13 9월 Sửa đổi 5 luật thuế: Chuyên gia nói gì?
Sáng 12/9, Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Những điểm nhấn trong sửa đổi 5 luật thuế” để giúp bạn đọc quan tâm có thêm những thông tin khách quan, đa chiều về vấn đề này.
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; thực hiện Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng và đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế, gồm Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật Thuế tài nguyên, để trình Chính phủ trong quý III/2017 và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018.
Dự án Luật này đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.
Để giúp bạn đọc quan tâm có thêm những thông tin khách quan, đa chiều hơn về vấn đề này, cuộc tọa đàm trực tuyến đã mời các chuyên gia tham dự, gồm:
– Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, nguyên Trưởng Đại diện Thương mại Việt Nam tại WTO;
– TS.Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế;
– Bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng Ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính.
Dưới đây là nội dung Tọa đàm:
Thưa các vị khách mời, xin các vị đánh giá về mục đích của việc sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế trong dự thảo lần này và mục tiêu chúng ta hướng đến là gì?
Bà Lê Thị Mai Liên: Tôi nghĩ rằng mục tiêu thay đổi 5 luật thế khá rõ ràng. Thứ nhất, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, các chính sách của Nhà nước về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước (NSNN), bảo đảm tài chính an toàn, bền vững, trong đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, yêu cầu đặt ra đối với luật sửa đổi bổ sung một số điều 5 luật thuế là bảo đảm tăng trưởng nguồn thu trong trung và dài hạn, từ đó hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, cơ cấu lại nguồn thu NSNN, thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công nhằm đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn về nợ, đồng thời là để thực nghị quyết 25 của Quốc hội năm 2016 về kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm quốc gia cũng như chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020.
Ngoài ra, còn phải thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 35 của Chính phủ và Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển.
Thứ hai, mục tiêu sửa đổi lần này chính là tạo sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống chính sách pháp luật, tạo sự thống nhất với các luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản. Việc bảo đảm tính đồng bộ của các luật này nhằm để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng, định hướng sản xuất và tiêu dùng cũng như định hướng nguồn lực trong nền kinh tế.
Điểm thứ ba trong việc ban hành sửa đổi luật lần này là để khắc phục những tồn tại, hạn chế của các chính sách ở 5 luật thuế. Trong thời gian qua, qua quá trình thực hiện, 5 luật thuế bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi phải có sửa đổi bổ sung, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời cũng để xử lý những vấn đề mới phát sinh như là nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực hiện các mục tiêu trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn, khoa học công nghệ và thúc đẩy xã hội hóa.
Mục đích cuối cùng là để phù hợp với mục tiêu, phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như là hội nhập quốc tế, vì trong thời gian qua, trước bối cảnh ứng phó với khủng hoảng kinh tế, nhiều nước đã áp dụng chính sách giảm thuế thu nhập, tăng thuế tiêu dùng, Việt Nam cũng không nằm trong ngoại lệ đó. Năm vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ giảm khó khăn cho doanh nghiệp và để làm được điều đó thì đòi hỏi phải cân đối lại cơ cấu NSNN.
T.S Vũ Đình Ánh: Việc thay đổi các chính sách thuế sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế, toàn xã hội. Đó là lý do tại sao việc sửa đổi 5 luật thuế lần này nhận được sự quan tâm không chỉ của các cơ quan liên quan mà là của toàn xã hội. Khi chúng ta lựa chọn các chính sách thuế để sửa đổi thì có thể nói 5 chính sách thuế này đóng vai trò trụ cột trong lĩnh vực thuế và phí. Với việc điều chỉnh cùng lúc như vậy chắc chắn chúng ta sẽ giải thêm được bài toán rất quan trọng là cơ cấu lại các khoản thu NSNN, trong đó có cơ cấu các loại thuế, phí liên quan đến tổng thu NSNN.
Trong lần sửa đổi này, chúng ta đã đưa khá nhiều nội dung như phát triển kinh tế xã hội, tác động của các cam kết quốc tế tới phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là vấn đề về tổng thu NSNN cũng như cơ cấu thu NSNN nói chung và cơ cấu thu thuế phí nói riêng. Một điểm nữa không thể bỏ qua gắn với phát triển kinh tế-xã hội là hướng tới cách thức điều chỉnh các hành vi và cách thức hoạch định các chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, điều chỉnh các hành vi về tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư của các hộ gia đình, các cá nhân.
Ông Đào Huy Giám: Doanh nghiệp cũng như người dân đều mong có một hệ thống hành chính hoàn chỉnh, phục vụ thân thiện. Đây có thể là một việc làm đánh dấu mốc trong việc phát triển kinh tế-xã hội, góp phần giúp đỡ doanh nghiệp, đồng thời tạo ra nguồn thu để có công cụ thực hiện chính sách trong bối cảnh trong thời gian qua Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách ưu tiên, giải pháp ưu tiên dành cho doanh nghiệp và cũng có rất nhiều chính sách ưu tiên Chính phủ dành cho giáo dục đào tạo, công nghệ sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên trong quá trình xây dựng pháp luật, chúng ta nhận ra rằng nó đòi hỏi tính ổn định, sau 5 năm chúng ta sửa 4 bộ luật như vừa qua thì chúng ta nên rút kinh nghiệm để nếu Quốc hội đồng ý thông qua, các bộ luật ổn định hơn và được áp dụng lâu dài trong thực tế. Nếu 5 năm, 7 năm sửa một lần, rõ ràng chúng ta vẫn còn có mặt hạn chế. Trong bối cảnh chung chúng ta đang hội nhập, giảm thuế nhập khẩu, tạo thuận lợi mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài thì nguồn thu từ nhập khẩu giảm rõ rệt. Nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân cách triển khai mới được một nửa chặng đường, cần nâng cao hiệu quả và điều chỉnh. Việc nghiên cứu điều chỉnh lần này nếu đạt được mong mỏi của doanh nghiệp và người dân thì chúng tôi rất hoan nghênh.
Trong những năm qua, tỉ lệ huy động về thuế và phí vào ngân sách khoảng 21,6% GDP (mục tiêu đặt ra là 22-23% GDP). Tuy nhiên, hiện nay khi Việt Nam cắt giảm nhiều thuế xuất nhập khẩu theo cam kết quốc tế, cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp để trợ giúp doanh nghiệp… thì việc thu thuế có nguy cơ không bảo đảm được mức đã đề ra, do đó sẽ phải cơ cấu lại nguồn thu ngân sách (như dự án luật sửa đổi bổ sung 5 luật thuế sẽ phải tăng cường thuế gián thu và cắt giảm thuế trực thu). TS. Vũ Đình Ánh đánh giá như thế nào về giải pháp này?
TS. Vũ Đình Ánh: Đây là cách chúng ta nhằm cụ thể hóa các văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, cụ thể Nghị quyết 07 năm 2016 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 25 của Quốc hội và một loạt nghị quyết về giúp thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp. Ở đây chúng ta có các lựa chọn
Thứ nhất liên quan tới việc đạt được mục tiêu tỷ trọng động viên từ nền kinh tế vào NSNN trong đó trọng tâm chiếm 90% trong tổng thu NSNN là từ thuế và phí. Tác động của các cam kết quốc tế nên trước đây các khoản thu từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của chúng ta chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng thu NSNN do thực hiện cam kết quốc tế chúng ta bãi bỏ hàng rào thuế quan, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và nhiều loại thuế liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu để thực hiện được các hiệp định thương mại tự do (FTA). Chúng ta mở cửa thị trường không chỉ tạo cho hàng hóa, sản phẩm dịch vụ của nước ngoài xâm nhập vào thị trường Việt Nam mà cũng là tạo điều kiện cho chính các doanh nghiệp nước ta xâm nhập được thị trường quốc tế.
Tôi cho rằng trong lần điều chỉnh lần này, chúng ta có nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu cần điều chỉnh nhất là bảo đảm quy mô tổng thu NSNN, mức động viên của nền kinh tế vào NSNN trong bối cảnh thu từ thuế xuất nhập khẩu chịu tác động như vậy, chưa kể thu từ dầu thô gần đây đang chịu nhiều tác động không thuận nên tổng thu ngân sách. Do vậy việc điều chỉnh lần này, chúng ta quan tâm điều chỉnh quy mô bao gồm tổng quy mô và quy mô của từng sắc thuế trong tổng thu NSNN.
Thứ hai, điều chỉnh cơ cấu, đây là một trong những trọng tâm quan trọng. Trong Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị liên quan đến việc cơ cấu lại NSNN có nói đến việc cơ cấu lại vấn đề liên quan thuế trực thu và thuế gián thu. Lần này chúng ta lựa chọn thuế gián thu và trực thu, mà điển hình ở Việt Nam là thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp
Với xu thế chung, tôi tán thành việc chúng ta đang có những điều chỉnh về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân để ít nhất không tác động tiêu cực khả năng cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp.
Thứ ba, chúng ta giảm bớt các ưu đãi hỗ trợ không cần thiết và không thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh gần đây mỗi khi chúng ta ban hành một cơ chế chính sách mới, dường như sự lệ thuộc, yêu cầu liên quan tới việc ưu đãi hỗ trợ thuế rất nhiều. Với luật lần này, tôi cho rằng cần rà soát các ưu ái hỗ trợ thật sự, đó là nội dung quan trọng phải quan tâm
Thứ tư, thất thu thuế không chỉ liên quan đến việc ảnh hưởng quy mô thu ngân sách, quy mô thu thuế và phí, quan trọng nó tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa những doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về thu ngân sách và thuế với những doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc, trốn, lậu thuế. Việc điều chỉnh nội dung lần này có khá nhiều nội dung liên quan đến chống thất thu thuế.
Cuối cùng là điều chỉnh thuế suất. Tôi cho rằng lựa chọn điều chỉnh thuế suất là lựa chọn nhạy cảm, tác động xã hội rất lớn. Do đó chúng ta lựa chọn ở đây là mức độ điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh và căn cứ điều chỉnh
Đặc biệt nội dung dự thảo lần này đã đưa ra cho người dân góp ý để tìm ra cơ sở điều chỉnh thuế suất. Cụ thể thuế suất phổ thông đối với thuế GTGT, hy vọng nội dung dự thảo 1 luật sửa 5 luật thuế sẽ được hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý, đáp ứng yêu cầu vấn đề thu chi ngân sách Nhà nước, đặc biệt yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước sau khi luật được Quốc hội thông qua.
Thưa ông Đào Huy Giám, các giải pháp tăng cường thuế gián thu và cắt giảm thuế trực thu như dự án luật sửa đổi 5 luật thuế đưa ra sẽ tác động như thế nào đối với doanh nghiệp, người dân?
Ông Đào Huy Giám: Chỉ có một tác động với áp lực cả 5 dòng thuế.
Trước hết với Luật Thuế thu nhập cá nhân. Cách tiếp cận dải thuế thừ thấp đến cao được dải dần ra, mức thuế tương đối của từng dải thuế phải nộp tương đối thấp hơn. Không phải cứ tăng thuế là tăng nguồn thu, có khi giảm thuế sẽ tạo hứng khởi cho người lao động, tạo thu nhập cao hơn và đó là một trong những cách tạo ra nguồn thu. Cực chẳng đã chúng ta phải tăng thuế.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, tôi đánh giá cao suốt thời gian qua, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính đưa được thuế TNDN xuống 20% (ở các nước khác thì nằm trong khoảng 20-26%). Ở đây đề xuất đưa thuế TNDN nhỏ và siêu nhỏ xuống 17% và 15% là một đề xuất tích cực.
Tôi cho rằng với chủ trương phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay nếu đưa thuế xuất xuống 10-15% thay vì 15-17% chưa chắc đã giảm mức thu thuế cho NSNN, nhưng lại khuyến khích các doanh nghiệp và điều này cần ổn đinh trong thời gian dài.
Về thuế GTGT, tăng thuế là việc khó, giảm thuế là việc dễ, nhưng trong hoàn cảnh bắt buộc, nếu cần thiết chúng ta làm minh bạch rõ ràng để nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm. Bởi với mức đề xuất này về dịch vụ tăng 1%, hàng hóa tăng 2%, nhiều doanh nghiệp chưa chắc đã thay đổi giá cả. Nếu thực hiện sẽ làm tăng mặt bằng giá chừng trên 1%, tác động đến vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp không lớn bởi vì tăng chung cho tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên ở đây đòi hỏi sự minh bạch và nhiều giải pháp.
Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế lần này, cơ quan soạn thảo dự định sẽ tăng mức thuế GTGT từ mức 5% lên 6% và từ mức 10% lên 12% áp dụng từ năm 2019. Đây là một nội dung đang có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau và nhiều người cho rằng tăng thuế GTGT trong bối cảnh hiện nay là chưa phù hợp, có khả năng làm giảm sức cạnh tranh của DN, tác động làm tăng giá sản phẩm tiêu dùng và làm ảnh hưởng tới sức mua của người có thu nhập thấp… Xin bà Lê Thị Mai Liên cho biết quan điểm về băn khoăn của người dân nêu trên?
Bà Lê Thị Mai Liên: Theo tôi, mọi sự điều chỉnh về chính sách thuế, trong đó có thuế GTGT, sẽ có tác động khác nhau đến nhiều mặt kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cách thức thiết kế của chính sách
Về tác động với sức cạnh tranh của doanh nghiệp, do thuế GTGT đánh vào người tiêu dùng cuối cùng và doanh nghiệp chỉ là người thu hộ, nên khi tăng thuế suất thuế GTGT sẽ đánh lên cả hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa trong nước. Như vậy cơ bản không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, vì doanh nghiệp xuất khẩu theo quy định hiện hành xuất khẩu hàng hóa 0%, doanh nghiệp được hoàn thuế khi xuất khẩu, với doanh nghiệp trong nước, mức độ ảnh hưởng cần xem xét, tác động phụ thuộc vào mức độ chia sẻ giữa người dân và doanh nghiệp. Với chỉ số giá, việc tác động về lý thuyết có ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng, tuy nhiên mức độ phụ thuộc quy mô khối lượng hàng hóa và dịch vụ người tiêu dùng tiêu dùng, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng chi phối của yếu tố kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền, lạm phát…
Tuy nhiên, thời điểm hiện nay theo dự báo, chỉ số giá ở mức thấp, cho nên với điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại yếu tố lạm phát không phải yếu tố quá lớn
Về ảnh hưởng đối với người thu nhập thấp, việc sửa đổi luật thuế lần này cần nhìn trên giác độ tổng thể, bởi ngoài việc tăng thế GTGT, cơ quan soạn thảo cũng đề suất giảm thuế thu nhập. Theo quy định hiện hành, 25 nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT nhóm thu nhập thấp chủ yếu là sử dụng hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế ở mức thấp như nhóm hàng hóa y tế, giáo dục, nhóm hàng hóa về khám chữa bệnh, dịch vụ tươi sống, sản xuất nông nghiệp
Theo khảo sát điều tra mức sống dân cư năm 2014 do Tổng cục Thống kê công bố, người có thu nhập thấp sử dụng 59,6% thu nhập của mình cho hàng hóa lương thực thực phẩm, trong khi người có thu nhập cao 36,9% và tổng thu nhập chi cho hàng hóa này. Trong khi đó các lĩnh vực như y tế, giáo dục là đối tượng không chịu thuế và lương thực, thực phẩm đối với người sản xuất trực tiếp bán ra không chịu thuế và thương mại trên thị trường buôn bán sẽ chịu thuế 5%
Như vậy việc điều chỉnh thuế lần này cơ bản không có tác động quá nhiều đến nhóm người có thu nhập thấp. Ngoài ra việc đề xuất tăng thuế từ 10-12% cũng có tác động nhất định đến nhóm người thu nhập thấp, đặc biệt nhóm thu nhập thấp dễ bị tổn thương. Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ liên quan cho nhóm thu nhập thấp, ví dụ chính sách hỗ trợ tiền điện, chính sách hỗ trợ học phí, bảo hiểm.
Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung 5 luật thuế lần này thì cơ quan soạn thảo dự định sẽ tăng mức thuế GTGT từ mức 5% lên 6% và từ mức 10% lên 12% và áp dụng từ năm 2019. Có ý kiến cho rằng với mức điều chỉnh như vậy làm giảm sự cạnh tranh của doanh nghiệp và tác động làm tăng giá sản phẩm tiêu dùng. Xin bà Lê Thị Mai Liên cho biết ý kiến?
Bà Lê Thị Mai Liên: Mọi sự điều chỉnh về chính sách thuế trong đó có thuế GTGT sẽ có nhiều sự tác động khác nhau đến nhiều mặt kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cách thức thiết kế của chính sách. Về tác động đối với sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi tăng thuế suất thuế GTGT, về bản chất, thuế GTGT là đánh vào tiêu dùng cuối cùng của người tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ là người thu hộ; khi tăng thuế suất thuế GTGT sẽ đánh trên cả hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa trong nước. Như vậy, về cơ bản không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đối với tác động chỉ số giá, về lý thuyết thì tăng thuế suất thuế GTGT có ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng như nào phải phụ thuộc vào quy mô, khối lượng hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng. Ngoài ra, nó còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền hay lạm phát. Trong thời điểm hiện nay, theo dự báo, chỉ số giá ở mức thấp nên với điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại thì yếu tố lạm phát không phải một yếu tố quá lớn.
Về ảnh hưởng đối với người thu nhập thấp, tôi cho rằng việc sửa đổi 5 luật thuế lần này có lẽ cần phải nhìn trên góc độ tổng thể bởi ngoài việc tăng thuế GTGT thì cơ quan soạn thảo cũng đề xuất giảm thuế thu nhập và theo quy định hiện hành trong nhóm 25 hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT thì nhóm thu nhập thấp chủ yếu thuộc nhóm dịch vụ không chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế ở mức thấp. Việc điều chỉnh thuế lần này không có tác động quá nhiều đến nhóm có thu nhập thấp.
Ngoài ra việc tăng thuế từ 10-12% cũng có tác động nhất định đối với nhóm người có thu nhập thấp. Chính phủ cũng cần có những chính sách hỗ trợ khác. Hiện nay Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ liên quan như chính sách hỗ trợ tiền điện, học phí, bảo hiểm.
TS. Vũ Đình Ánh đã phân tích ở trên là việc điều chỉnh chính sách thuế là một việc làm nhạy cảm và có tác động xã hội rất lớn, điều quan trọng là mức điều chỉnh của chúng ta như thế nào. Vậy theo ông, mức điều chỉnh đưa ra trong Dự thảo có phù hợp trong bối cảnh hiện tại hay không?
TS. Vũ Đình Ánh: Tại thời điểm hiện nay, căn cứ vào những cơ sở, lập luận, kể cả những thông tin bà Liên vừa nêu thì tôi chưa đủ cơ sở đi đến kết luận với mức điều chỉnh thuế suất phổ thông GTGT 10% lên 12%, thuế suất ưu đãi từ 5% lên 6% là phù hợp hay chưa phù hợp.
Trong điều chỉnh chính sách, chúng ta có nhiều cách để làm chứ không phải chỉ điều chỉnh thuế suất, đặc biệt là đối với sắc thuế có phạm vi tác động rộng toàn xã hội như thuế GTGT. Do đó, chúng ta cần cân nhắc trong bối cảnh hiện nay với các lựa chọn chính sách khác chứ không phải chỉ điều chỉnh thuế suất thuế GTGT.
Đối với điều chỉnh thuế suất thuế GTGT từ 10% lên 12% , chúng ta phải đánh giá tác động một cách kỹ càng.
Có một nội dung trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT đó là giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT và nhóm chịu thuế suất 5% ở khâu trung gian để bảo đảm tính liên hoàn của thuế GTGT, doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào qua đó giảm giá thành sản phẩm tiêu dùng cuối cùng; một việc nữa là nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, bảo đảm phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và tàu đánh xa bờ sản xuất trong nước cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu cùng loại nên dự thảo lần này đã đưa nhóm hàng này vào diện chịu thuế GTGT. Thưa bà Lê Thị Mai Liên, bà có đánh giá như thế nào về tác động của sự điều chỉnh này?
Bà Lê Thị Mai Liên: Việc điều chỉnh một số nhóm hàng hóa không chịu thuế và chịu thuế 5% nhằm thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020. Trong chiến lược cũng nêu rõ giảm bớt số lượng hàng hóa dịch vụ không chịu thuế và số lượng hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 5%. Việc đưa hàng hóa dịch vụ không chịu thuế lên hàng hóa dịch vụ chịu thuế 5%, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế đầu vào, trong trường hợp doanh nghiệp mua máy móc thiết bị chịu 10% thuế thì doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế. Điều này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp.
Một số ý kiến cho rằng, tỉ lệ thuế GTGT trong tổng thu thuế của Việt Nam đang cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Là người có kinh nghiệm quốc tế khi ông từng có thời gian làm Trưởng Đại diện Thương mại của Việt Nam tại WTO ông Đào Huy Giám có nhận định thế nào về điều này?
Ông Đào Huy Giám: Hiện nay, thuế GTGT của chúng ta đang đóng góp 25% đến 27% trong số tổng thu của ngân sách và mặc dù thuế suất của chúng đang ở mức giữa. So với nhiều nước như Liên minh châu Âu (27 nước) thì mức thuế của họ là 21,5% nhưng mức thuế GTGT của họ trong thu ngân sách thấp hơn chúng ta bởi vì các cấu phần khác trong thu ngân sách của họ hiệu quả hơn. Vì thế, nếu nói về mức thuế suất thì chúng ta ở giữa và hơi cao so với sự phát triển của chúng ta, còn mức thu thì hơi cao nhưng tôi cho rằng nó là hợp lý với bối cảnh kinh tế của chúng ta hiện nay.
TS. Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng vấn đề này liên quan đến việc chúng ta điều chỉnh nội dung luật thuế với 5 sắc thuế lần này. Nếu mở rộng đối tượng chịu thuế, tôi cho rằng đây là cách thức chúng ta đạt được 2 mục tiêu giải quyết vấn đề quy mô của từng sắc thuế cụ thể liên quan đến tổng quy mô của thu NSNN; giải bài toán cơ cấu thu NSNN mà cụ thể là cơ cấu với từng khoản thu.
Ở dự thảo luật này chúng ta có nội dung nhưng nội dung đó lại nằm trong một luật khác quan trọng hơn nhiều đó là luật quản lý thuế. Với việc thay đổi chính sách và cơ chế nếu chúng ta gắn với cả việc thay đổi quản lý thuế đối với từng sắc thuế này sẽ tạo ra một hiệu ứng đồng bộ.
Còn đối với thuế gián thu, đối tượng chịu thuế là hàng hóa hay dịch vụ. Ai tiêu dùng nhiều hàng hóa hơn? Ai tiêu dùng nhiều dịch vụ hơn? Tôi cho rằng đây là một bài toán không hề đơn giản. Chúng ta định dạng nó tại thời điểm hiện tại trong khi đó nền kinh tế-xã hội của chúng ta liên tục phát triển và chịu tác động của rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau. Do đó, việc đưa vào những lập luận liên quan đến mối quan hệ giữa thu nhập và phân nhóm thu nhập của các hộ gia đình, các cá nhân với câu chuyện tiêu dùng hàng hóa dịch vụ thì rất khó xử, chưa kể chúng ta đang ở trong bối cảnh cơ cấu lại tổng thể cả nền kinh tế và thậm chí thay đổi cả mô hình tăng trưởng kinh với rất nhiều các yếu tố khác nhau.
Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng trong chiến lược hay cụ thể là trong vấn đề cơ cấu lại NSNN nói chung, tài chính công và cơ cấu lại các thuế phí nói riêng, chúng ta cũng đã đặt ra các mục tiêu và chúng ta rà soát lại sao cho phù hợp với sự thay đổi của các yếu tố bên trong cũng như các yếu tố bên ngoài của nền kinh tế và sự phát triển xã hội…
Cùng với việc đề xuất tăng một số sắc thuế như thuế GTGT, thuế TTĐB đối với một số mặt hàng, thì cơ quan soạn thảo cũng đưa ra một số các quy định giảm thuế, điều chỉnh quy định thuế (thuế TNDN). Cụ thể, tại quy định sửa đổi Luật thuế TNDN, mức thuế TNDN đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ là giảm từ 20% xuống 17%, thậm chí xuống 15%. Xin hỏi TS. Vũ Đình Ánh và ông Đào Huy Giám, chính sách này sẽ tác động như thế nào đối với cộng đồng DN?
TS. Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng, với chính sách này chúng ta cụ thể hóa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó đặc biệt hướng tới khu vực DN đang phát triển mạnh mẽ và được đánh giá rất cao hiện nay đó là các DN khởi nghiệp. Tôi cho rằng đây là chính sách phù hợp và có tác động tích cực hỗ trợ cho khối DN đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Trong điều kiện chúng ta xác định rằng, khu vực DN tư nhân, khu vực DN ngoài Nhà nước là chính là động lực của nền kinh tế.
Ngoài ra, ở đó có rất nhiều điều kiện chung cũng như cụ thể sẽ hỗ trợ cho phong trào, dấu ấn trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam đó là câu chuyện khởi nghiệp của các bạn trẻ, những người có tư duy và đầu óc kinh doanh. Với chính sách thuế TNDN ưu đãi, cộng thêm các chính sách khác, tôi tin và hy vọng rằng, khối DN đặc biệt là DN ngoài Nhà nước sẽ có cơ hội phát triển mới trong những năm tới đây.
Ông Đào Huy Giám: Rất nhiều DN sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Nhà nước. Tuy nhiên, theo tôi, mức độ ưu đãi đó là chưa đủ, để cho nguồn thu từ khu vực này cao hơn nhưng vẫn ưu đãi nhiều cho DN. Có thể có những đồn đoán mà chúng ta đặt lên mô hình, thực tế sẽ chứng minh. Tôi lấy ví dụ trong 8 tháng năm 2017, chúng ta đã có 105.000 DN mới, với số vốn đầu tư cho chất lượng DN cao hơn. Nếu chúng ta có chính sách phù hợp, sẽ có nhiều DN được thành lập mới, như mục tiêu Chính phủ hướng tới là có 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020, trong đó 95% DN nhỏ và vừa, DN nhỏ, siêu nhỏ chiếm 90%. Vấn đề là họ có lãi và đóng thuế TNDN, nên tạo ra một hiệp hội rõ rệt. Theo tôi, hiện nay nhóm này chưa đóng góp được nhiều nguồn thu cho ngân sách. Giả sử giảm thuế cho họ và tăng khả năng cho họ có lãi để họ phấn khởi và khai báo một các có hệ thống để trở thành tính ổn định lâu dài. Chúng ta sẽ làm lợi cho hệ thống thu cũng như tác động về mặt KTXH. Tôi vẫn mạnh dạn đề nghị rằng, thay vì 15%, 17% thì áp dụng 10%, 15%.
Một vấn đề được nêu trong dự thảo sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế lần này là bổ sung nước ngọt bao gồm loại có gas, không gas, tăng lực, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp, trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm sữa vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo bà Lê Thị Mai Liên, việc sửa đổi, bổ sung này bắt nguồn từ đâu và hướng tới các mục tiêu nào?
Bà Lê Thị Mai Liên: Việc đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các mặt hàng nước ngọt hiện nay. Tôi cho rằng bản chất TTĐB là điều tiết, hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng cũng như hạn chế tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa có hại cho sức khỏe hay gây ảnh hưởng đến môi trường. Nước ngọt hiện được rất nhiều người sử dụng. Tuy nhiên việc sử dụng nước ngọt có tác dụng tiêu cực đối với sức khỏe. Do vậy Tổ chức Y tế thế giới cũng đã có những khuyến cáo liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm có đường gây ảnh hưởng tới tim mạch.
Thực tế, một số quốc gia cũng đã áp dụng TTĐB đối với nước ngọt. Ví dụ Campuchia áp dụng thuế suất TTĐB là 10%, Myanmar là 5%. Theo thông tin từ Ban Kinh tế Asean thì hiện nay Philippines và Indonesia đang dự kiến sẽ áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt. Do vậy việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt nhằm 3 mục đích là điều tiết tiêu dùng, bảo đảm sức khỏe cho người dân, phù hợp với xu hướng chung của các nước và đảm bảo chiến lược cải cách hệ thống thuế.
Tuy nhiên việc áp dụng mức thuế TTĐB có tác động đến các DN sản xuất mặt hàng này nên khi áp dụng cần phải có sự đồng bộ, nhịp nhàng giữa các bên liên quan để chính sách thật sự phát huy hiệu quả.
Qua những đánh giá, phân tích của các vị khách mời đã phần nào làm rõ thêm những nội dung của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế lần này đang đưa ra. Xin hỏi các vị khách mời vấn đề nữa là các vị đánh giá thế nào về tính khả thi, tính thuyết phục và những tác động của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế lần này đối với các đối tượng là người dân, DN và cả nền kinh tế Việt Nam?
TS. Vũ Đình Ánh: Đây là việc làm rất có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội nước ta trong những năm tới đây. Bên cạnh đó, tôi cho rằng các nội dung trong dự thảo có rất nhiều nội dung tiến bộ, đáp ứng cả việc khắc phục những hạn chế trước đó cũng như tạo điều kiện chúng ta đạt mục tiêu phát triển KTXH trong những năm tiếp theo. Một số nội dung trong dự thảo luật lần này đã tạo ra được sự quan tâm trong xã hội. Tôi cho rằng đây chính là cơ hội để những người soạn thảo có điều kiện để đưa thêm các lập luận, căn cứ cho việc điều chỉnh chính sách thuế. Đặc biệt, để thuyết phục được xã hội, sự đồng tình của mọi người dân thì ngoài các điểm tích cực thì những vấn đề còn tranh luận, chúng ta cần phải đưa thêm những lập luận cơ sở, đánh giá những tác động của việc điều chỉnh này cả về mặt tích cực và tiêu cực. Có như vậy luật sau khi chúng ta ban hành nhận được sự đồng thuận của xã hội, quan trọng hơn, những nội dung của luật sẽ đi vào cuộc sống.
Ông Đào Huy Giám: Việc Bộ Tài chính đưa ra dự thảo sửa đổi 5 luật này, trong đó 4 luật mới thực hiện được 5 năm và 1 luật thực hiện được 9 năm thì phải trong một hoàn cảnh nhất định chứ không là tương đối ngắn của đời sống một luật. Chúng ta có sự thay đổi khá nhanh trong kết cấu các nguồn thu, cho nên việc xem xét này có một số yếu tố khách quan chứng minh là yêu cầu chúng ta phải trình và khi trình thì một luật và thực hiện luật phải tạo được niềm tin trong nhân dân, niềm tin trong người thực thi.
Để có niềm tin đó Chính phủ cũng đã có những nỗ lực trong việc đưa ra những chính sách ưu tiên, cương quyết trong việc kiềm chế những yếu kém trong sử dụng nguồn lực công thời gian qua, sẽ tạo niềm tin sự đồng thuận trong nhân dân.
Trong dự thảo lần này có những cái đem lại lợi ích, nhưng cũng có những nội dung chưa chắc mang lại lợi ích hay những nội dung tác động phần nào đến diện rộng người tiêu dùng. Về phần mình, chúng tôi cũng chia sẻ với Bộ Tài chính trong việc tạo nguồn thu nhưng đồng thời chúng tôi cũng muốn chia sẻ với những người chịu tác động luật.
Chúng tôi thấy rằng ở một chừng mực nhất định DN có thể chia sẻ. Việc tạo nguồn và chi đúng sẽ tạo ra đòn bẩy về kinh tế trong một số lĩnh vực. Do vậy việc đóng góp cùng với Bộ Tài chính, Chính phủ về hiệu quả nguồn thu và áp dụng các chính sách ưu đãi ở một số lĩnh vực mà Chính phủ đang có chương trình sẽ tạo ra một tổng thể. Qua đó tạo thuận lợi cho DN, người dân phát triển KTXH và ổn định nguồn thu lâu dài, hiệu quả cho ngành thuế. Về cơ bản chúng tôi ủng hộ.
Bà Lê Thị Mai Liên: Tôi muốn chia sẻ rằng bất kỳ một cuộc cải cách nào cũng rất khó khăn bởi sự tác động đến nhiều đối tượng và nhiều mặt KTXH. Cơ quan soạn thảo cũng rất trăn trở khi đưa ra các phương án chính sách. Tuy nhiên để một chính sách ban hành và được thực thi rất cần sự đồng thuận của người dân.
Cơ quan soạn thảo cũng phải đứng trên góc độ tổng thể chung để bảo đảm chính sách được hiệu quả. Đối với dự thảo luật sửa đổi 5 luật thuế, chính sách liên quan đến thu nhập có nhiều nội dung miễn giảm thuế, tăng thuế, bổ sung đối tượng chịu thuế tác động đến nhiều đối tượng. Gắn với bối cảnh Việt Nam trong những năm qua, chúng ta đã thực hiện các cam kết quốc tế, giảm thuế rất nhiều, thì khoảng cách đó cần phải được bì đắp, trong khi nhu cầu chi của chúng ta vẫn cao. Mặc dù chúng ta tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 07 về thực hiện các nhiệm vụ cải cách chi, cơ cấu chi ngân sách, cũng như tăng cường kỷ luật tài khóa. Để đảm bảo hiệu quả Dự thảo Luật sửa đổi 5 luật thuế lần này rất cần ý kiến của người dân, đây là một cách để Bộ Tài chính có được những thông tin để xem xét các phương án chính sách để bảo đảm tính hiệu quả của chính sách.
Cổng TTĐT Chính phủ