Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Thuế

Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Thuế

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong những năm qua, ứng dụng công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý thuế và đem lại những hiệu quả to lớn trong công cuộc hiện đại hóa công tác quản lý thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính thuế đã tiết kiệm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và chi phí hành chính cho cơ quan thuế, nhờ đó giảm thiểu tương tác giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, góp phần giảm tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người nộp thuế.

Tình hình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Thuế

Ý thức được vai trò quan trọng của công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý và định hướng phát triển lâu dài của ngành Thuế, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân. Có thể nhận thấy sự thay đổi mạnh mẽ, rõ rệt trong ứng dụng CNTT của toàn Ngành qua một số kết quả nổi bật sau:

Triển khai Hệ thống Quản lý thuế tập trung (TMS)

Phát huy những kết quả đạt được trong việc triển khai ứng dụng quản lý thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và hiệu quả tích cực hỗ trợ triển khai Luật Thuế TNCN, Tổng cục Thuế đã quyết định nâng cấp kiến trúc hệ thống ứng dụng quản lý thuế hiện hành lên mô hình xử lý tập trung tại Tổng cục bằng giải pháp nâng cấp mở rộng hệ thống ứng dụng quản lý thuế TNCN để quản lý các loại thuế khác. Năm 2015, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai Hệ thống Quản lý thuế tập trung (TMS) trên phạm vi toàn quốc để hỗ trợ cho 63 cục thuế và gần 700 chi cục thuế trong công tác quản lý thuế.

Tính đến tháng 3/2017, ứng dụng TMS đang quản lý 835.920 mã số thuế DN và tổ chức kinh tế khác, hơn 44.800 mã số thuế cá nhân; xử lý hơn 1 triệu hồ sơ của 63 cục thuế. Đặc biệt, hệ thống TMS đã hỗ trợ đắc lực trong việc lập Bộ thuế khoán trong các năm 2016, 2017. Theo thống kê, dữ liệu lập bộ hộ khoán năm 2016 đã có tổng số hơn 1,7 triệu tờ khai thuế khoán được xử lý trên TMS; hơn 1,5 triệu người nộp thuế đã được công khai thông tin.

So với số liệu lập bộ hộ khoán 2015 (trên ứng dụng GTGT phân tán tại các chi cục thuế), số hộ lập bộ năm 2016 tăng 25%, số hộ được công khai thông tin trên web tăng 30%. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, thống kê cho thấy đã có tổng số hơn 1,5 triệu tờ khai khoán được xử lý trên TMS.

Hệ thống này đã hỗ trợ cơ quan thuế các cấp xử lý dữ liệu của các khâu nghiệp vụ đăng ký thuế, quản lý hồ sơ thuế, quản lý nghĩa vụ kê khai; Xử lý tờ khai định kỳ/tờ khai quyết toán thuế; Xử lý chứng từ thu nộp thuế; Xử lý quyết định hành chính thuế (hoàn thuế, miễn giảm, ấn định…); Hạch toán và theo dõi nghĩa vụ của người nộp thuế (NNT); Tổng hợp các báo cáo theo chế độ (kế toán/thống kê), báo cáo đánh giá, phân tích hỗ trợ công tác quản lý thuế.

Triển khai ứng dụng khai thuế điện tử

Trong thời gian qua, Tổng cục Thuế đã tích cực triển khai hệ thống khai thuế điện tử để hỗ trợ NNT thực hiện khai hầu hết các hồ sơ khai thuế bao gồm tờ khai lần đầu/bổ sung, tờ khai theo từng lần phát sinh, tờ khai quyết toán thuế, báo cáo tài chính, báo cáo hóa đơn, biên lai thu phí, lệ phí phải nộp theo quy định. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đã triển khai hệ thống trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường để hỗ trợ nhiều cục thuế triển khai, sử dụng hệ thống trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai.

Tính đến hết ngày 17/3/2017, hệ thống khai thuế qua mạng đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố với 575.208 DN kê khai điện tử, đạt 99,83% DN đang hoạt động trên cả nước. Đồng thời đã có trên 37,8 triệu hồ sơ khai thuế điện tử. Trên cơ sở phối hợp với 43 ngân hàng thương mại để hoàn thành kết nối triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động DN tham gia sử dụng dịch vụ đã có 565.406 trên tổng số 576.203 DN đang hoạt động đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế (đạt tỷ lệ 98%).Số lượng DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 564.223 DN. Con số này chiếm tỷ lệ gần 98% với 834.005 giao dịch nộp thuế điện tử và số tiền đã nộp ngân sách nhà nước trên 115.230 tỷ đồng.

Việc triển khai dịch vụ khai và nộp thuế điện tử đã giúp cơ quan thuế, DN và các ngân hàng giảm thời gian thực hiện thủ tục; giảm chi phí cho DN và xã hội, đặc biệt, đã góp phần công khai, minh bạch thông tin cho NNT.

Triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử

Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Tổng cục Thuế đã tổ chức phân tích và nâng cấp các ứng dụng theo dự thảo quy trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) bằng phương thức điện tử. Để đảm bảo căn cứ pháp lý cho việc triển khai thí điểm dịch vụ hoàn thuế điện tử, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2790/QĐ-BTC ngày 27/12/2016 về việc áp dụng thí điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hoàn thuế GTGT bằng phương thức điện tử.

Trên cơ sở các văn bản pháp quy này, Tổng cục Thuế đã đề ra kế hoạch triển khai hoàn thuế điện tử. Cụ thể là, tháng 2/2017, Tổng cục Thuế triển khai thí điểm ứng dụng hoàn thuế điện tử tại TP. Hà Nội và TP. Hải Phòng. Từ tháng 3/2017, Tổng cục Thuế triển khai mở rộng tại 11 cục thuế và từ tháng 5/2017 triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, Tổng cục triển khai giải pháp tạm thời để giám sát hoàn thuế trên cơ sở Công văn số 4118/TCT-KK ngày 9/9/2016 về việc thực hiện giám sát hoàn thuế trên hệ thống TMS và Công văn số 13804/BTC-TCT ngày 30/9/2016 của Bộ Tài chính về quản lý hoàn thuế GTGT các tháng cuối năm 2016.

Triển khai thí điểm hệ thống cấp hóa đơn điện tử có mã xác thực

Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 278/QĐ-TCT ngày 01/03/2016 về Kế hoạch hành động của Tổng cục về việc triển khai mở rộng hệ thống cấp hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan Thuế, đồng thời, tiếp tục tổ chức hỗ trợ cho 250 DN tại 2 Cục Thuế TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để thí điểm hệ thống hóa đơn điện tử có mã xác thực. Đến hết tháng 12/2016, hệ thống đã xác thực được 2,7 triệu hóa đơn với số tiền thuế là 1.082 tỷđồng.

Ứng dụng CNTT trong công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm tra nội bộ

Để đáp ứng yêu cầu quản lý, tổng hợp, chỉ đạo điều hành trong công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế các cấp, ngay từ đầu năm 2016, Tổng cục Thuế đã nâng cấp bổ sung các mẫu báo cáo nhanh, nhằm hỗ trợ cơ quan thuế trong việc lập và tổng hợp báo cáo trên ứng dụng, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thuế các cấp thực hiện việc rà soát, cập nhật dữ liệu vào ứng dụng theo dõi kết quả thanh tra, kiểm tra.

Tổng cục Thuế đã tiến hành nâng cấp ứng dụng phân tích rủi ro (TPR) sửa đổi cách lấy dữ liệu trên các tiêu chí được quy định tại Quyết định số 2176/QĐ-TCT ngày 10/11/2015 của Tổng cục Thuế về việc cơ quan thuế các cấp áp dụng quản lý rủi ro trong công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở NNT đáp ứng các chỉ tiêu của bộ báo cáo tài chính được quy định tại Thông tư số 200/TT-BTC thay thế bộ báo cáo tài chính ban hành theo Quyết định số 15/QĐ-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp có hiệu lực từ năm 2015.

Trong năm 2016, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai thí điểm ứng dụng phân tích rủi ro tờ khai GTGT tại Cục Thuế TP. Hà Nội và Cục Thuế Quảng Ninh đáp ứng nghiệp vụ kiểm tra hồ sơ khai thuế. Ngoài ra, để áp dụng quản lý rủi ro theo yêu cầu của Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính một cách tổng thể, Tổng cục Thuế đang xem xét phê duyệt kiến trúc tổng thể ứng dụng CNTT quản lý rủi ro giai đoạn 2016-2020.

Trong công tác kiểm tra nội bộ, đến nay, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục nâng cấp ứng dụng kiểm tra nội bộ, đáp ứng các nội dung nghiệp vụ quy định tại quy trình tiếp công dân, quy trình khiếu nại tố cáo, quy trình kiểm tra nội bộ và các yêu cầu của người sử dụng sau khi áp dụng phân tích rủi ro theo các bộ tiêu chí về công tác thanh tra thuế, kiểm tra thuế, hoàn thuế, quản lý nợ thuế lập kế hoạch kiểm tra nội bộ hàng năm của ngành Thuế.

Triển khai nâng cấp hạ tầng kỹ thuật

Sau 2 năm nghiên cứu giải pháp nền tảng máy tính ảo (VDI) cho người sử dụng, đến tháng 3/2016, Tổng cục Thuế đã triển khai giai đoạn 1 hệ thống máy tính ảo cho người sử dụng tại cơ quan Tổng cục, Cục Thuế TP. Hà Nội, Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh. Bên cạnh đó, triển khai nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các hệ thống trong năm 2016 tại Trung tâm Dữ liệu ngành Thuế, cụ thể như:

– Triển khai nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hệ thống ảo hóa nhằm đáp ứng yêu cầu của các ứng dụng khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử và hoàn thuế điện tử.

– Triển khai nâng cấp hệ thống trục tích hợp nhằm nâng cao năng lực trao đổi thông tin, tích hợp và giao tiếp giữa các ứng dụng trong và ngoài ngành Thuế, đảm bảo an toàn thông tin.

– Triển khai hệ thống dự phòng cho hệ thống xử lý giao dịch điện tử có yêu cầu tính sẵn sàng cao như hệ thống khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, đảm bảo hệ thống luôn hoạt động ổn định, sẵn sàng, nâng cao năng lực xử lý, đặc biệt trong các kỳ cao điểm về quyết toán thuế.

– Tiếp tục triển khai, nâng cấp hệ thống trang thiết bị địa phương cho toàn Ngành đáp ứng yêu cầu về hiện đại hóa môi trường làm việc, nâng cao năng lực và hiệu suất làm việc của cán bộ thuế.

Những khó khăn, hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ ngành Thuế đã gặp phải một số khó khăn, hạn chế sau:

Thứ nhất, chính sách, văn bản pháp quy về thuế cũng như các mẫu biểu đầu vào của các ứng dụng hiện nay thay đổi liên tục, trong khi theo quy định của Nghị định số 102/2009/NĐ-CP và theo quy định của Luật Đấu thầu, thời gian để Tổng cục Thuế xây dựng một dự án CNTT nhằm nâng cấp các ứng dụng để đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ mới mất khoảng 14 tháng. Do đó, ảnh hưởng đáng kể đến việc các ứng dụng CNTT trong ngành Thuế.

Thứ hai, việc nâng cấp, bổ sung và triển khai hạ tầng CNTT hiện nay của ngành Thuế chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ triển khai, mở rộng của các ứng dụng CNTT và cơ sở dữ liệu ngày càng tăng. Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ triển khai các nhiệm vụ của ngành Thuế.

Thứ ba, nguồn nhân lực CNTT hiện nay của ngành Thuế còn tương đối mỏng và chất lượng nhân lực chưa được đảm bảo. Việc triển khai các ứng dụng quản lý thuế mới theo hướng tập trung và theo tiêu chuẩn quốc tế khác rất nhiều so với các ứng dụng quản lý thuế phân tán trước đây nên gặp nhiều khó khăn vướng mắc cần phải tập trung quan tâm và xử lý, cải thiện.

Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Thuế

Để khắc phục những hạn chế trên và triển khai chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016-2020, Tổng cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT theo hướng:

– Xây dựng kho cơ sở dữ liệu quốc gia về thuế đáp ứng yêu cầu triển khai Chính phủ điện tử.

– Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ NNT thông qua việc cung cấp mở rộng các dịch vụ điện tử về thuế; Khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức trung gian phát triển các dịch vụ về thuế, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa một số dịch vụ.

– Hiện đại hóa quản lý nội bộ Ngành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả.

– Phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại và đồng bộ.

– Đảm bảo hệ thống CNTT vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu.

– Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT trong ngành Thuế phù hợp với định hướng và kế hoạch phát triển CNTT ngành Thuế giai đoạn 2016-2020.

Tapchitaichinh