Bộ Tài chính luôn sẵn sàng đối thoại để có những giải pháp về chính sách thuế, hải quan

Bộ Tài chính luôn sẵn sàng đối thoại để có những giải pháp về chính sách thuế, hải quan

Sáng nay 15/12, Bộ Tài chính đã phối hợp với VCCI tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) về chính sách và thủ tục hành chính (TTHC) thuế, hải quan 2023. Tham dự và đồng chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn; Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường; Phó Cục trưởng Cục QLGSCST (Bộ Tài chính) Nguyễn Thành Hưng; ông Nguyễn Bắc Hà – Trưởng ban Hội viên và Đào tạo (VCCI); cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc ngành Thuế và ngành Hải quan và đại diện của 700 DN, hiệp hội DN.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhận định hội nghị là cơ hội để củng cố quan hệ giữa cơ quan thuế, hải quan với cộng đồng DN trong chia sẻ thông tin

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết, chương trình đối thoại năm nay được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị đối thoại với cộng đồng DN được Bộ Tài chính tổ chức thường niên nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành các cơ chế quản lý Nhà nước về chính sách thuế, hải quan hoặc phát sinh từ thực tiễn kinh doanh của DN.

“Hội nghị cũng là cơ hội để củng cố quan hệ giữa cơ quan thuế, hải quan với cộng đồng DN trong chia sẻ thông tin, cùng nhau thảo luận các cơ chế hợp tác phù hợp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của cả cơ quan quản lý và cộng đồng DN.” – Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.

“Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa trong lĩnh vực thuế và hải quan theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với NSNN.

Cùng với các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; Bộ Tài chính mong muốn DN Việt Nam chủ động tận dụng hơn nữa các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển, đồng thời tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế, hải quan, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay.”

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn

Theo Phó Chủ tịch VCCI, trong quá trình chuẩn bị hội nghị, VCCI đã có văn bản gửi lấy ý kiến, kiến nghị của các DN và các Hiệp hội DN. Các ý kiến, câu hỏi về quy trình cụ thể VCCI đã chuyển sang Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để xem xét trả lời trong tài liệu hội nghị và sẽ tiếp tục thông tin tiếp cho DN trong thời gian tới đối với các nội dung cần rà soát, xem xét thêm để trả lời DN.

Phó Chủ tịch VCCI lưu ý, do khuôn khổ thời gian của hội nghị, vì vậy sẽ có những vấn đề liên quan đến cộng đồng DN liên quan đến lĩnh vực thuế và lĩnh vực hải quan sẽ không thể trả lời trực tiếp tại hội nghị, VCCI đề nghị các DN gửi lại nội dung trao đổi để VCCI tổng hợp gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan để có trả lời thấu đáo đến DN.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chia sẻ, trong năm 2023 tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, trong đó cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, Việt Nam, do nền kinh tế đã có độ mở lớn hơn nên đã chịu tác động trực tiếp trước những biến động phức tạp của tình hình chính trị kinh tế thế giới và thị trường nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn; Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường; Phó Cục trưởng Cục QLGSCST (Bộ Tài chính) Nguyễn Thành Hưng; ông Nguyễn Bắc Hà – Trưởng ban Hội viên và Đào tạo (VCCI)

Cũng trong giai đoạn này, môi trường sản xuất kinh doanh trong nước do hệ lụy kéo dài từ những tác động của dịch Covid-19 dẫn đến khả năng cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Một điểm đáng lưu ý, đó là trong khi các ngành kinh tế lớn đầu tư chủ yếu của Việt Nam phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng còn yếu, gặp hàng rào bảo hộ, gây ảnh hướng đến nhiều ngành, lĩnh vực, tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Nắm bắt và dự báo trước tình hình trên, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Tài chính với tinh thần luôn sẵn sàng đồng hành cùng DN và người dân vượt khó để phục hồi và đẩy mạnh phát triển nền kinh tế, Bộ tiếp tục tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội ban hành hệ thống văn bản nhằm tạo hành lang pháp lý về lĩnh vực thuế và hải quan. Công tác xây dựng văn bản pháp luật được Bộ Tài chính chủ động thực hiện, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, đảm bảo chất lượng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có: 11 Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH; 19 Nghị định của Chính phủ; 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 26 Thông tư của Bộ Tài chính).

Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Trong 11 tháng đã qua của năm 2023, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ cho DN, người dân với tổng giá trị dự kiến là khoảng 196 nghìn tỷ đồng, trong đó: Số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; Số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng.

Hội nghị thu hút trên 700 DN tham dự đã cho thấy chính sách tài chính, thuế, hải quan luôn dành được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng DN

Như vậy, trong thời gian qua nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế. Đặc biệt, các chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10%, giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu và giảm thuế BVMT đối với mặt hàng xăng, dầu nêu trên đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.

Đặt trong bối cảnh nguồn thu NSNN bị ảnh hưởng lớn, trong khi đó NSNN vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội…, tạo ra thách thức lớn với cân đối NSNN thì việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên càng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ DN, người dân.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023 nhưng nhờ sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN, doanh nhân và sự triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, kết quả thu NSNN đã đạt những kết quả tích cực. Việc ban hành và thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất nêu trên cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng DN, người dân; góp phần hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực chung về phát triển kinh tế – xã hội. Thu ngân sách đến ngày 12/12/2023, tổng thu NSNN đã đạt 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 97,5% dự toán. Hoàn thuế 132.717 tỷ đồng.

“Những kết quả tích cực đạt được, có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN đã nỗ lực cùng quyết tâm cao để hưởng ứng, thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Bộ Tài chính xin trân trọng cảm ơn những đóng góp, nỗ lực của cộng đồng DN về những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội cũng như kết quả thực hiện nhiệm vụ thu NSNN nói riêng.” – Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan trực tiếp giải đáp các vướng mắc của DN và kiến nghị của bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, mặc dù các chính sách hỗ trợ trên đã tạo áp lực lên nhiệm vụ thu ngân sách do ngành Thuế quản lý, nhưng toàn ngành xác định đây vừa là giải pháp cần thiết thể hiện tính nhân văn, vừa thực hiện chiến lược nuôi dưỡng nguồn thu cho NSNN. Bộ Tài chính đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt toàn ngành khẩn trương tổ chức thực hiện để từ đó hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng DN và người dân có thêm nguồn lực vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần đẩy nhanh tốc độ phục hồi nền kinh tế và đóng góp ngược trở lại vào NSNN.

Theo Thứ trưởng, với truyền thống luôn đồng hành, hỗ trợ DN, người dân trong suốt những năm đã qua, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về gia hạn các khoản thuế.

Đồng thời, xác định đây là các giải pháp cấp bách, căn cơ để hỗ trợ DN, người dân, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về chính sách tài chính, trong đó có chính sách thuế và hải quan trong năm 2024. Điển hình như mới đây, Bộ Tài chính đã tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội quyết nghị tiếp tục cho giảm 2% thuế GTGT đối với một số nhóm mặt hàng.

“Đặt trong bối cảnh nguồn thu NSNN bị ảnh hưởng lớn, trong khi đó vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh… thì việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ về chính sách tài chính càng thể hiện sự quyết tâm của Bộ Tài chính luôn đồng hành, hỗ trợ DN, người dân vì sự phát triển, phồn vinh của đất nước và của cộng đồng DN và nhân dân.” – Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh.

Tại hội nghị, dưới sự chủ trì điều hành của Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, đã có 38 DN gửi phiếu hỏi, với tổng 69 nội dung hỏi về các vướng mắc của DN liên quan đến lĩnh vực thuế và hải quan đã được Lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trực tiếp trả lời tại hội nghị. Đối với một số nội dung có liên quan đến lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành khác hoặc có liên quan đến các điều ước quốc tế trong hoạt động thương mại quốc tế, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, Bộ Tài chính ghi nhận và sẽ chỉ đạo các đơn vị chủ trì tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phối hợp trả lời vướng mắc của DN.

Quang cảnh hội nghị đối thoại tại TP Hồ Chí Minh

Có thể khẳng định, các chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của DN. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua với mục tiêu “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, vì vậy những hội nghị đối thoại đã được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị luôn quan tâm tổ chức thực hiện để từ đó có những giải pháp kịp thời hỗ trợ tích cực cộng đồng DN và xem đây là một phần quan trọng trong việc đưa chính sách vào cuộc sống.

Với các quy định mới trong lĩnh vực thuế và hải quan được tóm lược, trao đổi tại hội nghị đối thoại, các DN có điều kiện lắng nghe trực tiếp và cụ thể hơn, cũng như có trao đổi để hiểu sâu hơn, giúp cho DN mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Ngoài những câu hỏi, những vấn đề đã được đề cập nêu tại hội nghị, Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, nếu DN còn có vấn đề chưa được rõ các DN có thể trực tiếp hoặc thông qua Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoặc từ các Hiệp hội DN tập hợp và gửi đến Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để được giải đáp kịp thời