạng hóa các kênh thu nộp ngân sách (thu qua máy POS, qua ATM, Internet Banking,…); qua đó rút ngắn thời gian cho người nộp thuế và tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN. Đây là những tiền đề để người nộp thuế nâng cao kiến thức, tự giác chấp hành tốt pháp luật thuế.
Cạnh đó, với mục tiêu quản lý chặt chẽ, chính xác mọi đối tượng, mọi nguồn thu phát sinh, toàn hệ thống thuế đã thường xuyên đẩy mạnh việc kiểm kê, rà soát mã số thuế; siết chặt các giải pháp quản lý khoản thu, nhất là thu qua hình thức khoán; khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế cả về đối tượng và căn cứ tính thuế. Trong nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác chống thất thu, đảm bảo lành mạnh hoá môi trường kinh doanh và nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã lập và giao chỉ tiêu kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho Cục Thuế các địa phương. Với nguyên tắc áp dụng phương pháp phân tích rủi ro, tập trung vào những DN có rủi ro cao về hoàn thuế, ưu đãi thuế, DN sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp; các DN có dấu hiệu chuyển giá, giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ; các lĩnh vực: tài nguyên khoáng sản, phân phối bán lẻ, du lịch…, tính đến ngày 26/6/2017, toàn ngành đã thanh tra, kiểm tra được 36.664 DN, đạt 40,5% kế hoạch. Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 7.644 tỷ đồng, tăng 34,07% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 3.430 tỷ đồng. Cũng trên cơ sở giao chỉ tiêu thu nợ đến từng bộ phận tham gia trực tiếp thực hiện quy trình quản lý nợ; đồng thời đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ phận, cơ quan chức năng liên quan trong thực hiện đôn đốc thu hồi tiền nợ thuế, trong 5 tháng ngành thuế đã thu hồi được 16.004 tỷ đồng số tiền thuế nợ của năm 2016 chuyển sang, tăng 13,3% so với cùng kỳ.
Tích tụ nỗ lực tăng thu từ nhiều giải pháp, lũy kế đến ngày 30/6/2017 tổng thu nội địa do cơ quan thuế quản lý ước đạt 464.500 tỷ đồng, bằng 48% dự toán, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2016. Thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá (bình quân chung đạt khoảng 54% dự toán) và tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 45/63 địa phương thu nội địa đạt từ 48% dự toán trở lên và 54/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ năm 2016.
Tập trung toàn lực cho nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong khi thu nội địa 6 tháng đầu năm chưa đảm bảo tiến độ, chưa kể thu ngân sách trung ương mới đạt khoảng 41,5% dự toán, Tổng cục Thuế xác định nhiệm vụ những tháng cuối năm còn rất nặng nề, đòi hỏi toàn ngành phải tập trung toàn lực mới có thể đạt được các mục tiêu đề ra. Theo đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo toàn hệ thống tiếp tục tiển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu kết hợp đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực thu, từng sắc thuế để xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả. Cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách thuế, thủ tục hành chính ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực, tạo điều kiện cho người nộp thuế nắm bắt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và giám sát việc thực thi pháp luật của cán bộ công chức. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát công tác đăng ký thuế trên toàn quốc để chuẩn hóa dữ liệu đầu vào; tập trung kiểm tra các tờ khai có sự mâu thuẫn, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế; đồng thời tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý thuế khoán, chuyển mạnh các hộ kinh doanh lớn sang nộp thuế theo kê khai, hạch toán kế toán, đặc biệt là tại các TP, đô thị lớn.
Để tăng cường hiệu quả công tác chống thất thu, một mặt Tổng cục Thuế yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch được giao, tập trung vào các đối tượng, lĩnh vực có nhiều rủi ro về thuế; mặt khác cơ quan thuế phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT, kiên quyết xử lý, thu hồi đầy đủ số tiền thuế bị gian lận vào NSNN. Với công tác quản lý nợ thuế, mục tiêu cao nhất của ngành là phấn đấu giảm tỷ lệ nợ thuế trên tổng thu ngân sách theo tinh thần Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, không để phát sinh nợ mới, trong đó tập trung vào các giải pháp: rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân của từng trường hợp để áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn./.
Nguồn Tạp Chí Thuế