Sửa giá tính thuế GTGT đối với hoạt động sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Sửa giá tính thuế GTGT đối với hoạt động sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Tôi muốn biết giá tính thuế GTGT đối với hoạt động sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được quy định thế nào? Về vấn đề này, Chúng tôi xin giải đáp như sau:

1. Sửa giá tính thuế GTGT đối với hoạt động sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Ngày 28/02/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 13/2023/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 49/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP, Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 146/2017/NĐ-CP và sửa đổi Thông tư 80/2021/TT-BTC.

Theo đó, giá tính thuế GTGT đối với hoạt động sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:

– Đối với điện của các công ty thủy điện hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hạch toán phụ thuộc các Tổng công ty phát điện, giá tính thuế giá trị gia tăng để xác định số thuế giá trị gia tăng nộp tại địa phương nơi có nhà máy thủy điện được tính bằng 35% giá bán lẻ điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật điện lực và pháp luật giá.

– Đối với điện của các công ty nhiệt điện hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hạch toán phụ thuộc các Tổng công ty phát điện, giá tính thuế giá trị gia tăng để xác định số thuế giá trị gia tăng nộp tại địa phương nơi có nhà máy nhiệt điện là giá bán điện cho khách hàng ghi trên hóa đơn theo hợp đồng mua bán điện áp dụng cho từng nhà máy nhiệt điện.

Trường hợp chưa có hợp đồng mua bán điện áp dụng cho từng nhà máy nhiệt điện thì giá tính thuế giá trị gia tăng được xác định là giá bán lẻ điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật điện lực và pháp luật giá.

– Đối với điện của các công ty sản xuất điện (trừ thủy điện, nhiệt điện) hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hạch toán phụ thuộc các Tổng công ty phát điện, giá tính thuế giá trị gia tăng để xác định số thuế giá trị gia tăng nộp tại địa phương nơi có nhà máy sản xuất điện là giá bán điện chưa có thuế giá trị gia tăng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cho từng loại hình phát điện.

Trường hợp chưa có giá bán điện do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cho từng loại hình phát điện nêu tại điểm này thì giá tính thuế giá trị gia tăng được xác định là giá bán lẻ điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật điện lực và pháp luật giá.

2. Các ngành, nghề kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có các ngành, nghề kinh doanh như sau:

(1) Ngành, nghề kinh doanh chính

– Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia;

– Xuất nhập khẩu điện năng;

– Đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện;

– Quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hóa thuộc dây chuyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện, công trình điện; thí nghiệm điện;

– Tư vấn quản lý dự án, tư vấn khảo sát thiết kế, tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu, lập dự toán, tư vấn thẩm tra và giám sát thi công công trình nguồn điện, các công trình đường dây và trạm biến áp.

(2) Ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính

– Chế tạo thiết bị điện, đầu tư kinh doanh cơ khí điện lực;

– Xây lắp các công trình điện;

– Dịch vụ tự động hóa và điều khiển; kinh doanh các dịch vụ công nghệ thông tin (nghiên cứu, phát triển, triển khai, tư vấn và đào tạo) trong và ngoài nước, quản lý hệ thống viễn thông dùng riêng;

– Xuất nhập khẩu nhiên liệu, nguyên vật liệu, vật tư thiết bị ngành điện;

– Xây lắp, giám sát lắp đặt thiết bị viễn thông – công nghệ thông tin; sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu cách điện, vật liệu cách nhiệt, trang bị bảo hộ lao động;

– Tư vấn quản lý dự án; tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu, lập dự toán và giám sát thi công công trình viễn thông – công nghệ thông tin, các công trình công nghiệp và dân dụng;

– Đầu tư tài chính và kinh doanh vốn mà Nhà nước giao cho EVN đối với các công trình điện;

– Đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác đào tạo lao động với nước ngoài;

– Cho thuê văn phòng (hoạt động kinh doanh tại trụ sở EVN, số 11 Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội).

(3) Tùy từng thời điểm và tình hình sản xuất, kinh doanh, EVN có thể bổ sung các ngành, nghề kinh doanh khác mà pháp luật không cấm sau khi được chủ sở hữu nhà nước chấp thuận.

(Khoản 2 Điều 4 Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 26/2018/NĐ-CP)

Thông tư 13/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 14/4/2023.