06 11월 Sự phát triển của các nguyên tác hạn chế khấu trừ chi phí lãi vay
Để tối đa hóa lợi nhuận lớn nhất có thể, ngoài việc xây dựng và triển khai các chiến lược tăng doanh thu, các doanh nghiệp luôn tìm kiếm các giải pháp nhằm tối thiểu hóa chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Lịch sử phát triển kinh tế cho thấy, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia thường tối thiểu hóa chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc tận dụng nguồn nguyên liệu thô có giá rẻ, chi phí nhân công thấp, khai thác tối đa các tiềm năng tại chỗ… Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, bên cạnh việc áp dụng tối đa các giải pháp nêu trên thì một số biện pháp kỹ thuật nhằm tối thiểu chi phí tinh vi hơn đã được một số doanh nghiệp đa quốc gia thúc đẩy và sử dụng. Các biện pháp kỹ thuật này chủ yếu nhằm mục đích tối thiểu hóa chi phí thuế thông qua lợi dụng sự khác biệt về chính sách thuế giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ. Một số biện pháp kỹ thuật tránh thuế tinh vi mà các doanh nghiệp sử dụng thay thế cho các giải pháp truyền thống như: Chuyển giá (Transfer pringcing); sử dụng các công cụ tài chính hiện đại (Using modern financial instruments); chuyển lợi nhuận đến thiên đường thuế (Paying tax to tax havens); tận dụng sự khác biệt về chính sách thuế giữa nước cư trú và nước nguồn phát sinh của doanh nghiệp (Double – dipping); lợi dụng các hiệp định thuế (Treaty shopping);… Trong đó, hành vi sử dụng đòn bẩy tài chính và dàn xếp về cơ cấu vốn của một số doanh nghiệp để trở thành doanh nghiệp có vốn mỏng đã được sử dụng để tránh thuế một cách hiệu quả.
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế thế giới (viết tắt là OECD): Một doanh nghiệp có tỷ lệ vốn vay lớn hơn nhiều lần so với vốn đầu tư của chủ sở hữu được xem là một doanh nghiệp vốn mỏng. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp có “vốn mỏng” đã sử dụng vốn vay lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu để tăng tối đa chi phí lãi vay được khấu trừ khi tính thuế TNDN. Tổ chức Hợp tác kinh tế phát triển OECD đã nghiên cứu và nhận định: “… việc sắp xếp cơ cấu vốn của một công ty có ảnh hưởng đến lợi nhuận tính thuế của công ty đó. Luật thuế các nước thường cho phép khấu trừ chi phí lãi vay vào thu nhập tính thuế. Vì vậy, một công ty có tỷ lệ vốn vay càng cao thì chi phí lãi vay phải trả càng lớn, do đó thu nhập tính thuế càng giảm. Đây chính là lý do mà vốn vay thường được xem là một phương pháp hiệu quả về thuế hơn so với vốn chủ sở hữu.”
Để chống lại các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận, cơ chế hạn chế khấu trừ chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đã được nhiều cơ quan thuế của các quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng từ rất sớm. Năm 1969, cơ quan thuế Mỹ đã quy định loại trừ khỏi chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lãi vay trả cho phần vốn vay từ các cổ đông. Cơ quan thuế Mỹ cho rằng vốn vay nội bộ từ các cổ đông thực chất là vốn chủ sở hữu. Trường hợp, khoản vay nội bộ đó được sử dụng kinh doanh, thì lãi vay nhận được có thể coi là cổ tức nên cần thiết loại trừ phần chi phí lãi vay này khỏi chi phí được trừ của doanh nghiệp để hạn chế tình trạng xói mòn cơ sở thuế thu nhập doanh nghiệp. Đến những năm 1990, hầu hết các nước phát triển đã đưa ra quy định về vốn mỏng nhằm hạn chế hành vi chuyển lợi nhuận đến các quốc gia/vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn.
Trong giai đoạn đầu tiên, các nguyên tắc vốn mỏng chủ yếu thiết lập một tỷ lệ an toàn (tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu) nhằm yêu cầu các bên liên kết áp dụng các điều kiện thị trường bình thường vào các giao dịch nội bộ của họ. Các quy tắc nhằm hạn chế tình trạng vốn mỏng thường đưa ra tỷ lệ vốn vay trên vốn đầu tư của chủ sở hữu cụ thể mà các công ty được phép khấu trừ chi phí lãi vay. Ngân hàng, các công ty bảo hiểm và ngân hàng đầu tư là các công ty hoạt động dựa trên vốn vay nhiều hơn đáng kể so với các ngành nghề phi tài chính như sản xuất, thương mại, do đó mà các công ty tài chính thường có tỷ lệ vốn vay/vốn đầu tư của chủ sở hữu cao hơn so với các ngành khác. Một số nước thiết lập các chính sách vốn mỏng riêng biệt cho những doanh nghiệp này.
Vương Quốc Anh cũng bắt đầu thực hiện việc hạn chế khấu trừ chi phí lãi vay thông qua quy định về tỷ lệ vốn vay/vốn đầu tư của chủ sở hữu từ những năm 1990. Từ năm 1994 đến năm 2004, Anh đã 3 lần thay đổi quy định về vốn mỏng để chuyển sang áp dụng “nguyên tắc thị trường” nhằm đảm bảo đối xử công bằng giữa các cơ sở thường trú của Anh với cơ sở thường trú của nước thành viên EU. Theo quy định về thuế, thì một công ty của Anh được xem là công ty vốn mỏng khi có khoản nợ quá mức so với năng lực vay của nó theo nguyên tắc thị trường, dẫn đến tình trạng có thể khấu trừ quá mức chi phí lãi vay.
Sau một thời gian dài phát triển từ nguyên tắc hạn chế chi phí lãi vay sơ khai ban đầu, phương pháp giới hạn nợ vay thông qua tỷ lệ Vốn vay/vốn chủ sở hữu đã không còn hiệu quả bởi vì các công ty dễ dàng phá vỡ nguyên tắc này bằng cách tăng vốn chủ sở hữu tài trợ cho công ty con để đẩy tỷ lệ vốn vay xuống sát tỷ lệ giới hạn. Phương pháp giá thị trường đã được xem xét để đưa vào áp dụng nhằm hạn chế tồn tại của phương pháp tỷ lệ cố định Vốn vay/Vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, Phương pháp giá thị trường cũng dần bộc lộ những tồn tại nhất định như: khó tìm kiếm những giao dịch độc lập về vay vốn tương đồng để so sánh… Do đó, vào những năm 2008-2009, Đức và Ý là hai nước đã áp dụng phương pháp quy định tỷ lệ dựa trên lợi nhuận nhằm hạn chế khấu trừ chi phí lãi vay khi tính thuế TNDN. Theo phương pháp này, chi phí lãi vay được trừ sẽ được giới hạn bởi một tỷ lệ cố định giữa chi phí lãi vay trên lợi nhuận trước thuế, trước lãi vay và khấu hao.
Với cách tiếp cận này thì chỉ có doanh nghiệp phát sinh lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp và trước lãi vay được tính chi phí lãi vay hợp lý để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Những doanh nghiệp bị lỗ sẽ không được tính trừ chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tình trạng lợi dụng nguyên tắc “vốn mỏng” không những gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp vốn mỏng, tạo ra sự méo mó cho nền kinh tế. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp/dự án hoạt động hoàn toàn bằng vốn vay sẽ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Chính vì vậy, cần thiết phải có những quy định nhằm hạn chế tình trạng vốn mỏng./.
Ban CC – TCT