Bài 3: Bổ sung quy định vốn mỏng vào Luật Thuế TNDN là một nội dung quan trọng trong chiến lược cải cách hệ thống Thuế của Việt Nam

Bài 3: Bổ sung quy định vốn mỏng vào Luật Thuế TNDN là một nội dung quan trọng trong chiến lược cải cách hệ thống Thuế của Việt Nam

Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 với mục tiêu tổng quát là xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả, hiệu lực của Đảng và Nhà nước. Xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện dựa trên ba nền tảng cơ bản: thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao. Một số mục tiêu, yêu cầu cụ thể về cải cách chính sách thuế là: Xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý; góp phần chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia; khuyến khích thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; bảo hộ hợp lý, có chọn lọc, có thời hạn các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế; mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh.

Từ các mục tiêu nêu trên, Định hướng chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 của Chính phủ đã đặt ra những nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể đối với từng sắc thuế. Trong đó, cải cách chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp tập trung vào việc điều chỉnh giảm mức thuế suất chung theo lộ trình phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế để vừa đảm bảo thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh; vừa đảm bảo đơn giản hóa chính sách ưu đãi thuế theo hướng thu hẹp về lĩnh vực được ưu đãi. Việc sửa đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao, lĩnh vực xã hội hóa, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, cải cách chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp trong thời gian tới cần đảm bảo phản ánh đúng bản chất của các loại chi phí theo hướng bổ sung quy định về các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, đặc biệt là hạn chế tối đa các trường hợp có chủ ý thực hiện hành vi sắp xếp cơ cấu “vốn mỏng” để được khấu trừ chi phí lãi vay quá mức làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận ra nước ngoài. Mặt khác, cải cách chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp cũng cần bổ sung các quy định để bao quát hết các hoạt động kinh tế mới phát sinh như: hoạt động bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, kinh tế số… Qua hơn 06 năm triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược cải cách hệ thống thuế, chính sách thuế TNDN đã được sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung cơ bản như: sửa đổi, bổ sung một số quy định về khoản chi phí được trừ và không được trừ nhằm phản ánh đúng bản chất thực tế của chi phí và phù hợp với thông lệ quốc tế; giảm mức thuế suất thuế TNDN xuống tương đương với mức thuế suất thuế TNDN của các nước trong cùng khu vực; sửa đổi đối tượng ưu đãi căn cứ theo “dự án đầu tư” nhằm phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với quy định tại Luật Đầu tư; sửa đổi chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất công nghiệp hỗ trợ, dự án quy mô lớn và công nghệ cao… Nhìn chung, các nội dung sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn này đều nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN, góp phần thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế cải cách thuế của thế giới và bảo đảm lộ trình của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020. Những sửa đổi, bổ sung chính sách thuế TNDN đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an sinh, xã hội. Tuy chính sách thuế TNDN đã được sửa đổi đáng kể trong hơn 6 năm qua, nhưng một số quy định hiện hành vẫn chưa phù hợp với các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số khiến cơ quan thuế và người nộp thuế không khỏi lúng túng trong quá trình thực thi. Bên cạnh đó, việc bổ sung quy định hạn chế chi phí lãi vay đối với các trường hợp có vốn chủ sở hữu mỏng trong cơ cấu vốn hoạt động của doanh nghiệp là cấp thiết trong bối cảnh cam kết của Chính phủ khi tham gia diễn đàn toàn cầu về chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) nhưng thời gian qua lại gặp nhiều cản trở từ xã hội và dư luận. Thực tế, chính sách thuế của hầu hết các nước đã có quy định hạn chế chi phí lãi vay đối với các trường hợp có vốn chủ sở hữu mỏng trong cơ cấu vốn hoạt động của doanh nghiệp và đã được áp dụng trong hàng chục năm qua để bảo vệ quyền đánh thuế của họ. Sự thiếu hụt quy định về hạn chế khấu trừ chi phí lãi vay đối với các trường hợp có vốn chủ sở hữu mỏng trong cơ cấu vốn hoạt động của doanh nghiệp trong chính sách thuế TNDN hiện hành đã làm xói mòn đáng kể cơ sở thuế của Việt Nam và dẫn đến việc Việt Nam từ bỏ quyền đánh thuế chính đáng của mình.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng và sự lớn mạnh của các tập đoàn kinh tế, cùng với việc đảm bảo thực hiện mục tiêu hạn chế việc mất cân đối thu chi Ngân sách Nhà nước, việc bổ sung quy định hạn chế khấu trừ chi phí lãi vay đối với các trường hợp có vốn chủ sở hữu mỏng trong cơ cấu vốn hoạt động của doanh nghiệp trong chính sách thuế TNDN là hết sức cấp bách trong tiến trình thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 đã đề ra./.

Ban CC – TCT