15 Th6 Cần lời giải bài toán thực thi ‘Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu’
Đó là mong muốn của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh trong bối cảnh đơn vị này đang rất cần ý kiến góp ý từ các hiệp hội, doanh nghiệp để có giải pháp vừa thực thi “Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu” theo đúng cam kết, vừa đảm bảo quyền lợi bền vững của Nhà nước và nhà đầu tư.
Để làm rõ hơn các thông tin liên quan tới “Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu” và tại sao Việt Nam lại tham gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh – một trong những thành viên của Việt Nam trực tiếp tham gia đàm phán Hiệp định BEPS đã có cuộc trao đổi về những nội dung trên.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh.
PV. Xin ông cho biết những nét tổng quan về nội dung và mục đích thoả thuận “Thuế tối thiểu toàn cầu” hướng tới? Tại sao Việt Nam lại tham gia thoả thuận này?
Ông Đặng Ngọc Minh: Thoả thuận “Thuế tối thiểu toàn cầu” nằm trong không khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Việt Nam tham gia BEPS từ năm 2017, đến nay BEPS đã có hơn 140 quốc gia tham gia.
BEPS là hiệp định đa phương nhằm giúp các quốc gia thu hẹp lỗ hổng quản lý thuế quốc tế, giúp ngăn chặn tình trạng lợi nhuận của các công ty đa quốc gia được chuyển đến những vũng lãnh thổ có thuế suất thấp, miễn thuế trong khi thực tế những nơi này có ít hoặc không có các hoạt động kinh tế thực chất. Việc triển khai thực hiện nhanh chóng chương trình hành động BEPS của các nước sẽ đảm bảo môi trường quốc tế bền vững hơn vì lợi ích của tất cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.
BEPS gồm 15 chương trình hành động lớn nhưng Việt Nam chỉ tham gia ở một số cam kết tối thiểu, phù hợp với các nước đang phát triển như: Minh bạch hoá xử lý tranh chấp thuế; trao đổi, chia sẻ thông tin và trong thời gian tới có thể mở rộng đối với thuế giá trị gia tăng, thuế doanh thu, không chỉ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Trụ cột thứ 2 của BEPS là “Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu” đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên và ước tính tạo ra khoảng trên 150 tỷ USD thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu hằng năm.
Quy định này là một hệ thống phối hợp về thuế nhằm đảm bảo các công ty đa quốc gia lớn phải trả mức thuế tối thiểu đối với thu nhập phát sinh tại mỗi khu vực pháp lý mà họ hoạt động, chống tình trạng chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế, chống cạnh tranh đầu tư quốc tế bằng biện pháp đua nhau hạ thuế suất cho đến 0% để thu hút đầu tư.
Quy tắc này cho phép các quốc gia được điều chỉnh thuế tối thiểu ở mức 15%. Các doanh nghiệp phải kê khai hoạt động đầu tư quốc tế, nếu mức thuế áp dụng tại các quốc gia mà họ đến đầu tư thấp hơn 15% thì nộp số thuế thiếu về nước đầu tư nơi đóng trụ sở chính, chủ yếu là các nước phát triển xuất khẩu vốn. Điều này giúp vô hiệu hoá chính sách ưu đãi của các “thiên đường thuế”.
Quy tác này được lường trước sẽ ảnh hưởng lớn tới cả các nước đang phát triển, thu hút đầu tư như Việt Nam. Tuy nhiên, việc chủ động tham gia BEPS cũng cho phép chúng ta thu thuế tối thiểu của các doanh nghiệp lớn đầu tư ra nước ngoài; mặt khác, ngay cả khi Việt Nam không tham gia thoả thuận thì các nước phát triển, có các tập đoàn đa quốc gia lớn đang đầu tư tại Việt Nam vẫn có quyền đánh thuế tại đó để đảm bảo tuân thủ “Quy tắc Thuế tối thiểu” 15%. Vì vậy, việc Việt Nam có tham gia BEPS hay không thì vẫn chịu tác động từ hiệp định này.
Vần đề đặt ra ở thời điểm hiện tại là Việt Nam cần có những hành động gì để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư và nhà nước lâu dài, bền vững? Từ góc độ cơ quan xây dựng và thực thi chính sách, chúng tôi đang rất cần những tiếng nói góp ý từ phía các hiệp hội, các nhà đầu tư – đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ BEPS.
PV. Có thông tin thoả thuận “Thuế tối thiểu toàn cầu” sẽ có hiệu lực vào ngay đầu năm 2023, như vậy thời gian rất gấp. Ngay từ đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu và đưa đề xuất liên quan tới vấn đề này. Tiến trình hiện đang đến đâu thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Minh: Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia ký 83 hiệp định song phương về tránh đánh thuế 2 lần. Vì vậy, việc Việt Nam tham gia hiệp định đa phương BEPS khiến chúng ta phải sửa đổi cả 83 hiệp định song phương để phù hợp với hiệp định mới.
Tháng 2/2022, Đại sứ Việt Nam đã được Chủ tịch nước uỷ quyền ký nghị định thư gia nhập BEPS và đang làm trình tự để phê duyệt. Tới đây, Việt Nam sẽ tham gia hiệp định về minh bạch, trao đổi thông tin.
Riêng với trụ cột 2 là “Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu” hiện chưa xác định được thời gian cụ thể bắt đầu thực thi. Quan điểm của Bộ Tài chính là ở thời điểm hiện tại, Việt Nam cần có tiếng nói để bảo lưu quyền của các nước đang phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài hỗ trợ tăng trưởng kinh tế qua một điều khoản chuyển tiếp.
Có thể hiểu rằng, trụ cột 2 nhằm giúp các quốc gia thu hẹp lỗ hổng quản lý thuế quốc tế, giúp ngăn chặn tình trạng lợi nhuận của các công ty đa quốc gia được chuyển đến những vũng lãnh thổ có thuế suất thấp, miễn thuế trong khi thực tế những nơi này có ít hoặc không có các hoạt động kinh tế thực chất, còn chúng ta dùng các ưu đãi thuế để thu hút các tập đoàn đa quốc để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước, đóng góp GDP nên không thể áp dụng tương tự như các “thiên đường thuế”.
Việt Nam và các nước đang phát triển – cùng chung hoàn cảnh có thể yêu cầu một điều khoản chuyển tiếp, giãn khoảng thời gian quy tắc có hiệu lực thêm 2-3 năm; song song với đó là các đàm phán song phương giữa Việt Nam và một số quốc gia có hợp tác chiến lược. Giải pháp này được cho là có tính khả thi cao.
Cùng với đó, chúng ta đang chuẩn bị sửa đổi quy định về thuế TNDN. Trong thời gian này cần bàn tới sửa thuế TNDN với các doanh nghiệp FDI, làm sao để phù hợp với các hiệp định hiện hành và có tính bền vững.
Theo đó, để phù hợp với “Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu”, chúng ta có thể nâng mức thuế với các doanh nghiệp FDI lên mức 15%. Tuy nhiên, đi cùng với đó, để đảm bảo môi trường đầu tư cạnh tranh, đủ để tiếp tục thu hút các dự án lớn, công nghệ cao, hỗ trợ các đối tác mở rộng sản xuất, cũng cần có các ưu đãi khác thay vì ưu đãi thuế như trước đây nhưng không vi phạm các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Đây cũng là vấn đề khó mà Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tìm giải pháp