08 12월 Thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm sâu: Cơ hội tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ cho DN
Theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), khoảng 7% số dòng thuế linh hoạt, tương đương 687 mặt hàng được xem là nhạy cảm theo thỏa thuận với ASEAN sẽ được xóa bỏ vào năm 2018.
Thời điểm này, việc cắt giảm sẽ tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam; DN cần có sự chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng nhập khẩu (NK) có mức giá ngày càng giảm.
Nhiều mặt hàng tận dung được ưu đãi
Sau 20 năm, ASEAN là thị trường tiêu thụ hàng hóa xuất xứ Việt Nam lớn thứ 4, sau Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc. Tại Việt Nam, hàng hóa NK từ ASEAN đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khuôn khổ hiệp định này, đến năm 2015, cơ bản các mặt hàng được xóa bỏ thuế quan và 7% tổng số dòng thuế được linh hoạt đến năm 2018. Một số mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm của Việt Nam như mía đường… được phép duy trì mức thuế suất 5% sau giai đoạn 2018.
Thời điểm năm 2018, khi 7% số dòng thuế trong ATIGA cắt giảm xuống 0% (trừ mặt hàng xăng dầu có lộ trình riêng), những ngành chịu tác động lớn nhất từ việc xóa bỏ thuế quan cao, tập trung vào các nhóm hàng như ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm sữa…
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu (XK) sang ASEAN các nhóm hàng chủ lực như: Gạo, dầu thô, sắt thép, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, xăng dầu các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… Hàng hóa các DN Việt Nam NK từ khu vực này chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như: Xăng dầu; nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày; máy vi tính, sản phẩm điện tử – linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; chất dẻo nguyên liệu…
Đánh giá tình hình thực thi Hiệp định ATIGA trong năm qua, theo Bộ Tài chính, kim ngạch NK từ ASEAN của Việt Nam trong năm 2016 là 23,9 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2015. Kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN năm 1995, ASEAN luôn là một trong các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu. Tính đến thời điểm hiện tại, ASEAN là thị trường XK lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch XK trong 10 tháng năm 2017 đạt 18 tỷ USD, tăng 26,8%.
Về thị trường hàng hóa NK, 10 tháng năm 2017, kim ngạch NK đã tăng 19,17% (tương đương gần 3 tỷ USD) với trị giá tuyệt đối gần 22,8 tỷ USD, chiếm 13,25% tổng kim ngạch NK. Trong đó, các nhóm hàng có kim ngạch NK lớn tận dụng được ưu đãi đặc biệt theo hiệp định gồm: Hàng điện gia dụng; ô tô tải; máy tính và sản phẩm điện tử, linh kiện; hàng rau quả; ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống; sữa và các sản phẩm từ sữa; giấy các loại…
Sức ép hội nhập tăng dần
Theo lộ trình cắt giảm thuế quan ATIGA, mức thuế suất bình quân dự kiến cắt giảm từng năm cho giai đoạn 2018 – 2022 tính trên tổng biểu thuế hiện hành là: 0,07% (năm 2018); 0,07% (năm 2019); 0,06% (năm 2020); 0,05% (năm 2021) và 0,04% (năm 2022). Riêng mặt hàng xăng dầu có lộ trình giảm thuế riêng theo kết quả đàm phán trong ASEAN và đã được ASEAN thông qua năm 2010. Theo cam kết, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ thuế NK các sản phẩm xăng dầu trong ASEAN với lộ trình dài nhất tới năm 2024. Với cam kết này, theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong trường hợp tăng trưởng kim ngạch NK của Việt Nam trong khuôn khổ ATIGA không có gì biến đổi, ngân sách sẽ bị tác động không đáng kể khi thuế từ thị trường này giảm.
Tham gia hiệp định, hàng hoá Việt Nam được tiếp cận thị trường của 10 nước ASEAN với 620 triệu người tiêu dùng, cũng như DN Việt có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng mới hình thành trong khu vực. Nếu các DN tận dụng được cơ hội để trở thành một thành tố, một mắt xích trong dây chuyền cung ứng đó thì khả năng phát triển sản xuất, vươn ra phạm vi toàn cầu sẽ rất lớn. Tự do hóa thương mại trong ATIGA cũng đem đến nhiều cơ hội cho các DN trong nước NK nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ hơn, nguồn thiết bị máy móc chất lượng tốt hơn sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, từ năm 2018 trở đi, sức ép hội nhập sẽ tăng dần với những ngành như công nghiệp ô tô, hàng linh kiện điện tử… Theo phân tích của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan sẽ khiến tính chất tự do hóa kinh doanh thị trường sẽ đậm nét hơn, hàng rào kỹ thuật càng trở nên đa dạng, phức tạp hơn, cao hơn đối với các DN và hàng XK Việt Nam. Chính vì vậy, các DN trong nước cần có sự chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa NK có mức giá ngày càng giảm sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, việc giảm thuế XNK là cơ hội để DN giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy các cơ hội đầu tư, XK. DN nên tận dụng cơ hội để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí gia nhập thị trường để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ.
Thực hiện cam kết ATIGA thuế NK ôtô đã cắt giảm xuống 70% vào năm 2012, 50% vào năm 2014 và sẽ cắt giảm hoàn toàn xuống 0% vào năm 2018, khiến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phải gồng mình trước sức ép cạnh tranh xe NK từ ASEAN. Hay như câu chuyện hàng Thái Lan tràn vào chiếm lĩnh thị trường bán lẻ của Việt Nam thời gian qua. Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phụ trách Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), tại một số thị trường như Vĩnh Phúc, Hà Nội thị phần của các DN Thái Lan đã chiếm tới hơn 40%.
Minh Anh
Thoibaotaichinh