30 Th11 Cắt giảm mạnh thuế suất hàng loạt mặt hàng từ 2018
Theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kèm theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP (125) sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016/NĐ-CP (122) vừa mới ban hành, từ 1/1/2018 sẽ có 151 dòng thuế được sửa đổi thuế nhập khẩu do chuyển đổi danh mục, 17 nhóm mặt hàng có sự thay đổi về mô tả hàng hoá.
Linh kiện ô tô nhập khẩu là một trong những mặt hàng sẽ được ưu đãi thuế giai đoạn 2018 – 2020. Ảnh: T.K
Nghị định cũng sửa đổi thuế nhập khẩu, tiêu chí kỹ thuật của 33 nhóm mặt hàng; Chính phủ bổ sung thêm 6 nhóm mặt hàng vào danh mục.
Thêm 1.255 dòng thuế vào biểu thuế nhập khẩu ưu đãi
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Thanh Hằng, mới đây, Chính phủ đã ký Nghị định số 125 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Việc sửa đổi này nhằm: Thống nhất với danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC (65) để thực hiện cam kết trong nội khối ASEAN; đồng thời giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp phát sinh trong thời gian từ 1/9/2016 đến nay. Hơn nữa, việc sửa đổi, bổ sung cũng để hạn chế tác động của việc xóa bỏ thuế nhập khẩu theo cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ASEAN.
Qua thống kê cho thấy, Nghị định số 125 đã thay thế 4 phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 122 để thống nhất với danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam gồm: Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế; Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp đối với mặt hàng xe ôtô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe), đã qua sử dụng; Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan. Theo đó, danh mục Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi kèm theo Nghị định số 125 tăng 1.255 dòng thuế so với danh mục Biểu thuế nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 122.
Nghị định 125 cũng bổ sung nguyên tắc kê khai tên hàng và mã hàng đối với các mặt hàng thuộc nhóm có số thứ tự 211 “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” tại Biểu thuế xuất khẩu khi làm thủ tục hải quan và bổ sung 2 điều kiện xác định mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng có số thứ tự 211. Theo bà Hằng, Nghị định 125 cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết về việc thực hiện thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan chung và hạn ngạch thuế quan riêng theo các FTA.
Ưu đãi thuế đối với nhập khẩu linh kiện ô tô
Điểm đặc biệt trong Nghị định 125 mới ban hành là bổ sung quy định về Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô giai đoạn 2018 – 2022. Việc bổ sung này nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng của Chính phủ. Cụ thể tại Nghị định số 125 đã bổ sung Điều 7a quy định về thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo chương trình ưu đãi thuế. Theo đó, đối tượng áp dụng chương trình ưu đãi thuế là doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định tại Nghị định số 116/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Điều kiện áp dụng chương trình ưu đãi thuế gồm: Doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021) và mức 5 (từ năm 2022 trở đi) và đạt đủ sản lượng quy định (tại Điểm b.12 Khoản 3.2 Mục I Chương 98 của Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 125); linh kiện nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất 0% phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.
Tại Điều 7a cũng quy định cụ thể về hồ sơ và thủ tục thực hiện chương trình ưu đãi thuế. Theo đó, tại thời điểm nhập khẩu doanh nghiệp vẫn phải kê khai, nộp thuế theo mức thuế suất thuế nhập khẩu thông thường hoặc mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định hiện hành, chưa áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% của nhóm 98.49. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị được áp dụng mức thuế suất 0% của nhóm 98.49 theo 6 tháng/lần (Chậm nhất sau 60 ngày kể từ ngày 30/6 hoặc ngày 31/12 hàng năm) để cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra và xử lý. Nếu doanh nghiệp đáp ứng điều kiện của chương trình ưu đãi thuế thì được xử lý tiền thuế nhập khẩu đã nộp thừa theo quy định.
Ngoài ra, cũng theo đại diện Vụ Chính sách thuế, so với Nghị định 122, Nghị định 125 cũng quy định tăng mức thuế nhập khẩu đối với xe đã qua sử dụng phù hợp với mức cam kết WTO đối với xe ô tô chở người dưới 16 chỗ, giữ nguyên thuế suất đối với xe ô tô chở người từ 16 chỗ trở lên và xe ô tô tải đã qua sử dụng. Cụ thể tại Phụ lục III Nghị định số 125 quy định, mức thuế tuyệt đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh không quá 1.000cc. Mức thuế hỗn hợp đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) có dung tích xi lanh trên 1.000cc thuộc nhóm 87.03 và xe ô tô chở người từ 10 đến 15 chỗ ngồi (kể cả lái xe) thuộc nhóm 87.02 trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Bổ sung 149 dòng thuế với mức thuế suất thông thường 5%
Bên cạnh đó, đại diện Vụ Chính sách thuế cũng cho biết, Nghị định 125 lần này sửa đổi thuế xuất khẩu, mô tả hàng hóa, tiêu chí kỹ thuật của 9 nhóm mặt hàng (như nhôm ở dạng thanh, que, hình; gỗ; thanh đồng; xỉ…). Cụ thể, nghị định sửa đổi thuế nhập khẩu của 151 dòng thuế và 17 nhóm mặt hàng có sự thay đổi về mô tả hàng hoá; đồng thời sửa đổi thuế nhập khẩu, tiêu chí kỹ thuật của 33 nhóm mặt hàng (như mặt hàng than, ethanol nhiên liệu (E100), clinker, xi măng, sắt thép…). Ngoài ra, trong danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu bổ sung thêm 6 nhóm vào Chương 98 (ví dụ: set top boxes, thuốc trị mụn trứng cá, kính quang học chưa được gia công về mặt quan học…) với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, cùng với thời điểm Nghị định 125 được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu để thống nhất trong thực hiện Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017, theo cam kết trong nội khối ASEAN.
Theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 5 Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định: “Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu không thuộc các trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b khoản này. Thuế suất thông thường được quy định bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng. Trường hợp mức thuế suất ưu đãi bằng 0%, Thủ tướng Chính phủ căn cứ quy định tại Điều 10 của Luật này để quyết định việc áp dụng mức thuế suất thông thường”.
Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg quy định mức thuế suất 5% đối với 3.133 dòng hàng hiện đang được quy định mức thuế suất MFN là 0% tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định số 122.
Sau khi chuyển đổi danh mục Biểu thuế nhập khẩu ban hành theo Nghị định số 125 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122 thì số dòng thuế có mức thuế bằng 0% tăng từ 3.133 dòng lên 3.282 dòng (tăng 149 dòng thuế), do vậy sẽ phải bổ sung 149 dòng thuế này với mức thuế suất thông thường 5% tại Phụ lục quy định thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg.
Nghị định 125 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Riêng nội dung của chương trình ưu đãi thuế quy định tại Điều 7a của Nghị định được thực hiện ngay từ ngày 16/11/2017 đến ngày 31/12/2022.
Đức Minh
TBTC