12 7월 Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị rà soát Quy trình một cửa
Trong các ngày 10-12/7/2023, tại Tổng cục Thuế diễn ra Hội nghị rà soát quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuế theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông (Quy trình một cửa). Trực tiếp tham dự có lãnh đạo và các thành viên tổ soạn thảo thuộc Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (TTHT) và sự tham gia của Lãnh đạo và chuyên viên của các Vụ, đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Thuế và các Cục Thuế: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Lãnh đạo Vụ TTHT cho biết, Quy trình một cửa ban hành theo Quyết định 2351/QĐ-TCT ngày 11/12/2015 bắt đầu thực hiện từ năm 2016 đến nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quy trình này sau gần 8 năm triển khai thực hiện đến nay đã bộc lộ một số bất cập, còn tồn tại một số nội dung cần phải nghiên cứu cần phải sửa đổi, bổ sung; cụ thể:
Một là, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian trên quy định về việc thực hiện quy chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC là Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018; Nghị định 107/2021-NĐ-CP sửa đổi Nghị định 61 (nêu trên), trong đó bổ sung một số quy định mới quan trọng như: việc thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, quy định về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; Nghị định 45/2020/NĐ-CP có quy định mới về việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; Văn phòng Chính phủ mới ban hành Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 phê duyệt bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; do đó để đánh giá được thì cần phải có hệ thống dữ liệu chuẩn theo quy định thống nhất của Chính phủ.
Hai là, khi thực hiện giải quyết TTHC theo Quyết định 2351/QĐ-TCT trong thời gian qua cũng gặp một số bất cập như: Tại Quy trình này chưa có quy định việc tiếp nhận và trả kết quả liên thông, dẫn đến việc tổng hợp kết quả giải quyết TTHC chưa đầy đủ; Quy trình một cửa là quy trình đầu cuối nên chưa theo dõi được toàn bộ quá trình xử lý hồ sơ; chưa có quy chuẩn về đánh mã hồ sơ nên chưa thống nhất với quy định về mã TTHC được quy định…
Căn cứ các quy định, hướng dẫn của Chính phủ về đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC thuế và ý kiến tham gia của các Cục thuế tại dự thảo quy trình một cửa, đến nay Tổng cục Thuế đã hoàn thiện dự thảo quy trình nêu trên.
Để dự thảo trước khi ban hành chính thức được đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý thuế của cơ quan thuế và tuân thủ các quy định pháp lý liên quan, Tổng cục Thuế đã tổ chức hội nghị để rà soát nội dung dự thảo quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đảm bảo kết nối, thống nhất giữa quy trình này với các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích việc đáp ứng của các ứng dụng công nghệ thông tin đối với quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC và sự liên kết, đồng bộ giữa các ứng dụng. Đáp ứng mục tiêu đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện Vụ TTHT đã giới thiệu những điểm quan trọng của dự thảo Quy trình một cửa và các ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng quy trình mới. Sau đó sẽ có buổi trao đổi, thảo luận và giải đáp những thắc mắc của các đại biểu nhằm mang lại hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện các quy trình của các cơ quan thuế địa phương. Chương trình hội nghị diễn ra trong 03 ngày, với thành phần tham dự cấp độ chuyên gia và là những người làm thực tế cùng trao đổi để có cơ sở hoàn thiện quy trình trước khi ban hành