Các yếu tố tác động đến năng suất lao động theo ngành tại Việt Nam giai đoạn 2005-2021

Các yếu tố tác động đến năng suất lao động theo ngành tại Việt Nam giai đoạn 2005-2021

Nghiên cứu tìm hiểu các yếu tố tác động đến năng suất lao động theo ngành tại Việt Nam. Sử dụng phương pháp thống kê mô tả mẫu, phân tích hồi quy đa biến, nguồn dữ liệu thứ cấp lấy từ Tổng cục Thống kê, gồm có 306 quan sát, kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố tác động cùng chiều đến năng suất lao động theo ngành tại Việt Nam gồm: Tiền lương, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo ngành, vốn đầu tư nước ngoài theo ngành và sự thay đổi trong tăng trưởng ngành, riêng lao động theo ngành có tác động ngược chiều đến năng suất lao động.

Đặt vấn đề

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động xã hội của nền kinh tế nước ta năm 2021 ước đạt 171,3 triệu đồng/lao động/năm (tương đương khoảng 7.398 USD/lao động/năm). Mặc dù, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã tăng đều qua các năm (năm 2021 tăng 4,71% so với năm 2020) nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực ASEAN.

Năng suất lao động của một quốc gia không phản ánh hoàn toàn chính xác mức độ và khả năng làm việc của người lao động tại quốc gia đó. Việc năng suất lao động của Singapore cao hơn Việt Nam 15 lần không có nghĩa là một người lao động Singapore làm được bằng 15 người Việt Nam. Điều này xuất phát từ thực tế đo lường năng suất lao động dựa trên giá trị sản phẩm, GDP ròng hay giá trị gia tăng tạo ra.

Theo cách tính này thì năng suất lao động tỷ lệ thuận với tổng GDP của cả nền kinh tế và tỷ lệ nghịch với tổng số giờ/người lao động trong cả nền kinh tế để tạo ra từng đó GDP. Điều này dẫn tới việc các nước có mức sống, giá cả và GDP lớn hơn thì thường có chỉ số năng suất lao động cao hơn.

Cơ sở lý thuyết và giả thuyết nghiên cứu

Cơ sở lý thuyết

Năng suất thường được định nghĩa là một tỷ lệ của thước đo khối lượng đầu ra cho một biện pháp đầu vào sử dụng và được đặt trong mối liên hệ với các biến số vĩ mô khác (theo góc độ năng suất quốc gia) hoặc với các biến số vi mô trong doanh nghiệp (theo góc độ năng suất của doanh nghiệp). Năng suất bao gồm nhiều yếu tố trong đó có: năng suất vốn, năng suất lao động (OECD, 2001).

Năng suất được tiếp cận ở 2 góc độ của quốc gia và của doanh nghiệp. Ở cả 2 góc độ, năng suất nói chung được hiểu là tỷ lệ giữa kết quả đầu ra với khối lượng nguồn lực đầu vào (OECD, 2008). Vì lao động là một yếu tố đầu vào quan trọng nên năng suất lao động là một thuật ngữ hàm ý mức độ hiệu quả của việc sử dụng lao động, theo đó năng suất lao động là tỷ lệ kết quả đầu ra so với số lượng lao động đầu vào trong một khoảng thời gian cụ thể (OECD, 2002).

Thu nhập của người lao động (Papadogonas và Voulgaris, 2005). Các yếu tố vốn, năng lực của người lao động, thu nhập của người lao động, loại hình doanh nghiệp, khả năng xuất khẩu, trình độ công nghệ, đặc điểm khu vực địa lý, kinh nghiệm thị trường của doanh nghiệp, đặc điểm ngành, vốn đầu tư (Datta và ctg, 2005). Tiền lương thỏa đáng sẽ là động lực để người lao động làm việc hiệu quả và đạt năng suất lao động cao (Trần Xuân Cầu và Mai Quốc Chánh, 2008)