19 2월 Quyết tâm thực hiện ‘mục tiêu kép’ vừa hoàn thành dự toán thu và hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh
Đó là khẳng định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn tại buổi trao đổi với báo chí về những kết quả nổi bật của ngành Thuế trong công tác thu ngân sách và những thành tựu quan trọng của ngành Thuế đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội và an sinh xã hội của đất nước, đồng thời cho biết những nhiệm vụ lớn nhất của ngành Thuế trong năm 2024. Cổng TTĐT Tổng cục Thuế xin giới thiệu toàn văn cuộc trao đổi của Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn.
PV: Năm 2023, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt 1.522.818 tỷ đồng, bằng 110,9% dự toán, bằng 100,3% so cùng kỳ năm 2022. Đây là một kết quả rất nổi bật trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều thách thức, xin ông chia sẻ thêm về kết quả tích cực này?
Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn: Như các bạn đã biết, năm 2023, là năm mà kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và chịu tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới tác động tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong nước đã áp lực không nhỏ lên việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN của ngành Thuế.
Dự báo trước những khó khăn của nền kinh tế, ngay từ đầu năm Tổng cục Thuế đã kịp thời tham mưu trình Bộ ban hành và trình Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách với quy mô lớn hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế với quy mô tổng số gia hạn, miễn giảm khoảng 200 ngàn tỷ đồng, đồng thời vừa tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế.
Theo đó, tổng thu ngân sách do cơ quan Thuế quản lý đạt 1.522,8 triệu tỷ đồng, bằng 110,9% dự toán. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, đây là sự nỗ lực rất lớn cả ngành Thuế đóng góp vào tổng thu NSNN của Tài chính.
Với phương châm “Ngành Thuế luôn đồng hành cùng NNT”, cơ quan thuế luôn theo sát diễn biến tình hình kinh tế và sức khoẻ DN để không chỉ tham mưu trình cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách thuế hỗ trợ cho DN.
Đồng thời triển khai quyết liệt, tổ chức đưa chính sách vào cuộc sống kịp thời ngay khi ban hành, giúp DN, doanh nhân nhanh chóng tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, chấp hành đúng nghĩa vụ với NSNN góp phần tăng thu cho NSNN.
Song song với đó, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ trong công tác quản lý thuế đáp ứng các yêu cầu quản lý thuế trong tình hình mới, triển khai thực hiện tốt HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, triển khai Cổng TTĐT cho nhà cung cấp nước ngoài và Cổng tiếp nhận thông tin TMĐT trong nước, ứng dụng etax – mobile, bản đồ số về quản lý hộ kinh doanh, bản đồ số về giá đất, giá chuyển nhượng bất động sản, mỏ khoáng sản… nhằm chống gian lận, trốn thuế qua đó chống thất thu, tăng thu cho NSNN.
Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính và những nỗ lực của cơ quan thuế các cấp, ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu của toàn ngành Tài chính, tạo thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo các cân đối lớn về tài chính – ngân sách của Nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.
PV: Bên cạnh việc triển khai công tác thu ngân sách, trong năm 2023, bám sát sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã tham mưu và quyết liệt triển khai chính sách thuế hỗ trợ kịp thời cộng đồng DN và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Ông có thể chia sẻ thêm về việc triển khai thực hiện các chính sách thuế trên của ngành Thuế?
Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn: Trong năm 2023, trước tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đời sống của người dân, Tổng cục Thuế đã tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và triển khai các gói chính sách thuế hỗ trợ cộng đồng DN và người dân để phục hồi và đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%. Chính sách này tiếp tục được áp dụng trong năm 2024 từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024).
Thứ hai, giảm 30% tiền thuê đất năm 2023 đối với tổ chức, đơn vị, DN, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Thứ ba, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Thứ tư, triển khai các chính sách giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023; Giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tiết giảm chi phí của DN, người dân; và gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, thuế TTĐB và tiền thuê đất trong năm 2023.
Theo đó, tổng giá trị hỗ trợ trong năm 2023 khoảng 196 nghìn tỷ đồng (trong đó: số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng).
Để kịp thời triển khai các chính sách mới, giúp người dân và DN thuộc đối tượng có thể thụ hưởng chính sách, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế địa phương kịp thời tuyên truyền, phố biến và thực hiện hỗ trợ các DN, người dân thuộc đối tượng được hỗ trợ của các chính sách trên.
Việc ban hành và thực hiện các giải pháp nêu trên cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng DN, người dân; góp phần hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế xã hội.
Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất Bộ Tài chính và cấp có thẩm quyền các giải pháp áp dụng cho năm 2024.
PV: Năm 2023, ngành Thuế được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là một trong những đơn vị tiên phong trong công tác chuyển đổi số. Bên cạnh đó, với việc lựa chọn 19 ứng dụng CNTT do các Cục Thuế tự nghiên cứu xây dựng phát triển đã đánh dấu những nỗ lực và kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi số. Bước vào năm 2024, ông có thể chia sẻ những mục tiêu chuyển đổi số của ngành Thuế tiếp tục tập trung vào công tác chuyển đổi số trong quản lý thuế?
Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn: Với hơn 30 năm xây dựng và phát triển hệ thống CNTT, ngành Thuế luôn là đơn vị tiên phong, đi đầu trong việc triển khai ứng dụng CNTT và đang nỗ lực cải cách, hiện đại công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng số, dữ liệu số; cung cấp các dịch vụ thuế số theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế với 3 mục tiêu:
Một là: Phát triển hệ thống CNTT tích hợp, tập trung lấy người dân, DN làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động.
Hai là: Ứng dụng các thành tựu công nghệ mới phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác xây dựng chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ NNT, quản lý rủi ro và tuân thủ.
Ba là: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNTT với trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, đảm bảo an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu.
Để đạt được các mục tiêu nên trên, trong năm 2024, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, tập trung vào một số nội dung như:
Thứ nhất, đẩy mạnh việc triển khai áp dụng các giải pháp thu thập, phân tích, đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trên môi trường mạng phục vụ công tác quản lý thuế nhằm chống thất thu thuế, đặc biệt là đối với hoạt động TMĐT trong nước và dịch vụ số xuyên biên giới.
Thứ hai, tiếp tục mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc đối với các DN, hộ, cá nhân kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp tới người tiêu dùng như kinh doanh xăng dầu, siêu thị, kinh doanh ăn uống, hiệu thuốc,… Từ đó, hoàn thiện CSDL về hóa đơn điện tử, kết nối với các dữ liệu về đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế (GTGT, TNDN, TTĐB,…), báo cáo tài chính,… làm cơ sở xây dựng hệ thống ứng dụng Phân tích dữ liệu và Quản lý rủi ro tổng thể trong công tác quản lý thuế.
Thứ ba, triển khai mở rộng bản đồ số hộ, cá nhân kinh doanh; bản đồ mỏ khoáng sản trên toàn quốc.
Thứ tư, nâng cấp các dịch vụ thuế điện tử cung cấp cho NNT trên eTax, eTax Mobile, kết nối với các hệ thống liên quan đáp ứng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho NNT trong thực hiện các thủ tục hành chính thuế.
Thứ năm, xây dựng ứng dụng quản lý hiệu quả, hiệu suất của cán bộ công chức giúp nâng cao trách nhiệm công vụ của công chức thuế trong xử lý công việc và phục vụ NNT.
PV: Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu. Đây là động thái tích cực khẳng định quyền đánh thuế của Việt Nam và tiếp tục góp phần tạo môi trường để thu hút đầu tư của Việt Nam. Xin ông cho biết thời gian tới việc triển khai Nghị quyết này sẽ được thực thi ra sao?
Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn: Ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập DN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.
Hiện tại, Tổng cục Thuế là đơn vị được giao chủ trì trình các cấp có thẩm quyền Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 107/2023/QH15, dự kiến Nghị định sẽ trình Chính phủ ban hành vào tháng 10 năm 2024.
Ngoài ra, trong thời gian tới, khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực thi hành, Chính phủ sẽ triển khai đánh giá một cách tổng thể hệ thống chính sách ưu đãi thuế hiện hành và xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập DN cùng phương án điều chỉnh hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế một cách phù hợp.
Đồng thời Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ đầu tư mới, thay thế cho các ưu đãi thuế không còn hiệu quả trên thực tế, để các nhà đầu tư có thể yên tâm về môi trường đầu tư tại Việt Nam và thu hút được các nhà đầu tư lớn, chiến lược, đồng thời hỗ trợ các DN trong nước, từ đó góp phần đạt mục tiêu tăng thu ngân sách bền vững.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã làm việc với các tổ chức quốc tế (WB, IMF…) và cơ quan thuế các nước, đề xuất các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, khảo sát trong năm 2024 để học hỏi những kinh nghiệm, thông lệ quốc tế tốt trong quản lý thuế nhằm đào tạo, nâng cao năng lực cho công chức thuế, ứng dụng các thông lệ tốt quốc tế trong đánh giá hiệu quả của cơ quan thuế, hướng tới mục tiêu xây dựng cơ quan thuế hiện đại, hiệu lực, minh bạch.
PV: Phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2023, bước sang năm 2024, xin ông cho biết nhiệm vụ lớn nhất của ngành Thuế là gì?
Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn: Trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực được dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Đối với trong nước, bên cạnh việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thì vẫn còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2024 của cơ quan thuế.
Để hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh trong năm 2024, bên cạnh việc triển khai những chính sách hỗ trợ đã được Quốc hội phê chuẩn. Để thực hiện ‘mục tiêu kép’ vừa hoàn thành dự toán thu nhưng vẫn đảm bảo hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, ngành Thuế tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thu, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, bám sát và đánh giá đúng tình hình kinh tế trong nước, thế giới năm 2024; phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong nước để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu NSNN.
Nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách gia hạn thuế để hỗ trợ thêm cho DN, người dân có thêm dòng vốn ngắn hạn tập trung cho sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu bền vững cho NSNN.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Đẩy mạnh hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế ở tất cả các khâu; nâng cấp ứng dụng nhằm vận hành ổn định hệ thống hoá đơn điện tử trên toàn quốc; cải cách toàn diện hệ thống thuế trên các lĩnh vực, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện quyết liệt chuyển đổi số… nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho người nộp thuế.
Đẩy mạnh áp dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quản lý thuế, quản lý hóa đơn, góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh NNT gian lận về hóa đơn. Triển khai mạnh mẽ xây dựng dữ liệu bản đồ số đối với hộ kinh doanh trên toàn quốc. Tiếp tục hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ việc triển khai các chương trình hỗ trợ người nộp thuế; nghiên cứu và thực hiện cung cấp thông tin tự động (trí tuệ nhân tạo-AI, chatbot).
Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước và đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới. Tiếp tục nâng cấp hệ thống Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.
Thứ ba, tăng cường triển khai các giải pháp về quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ thuế, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ hoàn thuế GTGT, đảm bảo hoàn thuế kịp thời đúng theo quy định của pháp luật.
Khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, chỉ tiêu thu nợ. Tập trung thanh tra, kiểm tra thuế đối với các DN thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, các DN có giao dịch liên kết; giao dịch liên quan đến TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, bất động sản… góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh.
Tập trung chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, phấn đấu khai thác tăng thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, bất động sản, hoạt động khai thác tài nguyên khoảng sản, kinh doanh theo chuỗi, cho thuê nhà, thuế TNCN của cá nhân có nhiều nguồn thu nhập;… để mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu, tăng thu cho NSNN.
Thứ tư, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện rà soát, nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Tài chính và các cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp căn cơ nhằm hỗ trợ cho DN phát huy tối đa nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, góp phần tăng thu NSNN bền vững.
Kịp thời triển khai các chính sách phù hợp, hiệu quả liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để rà soát, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách thu theo hướng mở rộng và chống sói mòn cơ sở thuế, bao quát nguồn thu, khai thác tăng thu từ các nguồn thu còn tiềm năng, dư địa, chống chuyển giá, trốn thuế, kiên quyết loại bỏ những cơ chế, chính sách có dấu hiệu cản trở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của NNT.
Thứ năm, mở rộng, tập trung tăng cường ứng dụng CNTT, hiện đại hoá trong các lĩnh vực quản lý hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Ưu tiên thực hiện nhiệm vụ “tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả và giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030”, từ đó nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút đầu tư kinh doanh nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý thu NSNN đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho NNT thực hiện nghĩa vụ với NSNN