20 9월 Tài liệu Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính với Doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2018
PHẦN A
CÁC CHÍNH SÁCH THUẾ MỚI TỪ THÁNG 9 NĂM 2017 ĐẾN NAY
I. Thuế giá trị gia tăng (GTGT)
1. Thông tư số 93/2017/TT-BTC ngày 19/9/2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Khoản 4, Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014) và bãi bỏ Khoản 7 Điều 11 Thông tư số 156/25013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.
Sửa đổi, bổ sung một số nội dung hướng dẫn về phương pháp tính thuế GTGT như sau:
(i) Bỏ hướng dẫn nộp Mẫu 06/GTGT để đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập và cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng.
(ii) Bỏ hướng dẫn nộp Mẫu 06/GTGT khi chuyển đổi phương pháp tính thuế GTGT.
(iii) Bổ sung hướng dẫn Phương pháp tính thuế GTGT của cơ sở kinh doanh xác định theo Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính).
Như vậy, kể từ ngày 5/11/2017 Thông tư số 93/2017/TT-BTC có hiệu lực:
Việc xác định phương pháp tính thuế GTGT căn cứ theo Hồ sơ khai thuế GTGT do cơ sở kinh doanh gửi đến cơ quan thuế, cụ thể:
– Nếu cơ sở kinh doanh đăng ký áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 01/GTGT, 02/GTGT đến cơ quan thuế.
– Nếu cơ sở kinh doanh đăng ký áp dụng phương pháp trực tiếp thì gửi Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 03/GTGT, 04/GTGT đến cơ quan thuế.
(Tờ khai thuế GTGT Mẫu số 01/GTGT, 02/GTGT, 03/GTGT và 04/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính – đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính)
2. Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ.
Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.
Nội dung mới tại Nghị định số 146/2017/NĐ-CP và Thông tư số 25/2018/TT-BTC như sau:
(i) Về sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
– Quy định cụ thể hơn về “Sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu chính là tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên” trừ các trường hợp sau được áp dụng thuế suất 0% nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định:
+ Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác và chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm xuất khẩu (quy trình chế biến khép kín hoặc thành lập phân xưởng, nhà máy chế biến theo từng công đoạn).
+ Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh mua về chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm xuất khẩu (quy trình chế biến khép kín hoặc thành lập phân xưởng, nhà máy chế biến theo từng công đoạn).
+ Sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ nguyên liệu chính không phải là tài nguyên, khoáng sản (tài nguyên, khoáng sản đã chế biến thành sản phẩm khác) do cơ sở kinh doanh mua về chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến thành sản phẩm xuất khẩu.
– Hướng dẫn xác định trị giá tài nguyên, khoáng sản đưa vào chế biến không bao gồm chi phí vận chuyển, cụ thể:
Trị giá tài nguyên, khoáng sản đưa vào chế biến được xác định như sau: Đối với tài nguyên, khoáng sản trực tiếp khai thác là chi phí trực tiếp, gián tiếp khai thác ra tài nguyên, khoáng sản không bao gồm chi phí vận chuyển tài nguyên, khoáng sản từ nơi khai thác đến nơi chế biến; đối với tài nguyên, khoáng sản mua để chế biến tiếp là giá thực tế mua không bao gồm chi phí vận chuyển tài nguyên, khoáng sản từ nơi mua đến nơi chế biến.
(ii) Về việc hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu
– Từ 01/07/2016 đến trước 01/02/2018:
Cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT.
Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan, Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02/01/2015 của CP và Nghị định số 12/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 (có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2018) quy định chi tiết thi hành phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các văn bản hướng dẫn.
– Từ 01/02/2018:
Cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm cả trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT.
Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT đối với trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu mà hàng hóa xuất khẩu đó không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
II. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ về khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN:
– Hướng dẫn cụ thể hơn về trích khấu hao tài sản cố định vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC:
“Trường hợp doanh nghiệp có chuyển nhượng một phần vốn hoặc chuyển nhượng toàn bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, nếu có chuyển giao tài sản thì doanh nghiệp nhận chuyển nhượng chỉ được trích khấu hao tài sản cố định vào chi phí được trừ đối với các tài sản chuyển giao đủ điều kiện trích khấu hao theo giá trị còn lại trên sổ sách kế toán tại doanh nghiệp chuyển nhượng.”.
– Bổ sung quy định khống chế mức chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động như đối với trường hợp doanh nghiệp mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động và đồng thời nâng mức khống chế chi phí đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm nhân thọ từ mức 01 triệu đồng/tháng/người lên mức 03 triệu đồng/tháng/người tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC.
Trước: Đối với khoản chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, doanh nghiệp được tính toàn bộ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu việc mua bảo hiểm nhân thọ này được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ như Hợp đồng lao động, Thoả ước lao động tập thể, Quy chế tài chính, Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, đồng thời có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Mức khống chế chi phí đóng quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động là 01 triệu đồng/tháng/người.
III. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 146/2017/NĐ-CP về xác định khoản thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán:
Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính như sau:
“b. Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán. Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật chứng khoán và Điều 120 của Luật doanh nghiệp.”
IV. Chính sách thuế về đất đai
1. Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
1.1. Về tiền sử dụng đất
– Tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 123/2017/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung quy định: “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không phải là đất ở) có nguồn gốc là đất ở sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân thì không phải nộp tiền sử dụng đất”
1.2. Về tiền thuê đất
1.2.1. Bổ sung quy định về cách xác định thu tiền sử dụng đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể như sau:
Đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê có sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích đất, một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà, công trình xây dựng vào mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì phải nộp tiền thuê đất như sau:
a) Trường hợp sử dụng toàn bộ diện tích đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, tài sản gắn liền với đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì tiền thuê đất được xác định như đối với trường hợp tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất sản xuất kinh doanh.
b) Trường hợp sử dụng một phần diện tích đất hoặc tài sản gắn liền với đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì số tiền thuê đất phải nộp được xác định trên cơ sở giá đất tại Bảng giá đất, mức tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất, hệ số điều chỉnh giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và tỷ lệ phần trăm (%) diện tích đất hoặc diện tích nhà, công trình xây dựng (sàn sử dụng) sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết.
c) Trường hợp quy định tại điểm b khoản này không tách riêng được diện tích phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì số tiền thuê đất phải nộp được xác định theo hệ số phân bổ. Hệ số phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết với tổng dự toán thu của đơn vị sự nghiệp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
1.2.2. Bổ sung trình tự, thủ tục hồ sơ đối với:
+ Miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội, dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa
+ Trình tự, thủ tục xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi người được mua, thuê mua nhà ở xã hội thực hiện bán, chuyển nhượng
+ Trình tự, thủ tục hồ sơ miễn, giảm tiền thuê đất
+ Trình tự, thủ tục, hồ sơ miễn tiền thuê đất trong thời gian tạm ngừng hoạt động trong các trường hợp bất khả kháng theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật đầu tư năm 2014
+ Trình tự, thủ tục, hồ sơ miễn, giảm tiền thuê đất đối với một số trường hợp thuộc đối tượng được Nhà nước tho thuê đất nhưng không có dự án đầu tư
+ Hồ sơ miễn tiền thuê đất trong thời gian tạm ngừng hoạt động trong các trường hợp bất khả kháng theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật Đầu tư năm 2014
+ Hồ sơ miễn, giảm tiền thuê đất đối với trường hợp chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho công nhân thuê trên đất thuê lại của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
+ Hồ sơ miễn, giảm tiền thuê đất đối với đất xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học.
2. Thông tư số 10/2018/TT-BTC ngày 30/01/2018 của Bộ Tài chính về sửa đổi một số điều của Thông tư 76/2014/TT-BTCngày 16/6/2014 hướng dẫn Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của CP quy định về thu tiền sử dụng đất.
– Tại khoản 5, khoản 6 Thông tư số 10/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính bổ sung thêm quy định:
+ Trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không phải là đất ở) có nguồn gốc nhận chuyển nhượng đất ở của hộ gia đình, cá nhân sang đất ở để thực hiện dự án đầu tư từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 trở về sau thì nộp tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo quy hoạch xây dựng chi tiết của dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trừ (-) tiền sử dụng đất tính theo quy hoạch xây dựng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân của từng khu vực tại thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
+ Đối với trường hợp tổ chức kinh tế được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 29, khoản 30 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, thuộc trường hợp được tiếp tục sử dụng đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất thì nộp tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất của loại đất sau khi chuyển mục đích được xác định của thời hạn sử dụng đất được xác định theo quy định trừ (-) đi số tiền sử dụng đất tính theo giá đất của loại đất trước khi chuyển mục đích của thời hạn sử dụng đất còn lại tại thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
– Tại Điều 3 quy định bổ sung trường hợp Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 30 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, thuộc trường hợp được tiếp tục sử dụng đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất thì nộp tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất của loại đất sau khi chuyển mục đích được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 10/2018/TT-BTC của thời hạn sử dụng đất được xác định theo quy định trừ (-) đi số tiền sử dụng đất tính theo giá đất của loại đất trước khi chuyển mục đích của thời hạn sử dụng đất còn lại tại thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
3. Thông tư số 11/2018/TT-BTC ngày 30/01/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/ 2014 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 /5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước
– Tại Điều 1 Thông tư số 11/2018/TT-BTC bổ sung thêm quy định:
+ Trường hợp người được Nhà nước cho thuê đất đang sử dụng nhà, đất tại công trình xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp thuộc sở hữu nhà nước hoặc có phần diện tích thuộc quyền quản lý của Nhà nước mà không tách riêng được phần diện tích đất sử dụng cho từng đối tượng đang sử dụng thì tiền thuê đất phải nộp được phân bổ cho từng đối tượng sử dụng theo hệ số phân bổ nhân (x) với diện tích sàn sử dụng của từng đối tượng và áp dụng từ ngày 01/7/2014. Trong đó:
a) Hệ số phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa diện tích đất tính thu tiền thuê đất và tổng diện tích sàn sử dụng của các đối tượng.
b) Trường hợp nhà có tầng hầm thì 50% diện tích tầng hầm được cộng vào tổng diện tích sàn sử dụng của công trình xây dựng để tính hệ số phân bổ.
Trường hợp diện tích các tầng hầm được xác định là thuộc sở hữu chung của các đối tượng sử dụng công trình xây dựng thì diện tích các tầng hầm được phân bổ đều cho các đối tượng sử dụng công trình xây dựng.
Trường hợp diện tích các tầng hầm được xác định là thuộc sở hữu của đối tượng phải nộp tiền thuê đất thì diện tích các tầng hầm được phân bổ để tính thu tiền thuê đất cho đối tượng này.
+ Người sử dụng đất được gia hạn sử dụng đất, người sử dụng đất thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất thì tiền thuê đất được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm được gia hạn.
Đối với trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì chu kỳ ổn định đơn giá thuê đất tính từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định gia hạn thời gian thuê đất.
Trường hợp hết thời gian thuê đất nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa ban hành quyết định gia hạn thời gian thuê đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền thuê đất của từng năm sử dụng đất kể từ thời điểm hết thời gian thuê đất đến thời điểm có quyết định gia hạn thời gian thuê đất theo đơn giá xác định trên cơ sở giá đất tại Bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành của từng năm sử dụng đất; không được ổn định đơn giá thuê đất (05 năm một lần) trong khoảng thời gian này.
– Tại Điều 2 Thông tư bổ sung thêm nội dung:Trường hợp người được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và được miễn toàn bộ tiền thuê đất nhưng trong thời gian thuê có nguyện vọng nộp tiền thuê đất (không hưởng ưu đãi) thì số tiền thuê đất phải nộp một lần cho thời gian thuê đất còn lại được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm người sử dụng đất có văn bản đề nghị được nộp tiền thuê đất.
4. Nghị định số 74/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Thông số 32/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 74/2017/NĐ-CP như sau:
4.1. Về ưu đãi tiền thuê đất trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc:
Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được Nhà nước cho thuê đất với mức giá ưu đãi, đồng thời có chính sách ưu đãi đối với đất sử dụng vào mục đích thực hiện dự án thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, cụ thể:
(i) Giá đất cụ thể tính thu tiền thuê đất trong Khu Công nghệ cao được xác định bằng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (không áp dụng các phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư quy định tại Nghị định của Chính phủ về giá đất) và do Ban Quản lý quyết định.
(ii) Mức tỷ lệ phần trăm (%) để xác định đơn giá thuê đất do Ban Quản lý ban hành hàng năm và công bố công khai trong quá trình triển khai thực hiện theo từng khu vực, tuyến đường, vị trí đất tương ứng với từng lĩnh vực đầu tư sau khi lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, áp dụng từ ngày 01 tháng 01 hàng năm với mức là 1%; riêng đối với:
– Đất sử dụng vào mục đích thực hiện dự án thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật từ 0,5% đến 1%;
– Đất sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ từ 1% đến 3%.
4. 2. Về ưu đãi đất đai:
– Đối với trường hợp thuê đất trực tiếp của Ban Quản lý và trường hợp đã được giao đất không thu tiền sử dụng đất phải chuyển sang thuê đất theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật đất đai năm 2013, ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 35/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước trong Khu kinh tế, Khu công nghệ cao.
– Đối với trường hợp thuê lại đất của chủ đầu tư hạ tầng, việc miễn, giảm tiền thuê đất được thực hiện như sau: Chủ đầu tư hạ tầng đã được Ban Quản lý cho thuê đất trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa nộp tiền thuê đất, nếu Chủ đầu tư hạ tầng thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất hằng năm thì được miễn tiền thuê đất 15 năm kể từ ngày có Quyết định cho thuê đất và có trách nhiệm miễn tiền thuê đất cho nhà đầu tư thuê lại đất tương ứng với mức ưu đãi của chủ đầu tư hạ tầng quy định tại Điểm này.
– Đối với trường hợp sử dụng đất vào mục đích xây dựng công trình phục vụ quản lý và khai thác hạ tầng, người sử dụng đất được miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thuê.
– Người sử dụng đất được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong toàn bộ thời gian sử dụng đất.
PHẦN B
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUẾ MỚI
TỪ THÁNG 9 NĂM 2017 ĐẾN NAY
Từ tháng 9/2017 đến tháng 7/2018, tiếp tục thực hiện Chương trình cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, Tổng cục Thuế đã thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức chỉ đạo, điều hành CCHC theo Kế hoạch CCHC của Tổng cục Thuế năm 2017, 2018. Chỉ đạo sát sao các Vụ/đơn vị thuộc Tổng cục Thuế thực hiện đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ chính của CCHC: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Những kết quả đạt được nổi bật như sau:
1. Cải cách thể chế
Về công tác xây dựng pháp luật: Để tạo khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, từ 9/2017 đến tháng 7/2018, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu để trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung về thể chế, chính sách, cụ thể: Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi và đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 08/6/2018 về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Đã được Chính phủ đồng ý cho xây dựng Nghị định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; Đã trình Bộ Tài chính ban hành 03 Thông tư (Thông tư số 93/2017/TT-BTC ngày 19/9/2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Khoản 4 Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014) và bãi bỏ Khoản 7 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính; Thông tư số 05/2018/TT-BTC ngày 22/01/2018 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thí điểm về khai, nộp lệ phí trước bạ (LPTB) điện tử đối với ô tô, xe máy và trao đổi dữ liệu điện tử thu nộp LPTB đối với ô tô, xe máy; Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ) và tiếp tục xây dựng các Thông tư mà Tổng cục Thuế được giao chủ trì soạn thảo trong năm 2018.
2. Cải cách thủ tục hành chính
Thực hiện mục tiêu tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, 19-2018/NQ-CP và theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục rà soát, nghiên cứu để trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung về thể chế, chính sách nhằm đơn giản hóa TTHC.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đang rà soát để ban hành mới và sửa đổi các Quy trình nghiệp vụ của Tổng cục Thuế liên quan đến người nộp thuế, như: Quy trình kế toán thuế nội địa; Quy trình Đăng ký thuế; Quy trình Kê khai và nộp thuế; Quy trình thanh tra, kiểm tra thuế…, Tổng cục Thuế đã hoàn thành sửa đổi quy trình bán lẻ, cấp lẻ hóa đơn.
– Về công bố, công khai TTHC: Tổng cục Thuế đã trình Bộ ban hành Quyết định số 2369/QĐ-BTC ngày 16/11/2017 công bố hai (02) thủ tục hành chính được bãi bỏ trong lĩnh vực Quản lý thuế thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính (bãi bỏ 02 Thủ tục. Chuyển đổi áp dụng các phương pháp tính thuế giá trị gia tăng, tại cấp Cục Thuế và Chi cục Thuế). Việc công khai các TTHC trong lĩnh vực thuế đã và đang được thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như đăng tải tại các trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tại địa chỉ www.gdt.gov.vn và 63 Cục Thuế như www.hcmtax.gov.vn, www.hanoi.gdt.gov.vn,.. đồng thời, niêm yết các TTHC thuộc cấp Tổng cục Thuế tại trụ sở Văn phòng Tổng cục Thuế; Các thủ tục hành chính được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia, công khai tại trụ sở cơ quan và đăng tải trên website TCT để người nộp thuế tra cứu.
– Về rà soát, đánh giá, đơn giản hoá TTHC: Tổng cục Thuế đang triển khai thực thi phương án đơn đơn giản hoá 16 thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế theo Quyết định số 2707/QĐ-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính về việc thông qua phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Đồng thời, triển khai rà soát đơn giản hoá 30 TTHC theo Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 105/QĐ-TCT ngày 25/01/2018 của Tổng cục Thuế và đang triển khai, thực hiện rà soát đơn giản hoá các TTHC để đáp ứng dịch vụ công cấp công trực tuyến cấp độ 3,4 theo yêu cầu của Bộ Tài chính tại Công văn số 2554/BTC-THTK.
3. Hiện đại hóa hành chính
Từ tháng 9/2017 đến tháng 7/2018, Tổng cục Thuế đã tiếp tục thực hiện các dự án ứng dụng CNTT, đặc biệt là đã đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử; hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế; triển khai hoàn thuế điện tử nhằm thực hiện được các mục tiêu mà Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, 19-2018/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử đã giao. Kết quả cụ thể như sau:
– Mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng: Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Tính đến 20/7/2018 có 670.403 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,96% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước (số doanh nghiệp hoạt động là: 670.903 doanh nghiệp); số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là trên 52,7 triệu hồ sơ.
– Triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử: Phối hợp với 47 Ngân hàng thương mại đã hoàn thành kết nối NTĐT với Tổng cục Thuế và 63 Cục Thuế triển khai dịch vụ Nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến tháng 20/7/2018, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 658.186 doanh nghiệp trên tổng số 60.903 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98.10%. Số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 645.225 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 96,17% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, với số tiền đã nộp NSNN từ 01/01/2018 đạt trên 328.268 tỷ đồng với 1.908.025 giao dịch nộp thuế điện tử.
Tiếp tục tổ chức vận hành và giám sát hệ thống chặt chẽ để đáp ứng yêu cầu khai và nộp thuế điện tử trong kỳ.
– Hoàn thuế điện tử: Từ ngày 04/08/2017, hệ thống mở rộng triển khai cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế tại 63 tỉnh. Tính từ ngày 01/01/2018 đến tháng 20/7/2018 tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 5.135 trên tổng số 5.775 doanh nghiệp hoàn thuế đạt tỷ lệ 88.92%; số hồ sơ tiếp nhận là 11.273 hồ sơ trên tổng số 12.163 hồ sơ đạt tỷ lệ 92,68%; tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 8.208 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 42.138 tỷ đồng.
– Xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống cấp hóa đơn điện tử có xác thực: Tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại Tp Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, tính từ thời điểm triển khai tháng 9/2015 đến tháng 7/2018 có 247 doanh nghiệp thực hiện xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế với 6.649.635 hóa đơn đã được xác thực, tổng doanh thu xác thực là hơn 72.271 tỷ đồng.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, từ đầu năm 2018 đến nay, Tổng cục Thuế đã và đang thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ, cụ thể:
– Về tình hình triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Số lượng TTHC được cung cấp trực tuyến là 123/298 đạt mức 3 trở lên. 63 Cục Thuế và Tổng cục Thuế đều đã có trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin thuế.
+ Cung cấp 7 dịch vụ công từ mức độ 3 trở lên gồm: Kê khai hóa đơn qua mạng, Kê khai sử dụng biên lai phí, lệ phí qua mạng, Khai thuế qua mạng, Nộp thuế điện tử, TNCN Online, Hoàn thuế điện tử, Hệ thống cấp mã chống giả hóa đơn (giảm 01 nhóm dịch vụ công “Website hỏi đáp chính sách thuế” do Văn phòng xác định đây không phải là dịch vụ công đáp ứng 298 TTHC).
– Triển khai dịch vụ nộp thuế đất đai, hộ cá nhân điện tử:
+ Khai thuế điện tử: Tổng cục Thuế đã triển khai khai thuế điện tử đối với tờ khai cho thuê nhà tại 20 Cục Thuế (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Thọ, Bắc Ninh, Lào Cai, Điện Biên, Hoà Bình, Lai Châu, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Dương, Hưng Yên, Yên Bái ) và các Chi cục Thuế trực thuộc. Kết quả triển khai từ ngày 01/01/2018 đến ngày 20/7/2018, cụ thể như sau: có 8.611 tài khoản đã đăng ký (trong đó, Cục Thuế TP. Hà Nội: 2.577 tài khoản; Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh: 5.380 tài khoản; các Cục Thuế còn lại: 654 tài khoản); Với 54.046 tờ khai đã gửi (trong đó, Cục Thuế TP. Hà Nội: 14.431 tờ khai; Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh: 39.047 tờ khai; các Cục Thuế còn lại: 320 tờ khai).
+ Nộp thuế điện tử: Tổng cục Thuế đã kết nối dữ liệu thành công với 03 Ngân hàng thương mại (Ngân hàng VietcomBank, Ngân hàng VietinBank, Ngân hàng AgriBank).
– Triển khai dịch vụ nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử:
+ Về ứng dụng: Hiện tại, ứng dụng khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đã hoàn thiện và sẵn sàng cho việc triển khai.
+ Về căn cứ pháp lý: Ngày 22/01/2018 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BTC về việc hướng dẫn thí điểm khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy và trao đổi dữ liệu điện tử thu nộp LPTB đối với ô tô, xe máy. Tổng cục Thuế đã phối hợp với Cục CSGT, Cục ĐK hoàn thiện nội dung Quy chế phối hợp. Cục CSGT đang báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, Cục Đăng kiểm đang báo cáo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải để ký kết Quy chế phối hợp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chỉ đạo từ Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải. Vì vậy, Quy chế phối hợp chưa được ký nên chưa có cơ sở pháp lý để triển khai ./.
PHẦN C
GIẢI ĐÁP VƯỚNG MẮC CỦA DOANH NGHIỆP HÀN QUỐC
Câu hỏi số 1:
Ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp thuộc địa bàn thành phố Bắc Ninh
Căn cứ theo khoản 3 Điều 6 Thông tư 151/2014/TT-BTC:
“3. Miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại Khoản 4 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại Khu công nghiệp (trừ Khu công nghiệp nằm trên địa bàn có điều kiện – kinh tế xã hội thuận lợi)
Địa bàn có điều kiện – kinh tế xã hội thuận lợi quy định tại khoản này là các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh, không bao gồm các quận của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh mới được thành lập từ huyện kể từ ngày 01/01/2009; trường hợp khu công nghiệp nằm trên cả địa bàn thuận lợi và địa bàn không thuận lợi thì việc xác định ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp căn cứ vào vị trí thực tế của dự án đầu tư trên thực địa.”
Căn cứ theo Quyết định 2088/QĐ-TTg ngày 25/12/2017, thành phố Bắc Ninh được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chính sách ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp thuộc địa bàn thành phố Bắc Ninh.
Có 3 vấn đề cần được làm rõ liên quan đến chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế theo điều kiện nằm trong khu công nghiệp tại địa bàn thành phố Bắc Ninh:
1. Các doanh nghiệp thành lập trước thời điểm ngày 25/12/2017 nằm trong khu công nghiệp tại thành phố Bắc Ninh, đang được hưởng ưu đãi thuế do đáp ứng điều kiện dự án đầu tư mới trong khu công nghiệp à các doanh nghiệp này có được tiếp tục hưởng ưu đãi thuế cho thời gian còn lại sau thời điểm ngày 25/12/2017 không?
2. Tại thời điểm ngày 25/12/2017, thành phố Bắc Ninh chuyển thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Bắc Ninh à Các doanh nghiệp có được hưởng ưu đãi thuế cho cả năm 2017 hay chỉ được tính đến thời điểm ngày 24/12/2017. Nếu phải tính riêng thì phương pháp tính như thế nào? Thời điểm thành phố Bắc Ninh được công nhận là thời điểm gần sát cuối năm tài chính trong khi thu nhập từ hoạt động kinh doanh là kết quả của quá trình từ đầu năm nên việc áp dụng ưu đãi thuế cho cả năm 2017 sẽ là phù hợp hơn.
3. Căn cứ theo một số công văn do Cục thuế tỉnh Bắc Ninh trả lời doanh nghiệp, ví dụ: CV số 550/CT-TTHT ngày 04/04/2018 trả lời Công ty TNHH RYONG-IN VINA (tại xã Nam Son , thành phố Bắc Ninh);CV số 454/CT-TTHT ngày 23/03/2018 trả lời Công ty TNHH GETAC PRECISION TECHNOLOGY (tại xã Văn Dương, thành phố Bắc Ninh); CV số 276/CT-TTHT ngày 09/02/2018 trả lời Công ty TNHH SE JONG ENG VINA (tại xã Văn Dương, thành phố Bắc Ninh).
Cục Thuế Bắc Ninh xác nhận các doanh nghiệp này đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi thuế miễn 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo do nằm tại khu Công nghiệp Quế Võ. Vậy, đề nghị Bộ Tài Chính xác nhận cụ thể việc chuyển đổi thành phố Bắc Ninh lên đô thị loại 1 có ảnh hưởng đến điều kiện ưu đãi thuế TNDN nằm trong khu công nghiệp Quế Võ tại thành phố Bắc Ninh không, nội dung công văn xác nhận từ Cục thuế Bắc Ninh về việc đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi thuế như các công văn nêu trên có chính xác hay không?
Trả lời:
Liên quan đến nội dung vướng mắc về ưu đãi thuế TNDN tại địa bàn TP Bắc Ninh, TCT đã có công văn số 3082/TCT-CS ngày 09/8/2018 trả lời về việc xác định điều kiện kinh tế – xã hội của TP Bắc Ninh. Theo đó, TP Bắc Ninh sẽ thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi kể từ khi Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực. Đối với các vướng mắc cụ thể tại câu hỏi, Vụ Chính sách có ý kiến như sau:
1.1. Về việc có hay không tiếp tục hưởng ưu đãi đầu tư:
– Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 1/10/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP như sau:
“3. Miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định này và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp nằm trên địa bàn có điều kiện – kinh tế xã hội thuận lợi).
Địa bàn có điều kiện – kinh tế xã hội thuận lợi quy định tại khoản này là các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh, không bao gồm các quận của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh mới được thành lập từ huyện kể từ ngày 01/01/2009; trường hợp khu công nghiệp nằm trên cả địa bàn thuận lợi và địa bàn không thuận lợi thì việc xác định ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp căn cứ vào vị trí thực tế của dự án đầu tư trên thực địa. Việc xác định đô thị loại đặc biệt, loại I quy định tại Khoản này thực hiện theo quy định của Chính phủ quy định về phân loại đô thị.”.
– Khoản 20 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ
“2. Doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm cấp phép hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trường hợp pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp có thay đổi mà doanh nghiệp đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung thì doanh nghiệp được quyền lựa chọn hưởng ưu đãi về thuế suất và về thời gian miễn thuế, giảm thuế theo quy định của pháp luật tại thời điểm được phép đầu tư hoặc theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung cho thời gian còn lại kể từ khi pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành.
a) Doanh nghiệp có dự án đầu tư mà tính đến hết kỳ tính thuế năm 2013 còn đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, kể cả trường hợp dự án đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với dự án đầu tư trong nước gắn với việc thành lập doanh nghiệp mới có vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện) nhưng chưa được hưởng ưu đãi theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật đó. Trường hợp đang hưởng ưu đãi theo đầu tư mở rộng thì tiếp tục hưởng ưu đãi theo đầu tư mở rộng; trường hợp đang hưởng ưu đãi theo đầu tư mới thì tiếp tục hưởng ưu đãi theo đầu tư mới; trường hợp mức ưu đãi tại Nghị định này cao hơn mức ưu đãi đang hưởng (kể cả trường hợp thuộc diện nhưng chưa được hưởng) thì được chuyển sang áp dụng ưu đãi theo Nghị định này cho thời gian còn lại.
b) Doanh nghiệp có dự án đầu tư mở rộng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư hoặc đã thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2009 – 2013, tính đến hết kỳ tính thuế năm 2014 đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế theo quy định của Luật số 32/2013/QH13 thì được hưởng ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng theo quy định của Nghị định này cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế năm 2015.
c) Doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư vào khu công nghiệp trong giai đoạn 2009 – 2013 thì được hưởng ưu đãi thuế theo quy định của Luật số 32/2013/QH13 cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế năm 2015.”
– Khoản 1, 2 Điều 13 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 quy định về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật như sau:
“1. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.
2. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.”
– Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định cụ thể về bảo đảm đầu tư kinh doanh như sau:
1. Trong trường hợp văn bản pháp luật mới do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành có quy định làm thay đổi ưu đãi đầu tư đang áp dụng đối với nhà đầu tư trước thời điểm văn bản đó có hiệu lực, nhà đầu tư được bảo đảm thực hiện ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 13 Luật Đầu tư.
Căn cứ các quy định nêu trên, kể từ ngày thành phố Bắc Ninh được công nhận là đô thị loại I (ngày 25/12/2017) thì các dự án đầu tư được thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư từ ngày 25/12/2017 trên địa bàn này không được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện địa bàn. Các dự án đầu tư thành lập trước ngày 25/12/2017 thực hiện chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trước thời điểm ngày 25/12/2017 và được bảo đảm ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP nêu trên.
1.2. Về một số công văn Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh trả lời các doanh nghiệp:
Công văn số 550/CT-TTHT ngày 04/4/2018 trả lời Công ty TNHH RYONG-IN VINA, CV số 454/CT-TTHT ngày 23/3/2018 trả lời Công ty TNHH Getac Precision Technology, CV số 276/CT-TTHT ngày 09/2/2018 trả lời Công ty TNHH Se Jong Eng Vina, nội dung trả lời doanh nghiệp tại các công văn trên là kết quả của quá trình quản lý trực tiếp doanh nghiệp tại địa phương và trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ của doanh nghiệp. Do Tổng cục Thuế không có hồ sơ liên quan đến các vấn đề vướng mắc tại công văn hỏi của các doanh nghiệp nên chưa có cơ sở để khẳng định tính chính xác tại nội dung các công văn trả lời trên của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh. Đề nghị doanh nghiệp làm việc trực tiếp với Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh để được giải đáp cụ thể hơn.
Câu hỏi số 2:
Ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng
Căn cứ theo Khoản 4 Điều 10 Thông tư 96/2015/TT-BTC:
“Dự án đầu tư mở rộng quy định tại điểm này phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
– Nguyên giá tài sản cố định tăng thêm khi dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động đạt tối thiểu từ 20 tỷ đồng đối với dự án đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP hoặc từ 10 tỷ đồng đối với các dự án đầu tư mở rộng thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP .
– Tỷ trọng nguyên giá tài sản cố định tăng thêm đạt tối thiểu từ 20% so với tổng nguyên giá tài sản cố định trước khi đầu tư.
– Công suất thiết kế khi đầu tư mở rộng tăng thêm tối thiểu từ 20% so với công suất thiết kế theo luận chứng kinh tế kĩ thuật trước khi đầu tư ban đầu.
…
Trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động có đầu tư nâng cấp, thay thế, đổi mới công nghệ của dự án đang hoạt động thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn ưu đãi thuế theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP mà không đáp ứng một trong ba tiêu chí quy định tại điểm này thì ưu đãi thuế thực hiện theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có).”
Thông thường, để thực hiện hoạt động đầu tư mở rộng, doanh nghiệp cần một khoảng thời gian nhất định để hoàn tất việc này, tuy nhiên, nội dung tại điều kiện 2 và 3 nêu trên không hướng dẫn cụ thể mốc thời gian làm căn cứ xác định tổng nguyên giá tài sản cố định tăng thêm và trong 3 điều kiện để xác định ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng không có nội dung nào đề cập đến việc doanh nghiệp có cần phải điều chỉnh Giấy phép đầu tư (thực tế, ngoài việc đáp ứng 1 trong 3 điều kiện nêu trên, các cục thuế yêu cầu phải đáp ứng cả điều kiện thay đổi thông tin trên giấy chứng nhận đầu tư).
Đề nghị Bộ Tài chính giải đáp rõ tình huống sau:
1. Trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động có đầu tư nâng cấp, thay thế, đổi mới công nghệ của dự án đang hoạt động thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn ưu đãi thuế theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP, thời gian để thực hiện đầu tư kéo dài từ tháng 9/2018 đến tháng 5/2019. Vậy, khi xác định tiêu chí thứ hai (Tỷ trọng nguyên giá tài sản cố định tăng thêm đạt tối thiểu từ 20% so với tổng nguyên giá tài sản cố định trước khi đầu tư) để xác định điều kiện ưu đãi thuế mở rộng của năm 2019, thì tổng nguyên giá tài sản cố định tăng thêm được tính từ thời điểm tháng 9/2018 đến tháng 5/2019 hay phải xác định từ thời điểm tháng 01/2019 đến tháng 5/2019? Theo quan điểm của doanh nghiệp, phải xác định từ tháng 9/2018 mới phù hợp với thực tế hoạt động đầu tư tại doanh nghiệp.
2. Nếu doanh nghiệp đáp ứng 1 trong 3 tiêu chí nêu trên theo quy định nhưng chưa thực hiện điều chỉnh thông tin (điều chỉnh tăng vốn tương ứng với số vốn tăng thêm cho hoạt động đầu tư mở rộng) trên giấy phép đầu tư thì doanh nghiệp có được hưởng ưu đãi thuế theo diện đầu tư mở rộng hay không?
Trả lời:
2.1. Về thời điểm xác định tỷ trọng nguyên giá TSCĐ:
– Khoản 2, 3 Điều 2 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội quy định:
“2. Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.
3. Dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đang hoạt động đầu tư kinh doanh bằng cách mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm hoặc cải thiện môi trường.”
– Tại Khoản 4 Điều 10 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định:
“Dự án đầu tư mở rộng quy định tại điểm này phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
– Nguyên giá tài sản cố định tăng thêm khi dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động đạt tối thiểu 20 tỷ đồng đối với dự án đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP hoặc từ 10 tỷ đồng đối với các dự án đầu tư mở rộng thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP.
– Tỷ trọng nguyên giá tài sản cố định tăng thêm đạt tối thiểu từ 20% so với tổng nguyên giá tài sản cố định trước khi đầu tư.
– Công suất thiết kế khi đầu tư mở rộng tăng thêm tối thiểu từ 20% so với công suất thiết kế theo luận chứng kinh tế kỹ thuật trước khi đầu tư ban đầu.
…
– Trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động có đầu tư nâng cấp, thay thế, đổi mới công nghệ của dự án đang hoạt động thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn ưu đãi thuế theo quy định của Nghị định số 218/2013/NĐ-CP mà không đáp ứng một trong ba tiêu chí quy định tại điểm này thì ưu đãi thuế thực hiện theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có).”
Căn cứ quy định nêu trên, việc xác định tỷ trọng nguyên giá TSCĐ tăng thêm căn cứ vào thời điểm khi dự án mở rộng đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động, trong đó tổng nguyên giá TSCĐ tăng thêm cho hoạt động đầu tư mở rộng được tính từ khi doanh nghiệp bắt đầu thực hiện đầu tư mở rộng cho đến khi hoàn thành đi vào hoạt động. Do đó, đề nghị Doanh nghiệp căn cứ tình hình thực tế thực hiện hoạt động đầu tư mở rộng làm căn cứ tính tỷ trọng nguyên giá TSCĐ tăng thêm theo đúng quy định.
2.2. Về việc điều chỉnh thông tin:
– Khoản 2 Điều 17 và Khoản 1 Điều 40 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 quy định:
“Điều 17. Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư
…
2. Đối với dự án không thuộc trường hợp cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư mà không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong trường hợp này, nhà đầu tư căn cứ điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính và cơ quan hải quan tương ứng với từng loại ưu đãi đầu tư.
…
Điều 40. Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
1. Khi có nhu cầu thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.”
– Mục 3 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định về thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư
– Khoản 3 Điều 66 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định:
“3. Trường hợp pháp luật quy định thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng dự án đầu tư không thuộc trường hợp cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì nhà đầu tư không phải nộp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.”
– Khoản 5 Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:
“5. Doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang hoạt động thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Nghị định này mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ sản xuất nếu đáp ứng một trong ba tiêu chí quy định tại Khoản này thì được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại (nếu có) hoặc được miễn thuế, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại. Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng quy định tại Khoản này bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới trên cùng địa bàn, lĩnh vực ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Dự án đầu tư mở rộng quy định tại Khoản này phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
– Nguyên giá tài sản cố định tăng thêm khi dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động đạt tối thiểu từ 20 tỷ đồng đối với dự án đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Nghị định này hoặc từ 10 tỷ đồng đối với các dự án đầu tư mở rộng thực hiện tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
– Tỷ trọng nguyên giá tài sản cố định tăng thêm đạt tối thiểu từ 20% so với tổng nguyên giá tài sản cố định trước khi đầu tư;
– Công suất thiết kế tăng thêm tối thiểu từ 20% so với công suất thiết kế trước khi đầu tư.”
Do đó, doanh nghiệp trên cơ sở tình hình thực tế về việc thực hiện dự án đầu tư mở rộng và căn cứ các quy định của pháp luật về đầu tư để xác định các thủ tục và hồ sơ cần thiết để áp dụng ưu đãi thuế TNDN theo đúng quy định.