Tăng cường hợp tác với IMF về tư vấn hỗ trợ kỹ thuật về quản lý thuế GTGT theo mô hình RA-GAP

Tăng cường hợp tác với IMF về tư vấn hỗ trợ kỹ thuật về quản lý thuế GTGT theo mô hình RA-GAP

Ngày 28/10, Tổng cục Thuế phối hợp với IMF tổ chức Hội thảo Phân tích thất thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) bằng mô hình RA-GAP. Đồng chủ trì hội thảo có Phó trưởng Ban Cải cách và Hiện đại hoá (Tổng cục Thuế) Nguyễn Hữu Hùng và ông Shan Zhong – Chuyên gia tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, Vụ các vấn đề Tài khóa của IMF cùng đại diện các đơn vị nghiệp vụ thuộc cơ quan Tổng cục Thuế.

Phát biểu tại hội thảo, Phó trưởng Ban Cải cách và Hiện đại hoá (CCHĐH) Nguyễn Hữu Hùng bày tỏ trân trọng cảm ơn sự hợp tác quý báu của IMF trong thời gian qua đặc biệt là các buổi làm việc trực tuyến với chuyên gia IMF để nghe chia sẻ, giới thiệu về mô hình RA-GAP và tại hội thảo lần này, Đoàn chuyên gia IMF sẽ trực tiếp trao đổi để cùng đánh giá các thông tin, dữ liệu cần thiết cho việc xây dựng mô hình ước lượng thất thu thuế GTGT của Việt nam thông qua sử dụng chương trình RA-GAP của IMF.

Phó trưởng ban Nguyễn Hữu Hùng cho biết, để có thể cải cách, hoàn thiện chính sách thuế, quản lý thuế đối nói chung và đối với thuế GTGT nói riêng theo các nhiệm vụ đã đặt ra thì cần thiết ngành Thuế phải đánh giá được hiệu quả trong công tác thu thuế hiện hành và điều quan trọng là phải nhận diện được những yếu tố nào cả về chính sách thuế và quản lý thuế đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thu thuế.

“Qua nghiên cứu Tổng cục Thuế được biết mô hình RA-GAP là sự đánh giá có hệ thống các hoạt động của cơ quan quản lý thuế được thiết kế nhằm đo lường mức độ hiệu quả của cơ quan quản lý thuế trong thu thuế. Đây cũng là một hoạt động xây dựng năng lực được thiết kế để hỗ trợ cho các cơ quan quản lý thuế theo dõi, giám sát tình hình tuân thủ và hiệu quả thu ngân sách nói chung.” – Phó trưởng ban Nguyễn Hữu Hùng nhận định.

Mô hình RA-GAP cung cấp một khung khổ để ước tính số thu thuế tiềm năng, đánh giá số thu thực tế, đo lường khoảng cách chênh lệch giữa hai số này và phân tích các yếu tố gây ra những chênh lệch này. Vấn đề này được Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã phê duyệt chủ trương nghiên cứu việc áp dụng mô hình RA-GAP đối với thuế GTGT tại Việt Nam.

Theo khuyến nghị của Chuyên gia IMF, việc áp dụng mô hình RA-GAP có thể vấp phải nhiều thách thức, vì nó phải dựa vào những số liệu mà chất lượng không hoàn toàn chắc chắn, trong khi tính sẵn có của dữ liệu quyết định kết quả đầu ra có thể đạt được. Do đó, để đảm bảo kết quả ước tính có độ chính xác cao nhất có thể, cần phải tiến hành rà soát kỹ tất cả các thành phần dữ liệu được sử dụng để đánh giá số thuế thất thu.

“Hội thảo Phân tích thất thu thuế GTGT bằng mô hình RA-GAP nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng của dữ liệu để xác định xem Tổng cục Thuế Việt Nam có đáp ứng được các yêu cầu dữ liệu cần thiết để triển khai mô hình RA-GAP hay không, sau đó sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác giữa Tổng cục Thuế Việt Nam và IMF trong tương lai dựa trên những đánh giá mức độ sẵn sàng của dữ liệu. IMF luôn sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ kỹ thuật phân tích, từ đó giúp Tổng cục Thuế Việt Nam phân tích, đánh giá và đưa ra những giải pháp quản lý thuế GTGT một cách hiệu quả nhất.” – Chuyên gia tư vấn IMF Shan Zhong chia sẻ.

Theo đại diện Ban CCHĐH, những ý kiến chia sẻ, trao đổi, góp ý của Chuyên gia IMF tại hội thảo này sẽ là những thông tin quý giá để đưa ra khuyến nghị cho Tổng cục Thuế trong việc nghiên cứu áp dụng mô hình RA-GAP đối với thuế GTGT tại Việt Nam