BÀI 4: Những động thái của Chính phủ trong việc hạn chế tình trạng vốn mỏng làm xói mòn cơ sở thuế trong thời gian qua

BÀI 4: Những động thái của Chính phủ trong việc hạn chế tình trạng vốn mỏng làm xói mòn cơ sở thuế trong thời gian qua

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng một số nguyên tắc nhằm hạn chế xói mòn cơ sở thuế do yếu tố chi phí lãi vay (nói cách khác là hạn chế tình trạng vốn mỏng). Tùy thuộc vào đặc điểm kinh tế, tình hình chính trị của mỗi quốc gia, việc vận dụng các nguyên tắc nhằm hạn chế khấu trừ chi phí lãi vay được lựa chọn phù hợp, đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng vẫn phát huy hiệu quả như một công cụ hạn chế xói mòn cơ sở tính thuế. Chính sách thuế TNDN của Việt Nam có quy định về giới hạn chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập tính thuế. Tuy nhiên, các quy định này chưa phải là thông lệ tốt nhất và còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nhận thấy tầm ảnh hưởng của việc xói mòn cơ sở tính thuế do yếu tố lãi vay, Chính phủ đã xây dựng mục tiêu chiến lược nhằm hoàn thiện chính sách thuế TNDN theo hướng sửa đổi các quy định hiện tại và bổ sung các quy định mới cho phù hợp với sự phát triển của các quan hệ kinh tế xã hội cũng như thực trạng nền kinh tế Việt Nam. Các mục tiêu chiến lược được cụ thể hóa tại Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020. Để đạt được các mục tiêu cụ đặt ra đối với vấn đề hoàn thiện chính sách thuế TNDN (như bổ sung quy định về các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; bổ sung các quy định để bao quát hết các hoạt động kinh tế mới phát sinh như hoạt động bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, sự phát triển của các tập đoàn kinh tế, hiện tượng “vốn mỏng”…) Chính phủ đã có những động thái cụ thể trong giai đoạn trước như sau:

Lần thứ nhất vào năm 2013, tại Tờ trình Chính phủ số 160/TTr-CP ngày 23/4/2013 của chính phủ trình Quốc hội, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa Luật thuế TNDN theo hướng bổ sung quy định về khống chế chi phí lãi vay được trừ theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 1 và khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật, trong đó đưa ra 02 nhóm tỷ lệ áp dụng đối với tất cả các DN & tỷ lệ áp dụng cho lĩnh vực TCTD, NH; Đối với một số ngành, lĩnh vực có quy định về tỷ lệ vốn góp tối thiểu thì sẽ theo quy định của ngành, lĩnh vực đó. Nội dung cụ thể của lần trình này là:

“o) Chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, riêng các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì tỷ lệ này không quá 12 lần vốn chủ sở hữu; đối với một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp đã có quy định của pháp luật về tỷ lệ tối thiểu vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư thì thực hiện theo quy định đó”.

Quy định về chi trả lãi tiền vay vốn tại điểm o khoản 5 Điều 1 của Luật này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 và áp dụng đối với các khoản vay, hợp đồng vay vốn ký từ ngày 01 tháng 01 năm 2018”.

Lần thứ hai vào năm 2015, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 32, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội bổ sung dự thảo quy định về vốn mỏng, trong đó Chính phủ đưa ra 02 nhóm tỷ lệ áp dụng cho lĩnh vực sản xuất và các lĩnh vực còn lại tuy nhiên không đưa ra tỷ lệ áp dụng cho lĩnh vực TCTD, NH. Đối với lĩnh vực TCTD, NH và lĩnh vực có quy định về khống chế CPLV vốn thì áp dụng theo quy định của ngành, lĩnh vực đó. Nội dung đề xuất của Chính phủ cụ thể là:

‘…3. Bổ sung điểm q vào Khoản 2 Điều 9 Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 như sau:

‘ q) Chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4:1) đối với các lĩnh vực còn lại.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 tỷ lệ khống chế chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với Khoản vay vượt quá vốn chủ sở hữu quy định tại Khoản này là 4:1 đối với lĩnh vực sản xuất và 3:1 đối với các lĩnh vực còn lại. Riêng tổ chức tín dụng và một số ngành, lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành đã có quy định về tỷ lệ khống chế chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với Khoản vay vượt quá vốn chủ sở hữu thì thực hiện theo quy định đó.

…’

Theo quan điểm của các chuyên gia OECD thì nguyên tắc giới hạn CPLV bởi một tỷ lệ VV/VCSH được xem là một trong những thông lệ tốt nhất và được khuyến khích áp dụng. Thực tế, có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng phương pháp này. Đây là một phương pháp dễ thực hiện, tốn ít chi phí tính toán cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế, tránh gây bất đồng trong việc tính toán, xác định chi phí được trừ, phù hợp với thực trạng Việt Nam hiện nay.

Tỷ lệ VV/VCSH được xem là ngưỡng giới hạn vốn mỏng của các nước cũng rất đa dạng. Phần lớn đối với các nước phát triển, tỷ lệ VV/VCSH được xem là ngưỡng giới hạn vốn mỏng khá thấp (Mỹ 1,5:1 – Pháp 1,5:1 – Canada 2:1…); nhiều nước tỷ lệ VV/VCSH được xem là ngưỡng giới hạn vốn mỏng lại khá cao (Thụy Sỹ, Slovenia; Luxembourg 6:1); một số nước thiết lập tỷ lệ VV/VCSH riêng cho lĩnh vực tài chính tín dụng (Trung Quốc 5:1; Hàn Quốc là 6:1; Nga là 12,5:1…). Phạm vi áp dụng ngưỡng giới hạn vốn mỏng cũng rất khác nhau ở mỗi nước. Có nước chỉ áp dụng ngưỡng giới hạn vốn mỏng cho các công ty liên kết, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, có nước áp dụng ngưỡng giới hạn vốn mỏng cho tất cả các công ty không phân biệt công ty nội địa hay công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Đối với quốc gia cần thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp trong nước phát triển như Việt Nam, việc áp dụng tỷ lệ VV/VCSH trong hạn chế chi phí lãi vay nên được phân ra thành các nhóm tỷ lệ gồm: Tỷ lệ áp dụng cho tất cả các lĩnh vực; Tỷ lệ áp dụng cho Tổ chức tín dụng, ngân hàng; đối với một số ngành, lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành đã có quy định về tỷ lệ khống chế chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó.

Nếu quy định về hạn chế khấu trừ chi phí lãi vay này được áp dụng sẽ góp phần hạn chế tình trạng xói mòn cơ sở tính thuế, đảm bảo quyền đánh thuế của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và tăng thu cho NSNN. Về phía các doanh nghiệp bị điều chỉnh bởi quy định này, mặc dù chi phí tuân thủ có tăng nhưng sẽ không đáng kể, xong quy định này sẽ góp phần đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế.

Ban CC -TCT