19 7월 Tăng khung thuế: Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ vì môi trường
Khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đánh vào mỗi lít xăng hiện từ 1.000 – 4.000 đồng/lít và đang được áp dụng ở mức 3.000 đồng/lít.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đồng thuận nâng khung thuế BVMT đối với xăng dầu lên mức cao hơn.
Theo nhiều chuyên gia, việc nâng khung lên 3.000 – 8.000 đồng/lít là phù hợp, nhằm áp dụng linh hoạt theo tình hình thế giới và khu vực, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế và chống ô nhiễm môi trường.
Ngân sách dành 2% tổng chi cho đầu tư BVMT
Một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới năm 2016 cho thấy, tổng thiệt hại phúc lợi xã hội toàn cầu do tác động gây tử vong của ô nhiễm không khí lên tới khoảng trên 5.000 tỷ USD. Ở Việt Nam, những thiệt hại này ước tính khoảng 800 triệu USD trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng và có thể chịu tổn thất môi trường lên tới 5,5% GDP hàng năm.
Để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho cộng đồng và xã hội, theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, giai đoạn năm 2012 – 2016 ngân sách nhà nước đã chi cho BVMT lên đến 131.857 tỷ đồng, chiếm đến 2% tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn này.
Trong khi đó, việc sử dụng xăng dầu được nhìn nhận là gây tác hại xấu, làm ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, ô nhiễm không khí do khí thải khói xe máy đang là mối đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế của các đô thị lớn. Việt Nam lại là một trong những quốc gia có số lượng xe máy tham gia giao thông nhiều nhất trên thế giới. Nhưng điều đáng nói là người dân chưa ý thức hết được tác hại của khí thải ô tô, xe máy và lựa chọn nhiên liệu để giảm khí thải độc hại.
Ngoài ra, theo bảng xếp hạng của trang web GlobalPerolPrice.com (tại ngày 19/6/2017), giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (trong 170 nước thì có tới 128 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam). Trong khu vực, nhất là các nước có chung đường biên giới, giá xăng dầu của Việt Nam cũng thấp hơn, nên thường xuyên có tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới.
Xuất phát từ thực tế này, tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách thuế, phí BVMT” vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, đa số các đại biểu tham dự đều có chung nhận định, cần có giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường. Đồng thời khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường; đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về BVMT. Trong đó, nâng khung thuế BVMT đối với xăng dầu được cho là giải pháp hợp lý nhất, thích hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, góp phần thay đổi ý thức sử dụng của người dân, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường
Theo ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), khung thuế BVMT đang được Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh từ 1.000 – 4.000 đồng/lít hiện hành lên 3.000-8.000 đồng/lít.
Tăng thuế kịch khung, giá xăng dầu vẫn thấp hơn khu vực
Tại hội thảo, đại diện Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, việc nâng khung thuế BVMT đối với xăng dầu lên mức từ 3.000 đồng/lít đến 8.000 đồng/lít như đề xuất của Bộ Tài chính thực chất là không cao, kể cả trong trường hợp áp mức cao nhất thì giá xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn một số nước trong khu vực.
Còn theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, xét về mặt hiệu quả kinh tế, việc nâng khung thuế BVMT sẽ giảm được những chi phí kinh tế trong quản lý so với các biện pháp điều hành và kiểm soát, trước hết là bộ máy quản lý thực thi pháp luật. “Mặt khác, nếu sử dụng tốt công cụ kinh tế, đặc biệt là thuế, ngân sách sẽ có điều kiện để tăng đầu tư trở lại cho môi trường. Đồng thời, công cụ kinh tế sẽ tạo ra động cơ khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường, qua đó chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn”, PGS.TS Bằng nói.
Ở góc độ khác, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Chi, Đại học Tài chính – Marketing TP. Hồ Chí Minh nhận định, ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm suy thoái chất lượng cuộc sống trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, cơ quan chức năng khuyến khích người dân sử dụng các loại xăng sinh học (E5, E10…) bằng cách đánh thuế BVMT ít hơn so với các loại xăng khác (A92, A95…), vừa giảm được gánh nặng về ô nhiễm môi trường vừa tận dụng lợi ích từ xăng sinh học.
Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Vương Thị Thu Hiền, Học viện Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ góp phần đảm bảo giá bán lẻ xăng dầu trong nước phù hợp với giá bán lẻ xăng dầu của các nước trong khu vực, góp phần hạn chế buôn lậu xăng dầu. Thuế BVMT cũng thể hiện mức độ điều tiết của Nhà nước đối với hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường, đồng thời khuyến kích người tiêu dùng sử dụng xăng dầu sinh học.
“Ngoài việc giảm đáng kể lượng khí thải độc thải ra môi trường, việc sử dụng xăng sinh học còn giúp phát triển vùng nguyên liệu cho quá trình sản xuất ethanol (sắn, mía, tảo…) góp phần tạo thảm thực vật xanh, làm giảm ảnh hưởng của bão lũ, xói mòn…”, Tiến sĩ Hiền nói.
“Bộ Tài chính mới đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu trên cơ sở tính toán nhiều yếu tố để đảm bảo tính ổn định của Luật Thuế BVMT áp dụng cho thời gian dài. Mức thuế BVMT cụ thể đối với xăng vẫn áp dụng như hiện hành là 3.000 đồng/lít ”, ông Vũ Khắc Liêm Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết.
Doãn – Vũ
Thoibaotaichinh