Tổng cục Thuế phối hợp với USAID tổ chức Hội thảo “Phân đoạn người nộp thuế: phương pháp luận và kinh nghiệm quốc tế”

Tổng cục Thuế phối hợp với USAID tổ chức Hội thảo “Phân đoạn người nộp thuế: phương pháp luận và kinh nghiệm quốc tế”

Trong khuôn khổ Kế hoạch hợp tác năm 2018 giữa Tổng cục Thuế và Chương trình Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện của USAID (GIG) về hỗ trợ kỹ thuật cho Tổng cục Thuế nghiên cứu, xây dựng Chương trình tuân thủ thuế và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người nộp thuế. Với mục tiêu tư vấn cho cơ quan thuế Việt Nam về phương pháp luận và kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Chương trình tuân thủ thuế, kế hoạch triển khai Chương trình giám sát tuân thủ và thiết kế các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ cho người nộp thuế phù hợp, ngày 15/6/2018, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Thuế phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID tổ chức hội thảo “Phân đoạn người nộp thuế: phương pháp luận và kinh nghiệm quốc tế”

Tham gia Hội thảo về phía UASAID có đại diện USAID tại Việt Nam, Ông Michael D’Ascenzo, nguyên Tổng cục trưởng Cơ quan Thuế Úc và Ông Trần Nam Bình, giáo sư Thuế và Luật kinh doanh, Đại học New South Wales, Úc; về phía Tổng cục Thuế Việt Nam có đại diện các Vụ/đơn vị thuộc Tổng cục Thuế: Vụ Thanh tra, Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ NNT, Cục công nghệ thông tin, Vụ Kê khai và kế toán thuế, Ban Cải cách, Ban Quản lý rủi ro và các Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế, Long An, Đồng Nai, Bình Dương.

Trong hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu, trao đổi tập trung vào các vấn đề:

– Phương pháp luận phân đoạn người nộp thuế trong việc nghiên cứu hành vi tuân thủ của người nộp thuế để xây dựng chương trình tuân thủ

– Yêu cầu, điều kiện về mặt số liệu để có thể tiến hành phân tích hành vi NNT và phân đoạn NNT

– Kinh nghiệm quốc tế về phân đoạn NNT nhằm quản lý và nâng cao tuân thủ thuế

– Lựa chọn phương pháp tiếp cận phân đoạn người nộp thuế ở Việt Nam phục vụ mục tiêu quản lý và nâng cao tuân thủ thuế.

Việc phân đoạn NNT thành các nhóm có đặc điểm tương đồng, trên cơ sở đó nghiên cứu các hành vi tuân thủ, môi trường và động cơ trốn, tránh thuế, nguyên nhân thất thu thuế… và xác định rủi ro tuân thủ theo các cấp độ của từng nhóm… Trên cơ sở đó sẽ giúp cơ quan thuế thiết kế hệ thống chính sách, cơ chế quản lý và bố trí nguồn lực quản lý và có giải pháp xử lý, giảm thiểu các rủi ro về thuế (nhóm nào cần tăng cường hỗ trợ tuân thủ, nhóm nào cần giám sát thực hiện, nội dung cần cải thiện thể chế chính sách…); đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cho từng năm, cho cơ quan thuế các cấp và chi tiết cho từng bộ phận trong cơ quan thuế.

Sau buổi hội thảo, các chuyên gia của USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ Tổng cục Thuế trong quá trình xây dựng Chương trình tuân thủ, kế hoạch triển khai Chương trình giám sát tuân thủ và thiết kế các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ cho NNT cho phù hợp./.

T.Dương TCT