07 7월 Tinh gọn bộ máy: Bộ Tài chính đã cắt giảm 2.800 đầu mối
Để đảm bảo việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế toàn ngành đạt hiệu quả, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đảm bảo công bằng, khách quan; coi hiệu quả công việc là yếu tố quyết định.
5 năm cắt giảm 2.800 đầu mối
Theo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính), ngay từ khi Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được ban hành, lãnh đạo Bộ Tài chính đã tổ chức thực hiện một số giải pháp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Theo đó, từ năm 2013 đến cuối năm 2017, đã cắt giảm gần 2.800 đầu mối các đơn vị từ trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương. Trong đó, hệ thống KBNN cắt giảm hơn 2000 đầu mối đơn vị; Tổng cục Thuế cắt giảm 700 đầu mối (cấp tổ, đội thuộc chi cục); Tổng cục Hải quan giảm được 13 đầu mối cấp phòng thuộc vụ thuộc tổng cục, giảm 37 phòng và tương đương thuộc cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, TP.
Bên cạnh đó, sau khi Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 10-NQ/CP ngày 03/2/2018 của Chính phủ được ban hành, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2018, đã cắt giảm 293 đầu mối, trong đó cấp tổ (đội) giảm 246; cấp chi cục và tương đương giảm 44, cấp phòng và tương đương thuộc đơn vị sự nghiệp của Bộ giảm 3 đầu mối
Đối với công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức, để đảm bảo đến năm 2021 giảm 10% biên chế được giao so với năm 2015, Bộ Tài chính đã cắt giảm 3.491 biên chế (bằng 4,7%). Riêng với những công chức dôi dư do sắp xếp bộ máy, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhưng còn hạn chế năng lực, Bộ Tài chính đã chỉ đạo rà soát để tinh giản biên chế khoảng 600 trường hợp (đạt 112% kế hoạch đề ra, tính đến hết năm 2018).
Kết quả sắp xếp, sáp nhập các đơn vị của Bộ Tài chính thể hiện quyết tâm cải cách bộ máy, gắn với cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật của ngành tài chính. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Các chính sách, chế độ về sắp xếp cán bộ đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn chưa có quy định cụ thể gây lúng túng khi áp dụng vào thực tiễn, dễ phát sinh khiến kiện.
Giảm cấp trung gian, tăng cấp tác nghiệp trực tiếp
Đặt ra mục tiêu đến năm 2021 cơ bản hoàn thành sắp xếp, kiện toàn các tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc; giảm tối thiểu 10% biên chế toàn ngành so với năm 2015, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, đối với cơ quan Bộ Tài chính, thực hiện cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy của các vụ, cục, văn phòng, thanh tra đảm bảo các tiêu chí thành lập và thực tế triển khai nhiệm vụ. Đối với khối các tổng cục, đặc biệt là các tổng cục có hệ thống ngành dọc, Bộ Tài chính dự kiến sẽ kiện toàn, sắp xếp nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, giảm cấp trung gian, tăng cấp tác nghiệp trực tiếp.
Theo đó, ngay trong quý III/2018 Bộ Tài chính sẽ trình cấp có thẩm quyền dự thảo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Tổng cục Thuế; thực hiện cơ cấu lại cơ quan thuế, hải quan, kho bạc và dự trữ nhà nước cấp chi cục hoạt động theo khu vực, đảm bảo tương xứng giữa nguồn lực đầu tư với hiệu quả quản lý và phù hợp với quá trình cải cách, hiện đại hóa. Trong đó, đối với hệ thống thuế sẽ thực hiện sắp xếp lại 327 chi cục thuế quận, huyện, thị xã, TP thuộc 63 cục thuế tỉnh, TP trực thuộc trung ương thành 154 chi cục thuế khu vực (giảm 173 chi cục). Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ phù hợp với quy hoạch mạng lưới theo ngành, lĩnh vực trên nguyên tắc tập trung đầu mối, tránh trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ; đẩy mạnh, giao quyền tự chủ, tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi đơn vị sự nghiệp công lập, đổi mới cách thức quản trị, hạn chế sự can thiệp và bao cấp của Nhà nước đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp công.
Về tinh giản biên chế, theo kế hoạch từ nay đến năm 2021, mỗi năm Bộ Tài chính sẽ thực hiện cắt giảm tối thiểu 1,77% biên chế được giao để đảm bảo giảm tối thiểu 10% chỉ tiêu biên chế được giao so với năm 2015 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu này, ngoài việc quán triệt, nâng cao nhận thức, Bộ Tài chính tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đảm bảo công bằng, khách quan, coi hiệu quả công việc là yếu tố quyết định. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành gắn với cải cách bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, lấy kết quả thực hiện là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thúy Nga
Tapchithue