Quản lý tuân thủ pháp luật thuế hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế

Quản lý tuân thủ pháp luật thuế hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế

Tuân thủ pháp luật thuế là nghĩa vụ và cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện đúng các quy định về thuế, góp phần đảm bảo nguồn thu cho NSNN phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ của internet và các nền tảng số, đã tạo ra một nền kinh tế số đầy tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức.

Yêu cầu cấp thiết triển khai quản lý tuân thủ thuế

Tại Hội thảo “Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số” vừa được Tổng cục Thuế tổ chức ngày 13/5 vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đã đưa ra nhận định “Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự bùng nổ của internet và các nền tảng số, đã tạo ra một nền kinh tế số đầy tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức. Nền kinh tế số mang đến những cơ hội to lớn cho phát triển kinh tế – xã hội, tuy nhiên, nó cũng đặt ra những vấn đề mới cho công tác quản lý thuế, trong đó vấn đề quản lý tuân thủ thuế đóng vai trò vô cùng quan trọng.”

“Dự báo, việc quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn hơn so với nền kinh tế truyền thống do tính phức tạp, tính đa dạng và tính toàn cầu của các hoạt động kinh tế. Các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng, thông qua các nền tảng số, khiến cho việc theo dõi, kiểm soát và quản lý trở nên khó khăn hơn. Do vậy, đòi hỏi cần có những giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả để đảm bảo nguồn thu cho NSNN.

Có thể khẳng định, việc tìm kiếm những giải pháp quản lý tuân thủ thuế hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo nguồn thu cho NSNN trong thời đại công nghệ số là một yêu cầu cấp thiết không chỉ của ngành Thuế mà còn là của cả nền kinh tế để hướng đến một nền kinh tế minh bạch, công bằng và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Thông qua thực tiễn quản lý thuế và căn cứ yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế, Tổng cục Thuế đã xác định quản lý tuân thủ thuế là phương thức quản lý thuế hiện đại giúp cơ quan thuế phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực có hạn trước bối cảnh số lượng NNT ngày càng tăng, quy mô hoạt động ngày càng lớn, tính chất hoạt động ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thuế. Quản lý tuân thủ thuế đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để NNT tuân thủ tốt các quy định của pháp luật.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm hiện tại thì cả nước hiện có gần 1 triệu DN, hơn 3 triệu hộ kinh doanh (trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế) và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (trong đó có khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân) và chắc chắn trong tương lai khi nền kinh tế tiếp tục phát triển theo hướng mở, đồng bộ, mạnh mẽ hơn thì những con số trên sẽ tăng theo cấp số nhân.

“Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều DN, tổ chức cá nhân kinh doanh tại Việt Nam.” – Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh đánh giá.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, quản lý tuân thủ thuế đang là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh chuyển đổi số. Trong khi chất lượng của công tác quản lý thuế của cơ quan thuế tỷ lệ thuận với ý thức tuân thủ của NNT. Quản lý thuế càng tốt, tính tuân thủ càng cao thì sẽ tạo nên môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.

“Với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay, số lượng NNT ngày càng tăng, hoạt động ngày càng phức tạp, vai trò của phân tích rủi ro quản lý tuân thủ NNT càng quan trọng. Theo đó, công tác quản lý rủi ro, tăng cường tính tuân thủ cần được tăng cường, cần được thực hiện quyết liệt.” – Chủ tịch VTCA Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh.

Có thể thấy, trong những năm vừa qua, ngành Thuế đã chú trọng triển khai công tác quản lý rủi ro tuân thủ pháp luật thuế, trong đó thực hiện tổ chức thu thập, xử lý dữ liệu bên trong và từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài ngành Thuế; xây dựng các Bộ chỉ số tiêu chí, quy trình và ứng dụng về phân tích, nhận diện rủi ro NNT hỗ trợ cho công tác quản lý thuế để: lựa chọn NNT thực hiện kiểm tra, thanh tra thuế; phân loại hồ sơ hoàn thuế và xây dựng kế hoạch kiểm tra sau hoàn; quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng hoá đơn của NNT phòng ngừa gian lận hóa đơn, chống thất thu cho NSNN.

Áp dụng trí tuệ nhân tạo vào phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ thuế

Để bắt kịp với xu thế quản lý tuân thủ thuế đã và đang được các quốc gia tiên tiến trên thế giới áp dụng và trước yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành Thuế nói riêng và chiến lược chuyển đổi số Quốc gia nói chung, ngành Thuế đã bắt tay vào nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới dựa trên phân tích dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ thuế.

Ngành Thuế đã triển khai hiệu quả công tác thu thập, phân tích dữ liệu HĐĐT nói riêng, dữ liệu quản lý thuế nói chung; thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đối soát dữ liệu lớn với HĐĐT.

“Thực tiễn quản lý thuế và định hướng phát triển, hiện đại hóa, số hóa toàn diện công tác quản lý thuế trong nền kinh tế thị trường, thì việc triển khai một đơn vị có nhiệm vụ quản lý tuân thủ được thành lập ở cấp Trung ương với địa vị pháp lý, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ làm đầu mối chủ trì việc xây dựng, tham mưu, tổ chức thực hiện công tác thu thập, xử lý thông tin, áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ.

Song song với đó, ngành Thuế xây dựng chức năng cảnh báo xuất hoá đơn vượt ngưỡng an toàn; và bước đầu nghiên cứu, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích dữ liệu lớn HĐĐT để phát hiện rủi ro giá bất thường, chuỗi mua bán hóa đơn, gian lận hoàn thuế GTGT, phân tích chuỗi mua bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro hoặc theo chuỗi quan hệ mua bán của các DN trong nền kinh tế giúp tìm các chuỗi nghi ngờ (mua bán lòng vòng, chỉ mua không bán, chỉ bán không mua, xuất khống hóa đơn,…).

Trong quá trình nghiên cứu giải pháp quản lý tuân thủ thuế, ngành Thuế đã và đang tiếp thu kinh nghiệm, thông tin từ các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế về các giải pháp quản lý tuân thủ thuế hiệu quả trong nền kinh tế số, đồng thời đề xuất các giải pháp, định hướng chính sách cho công tác quản lý tuân thủ thuế trong thời gian tới.

Điển hình tại Hội thảo “Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số”, Chuyên gia JICA tại Việt Nam Noguchi Daisuke đã chia sẻ về công tác quản lý tuân thủ thuế tại Nhật Bản. Đó là việc duy trì và nâng cao tính tuân thủ thuế của khối DN lớn mà theo ông Noguchi Daisuke đánh giá “là vô cùng quan trọng” để duy trì và nâng cao tuân thủ thuế trên cả nước. Do đó, việc nâng cao tính tuân thủ thuế của DN lớn là biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế.

Có thể khẳng định, kinh nghiệm này rất hữu ích cho cơ quan thuế Việt Nam bởi đối tượng DN lớn là thành phần có tính chi phối nền kinh tế và sản xuất kinh doanh nhiều nhất trong nền kinh tế. Ông Noguchi Daisuke chia sẻ, cơ quan thuế Nhật Bản đã ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị thuế trong DN lớn, từ đó đem lại lợi ích cho cả DN và cơ quan thuế. Theo đó, đối với các DN lớn, việc giảm thiểu rủi ro về thuế (rủi ro do xử lý kế toán không phù hợp trong DN). Nếu hệ thống quản trị thuế trong DN tốt thì có thể giảm thiểu gánh nặng ứng phó với thanh tra thuế.

Chuyên gia JICA Noguchi Daisuke cho rằng, đối với cơ quan thuế, có thể tập trung nguồn lực thanh tra cho các DN có mức độ cần thanh tra cao. Về cách tiếp cận dựa trên rủi ro, cơ quan thuế Nhật Bản tập trung phân tích các yếu tố như tình hình quản trị thuế trong DN, nội dung hoạt động kinh doanh, nội dung kê khai/quyết toán, các vấn đề được chỉ ra trong thanh tra thuế và tình hình cải thiện. Nhận định về rủi ro trên cơ sở đánh giá đó, lựa chọn đối tượng thanh tra dựa trên rủi ro và phân bổ nguồn lực phù hợp…

Trên cơ sở thực tiễn quản lý thuế và định hướng phát triển, hiện đại hóa, số hóa toàn diện công tác quản lý thuế trong nền kinh tế thị trường, thì việc triển khai một đơn vị có nhiệm vụ quản lý tuân thủ được thành lập ở cấp Trung ương với địa vị pháp lý, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ làm đầu mối chủ trì việc xây dựng, tham mưu, tổ chức thực hiện công tác thu thập, xử lý thông tin, áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ để hỗ trợ cho các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế, thực hiện quy định về áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế được quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Thực tiễn cho thấy, kết quả phân tích rủi ro mang tính kế thừa, kết quả đánh giá ở khâu trước là một phần của tiêu chí đánh giá ở khâu sau. Đối với từng nghiệp vụ quản lý thuế sẽ quy định cụ thể các biện pháp quản lý được áp dụng tương ứng với mức độ rủi ro, nhằm hướng tới nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế và tính tuân thủ tự nguyện của NNT.

Đồng thời, đối với công tác quản lý tuân thủ trên cơ sở đối chiếu chéo về tình hình thực hiện nghĩa vụ các sắc thuế, nghĩa vụ kê khai, nộp thuế của NNT cá nhân cũng như nghĩa vụ của tổ chức do NNT là chủ sở hữu hay là đại diện theo pháp luật, từ đó sẽ có báo cáo tổng quan về NNT, giúp cơ quan thuế kịp thời đưa ra biện pháp quản lý phù hợp, phòng tránh, giảm thiểu rủi ro, gây thiệt hại cho NSNN, nâng cao tính tuân thủ của NNT, tiết kiệm được thời gian do trước đây thông tin về NNT được quản lý phân tán ở các đơn vị ngành Thuế, khi cần phân tích về NNT nào đó thì phải tập hợp dữ liệu từ nhiều đầu mối.

Để phù hợp với thông lệ quốc tế, thì việc tổ chức đơn vị thực hiện quản lý tuân thủ thực hiện chuyên trách về quản lý tuân thủ sẽ đảm bảo tính tương đồng, phù hợp về mô hình tổ chức cũng như chức năng nhiệm vụ của đơn vị quản lý tuân thủ với các nước tiên tiến, phát triển trên thế giới, giúp cho quá trình hợp tác được thuận tiện, nâng cao vị thế của cơ quan thuế, góp phần hiệu quả vào công tác quản lý thuế, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia