27 Th6 Chính sách thuế đối với quỹ đầu tư đang tồn tại nhiều bất cập
Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng khá với chỉ số VN Index đạt đỉnh cao nhất trong 9 năm qua, khi vượt ngưỡng kháng cự mạnh 760 điểm thành công (đạt 760,77 điểm tại phiên giao dịch ngày 14/6/2017).
Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu ở hai sàn Hà Nội và TP HCM tăng cao, đạt 5.562 tỷ đồng trong tháng 5/2017. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu tại thời điểm 31/5/2017 đạt 1.965.097 tỷ đồng. Những con số trên cho thấy, TTCK Việt Nam sau 17 năm hoạt động (7/2000 – 7/2017) đã và đang đóng vai trò quan trọng trong huy động vốn để phát triển kinh tế.
Cùng với sự phát triển của TTCK, nhiều loại hình tổ chức kinh doanh chứng khoán mới trên TTCK Việt Nam đã xuất hiện, trong đó có các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) và quỹ đầu tư cũng lần lượt ra đời. Số lượng các CTQLQ đã liên tục phát triển nhanh, từ chỗ chỉ có 01 đơn vị (năm 2003) lên 45 CTQLQ tính đến cuối tháng 5/2017. Cùng với đó, số lượng các quỹ đầu tư cũng tăng lên nhanh chóng qua từng năm. Nếu tính đến năm 2012, chỉ có 17 quỹ đầu tư với 2 loại hình quỹ đóng và quỹ thành viên, thì tính đến tháng 5/2017 đã tăng lên 30 quỹ đầu tư (tăng gần 80% so với năm 2012). Trong đó, nhiều loại hình quỹ đầu tư mới xuất hiện như quỹ mở, quỹ hoán đổi danh mục (ETF), quỹ đầu tư bất động sản (REIT)… với tổng giá trị tài sản quản lý lên tới hơn 6.000 tỷ đồng.
Nếu so với 17 năm hoạt động, của TTCK Việt Nam, thì sự tăng trưởng của ngành quản lý quỹ nói chung và quỹ đầu tư nói riêng là khá ổn định. Nhưng nếu so với tiềm năng phát triển cũng như nhu cầu của thị trường và đòi hỏi của nhà đầu tư, thì những con số trên còn quá khiêm tốn và nhỏ bé. Chưa kể hiện nay, chỉ có vài quỹ đầu tư trong nước đang hoạt động, nhưng thời hạn hoạt động cũng sắp kết thúc. Lý giải vấn đề này, có quan điểm cho rằng, nguyên nhân chính là do điều kiện thị trường tài chính thế giới chưa thuận lợi, dẫn đến tâm lý cẩn trọng của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc lựa chọn kênh đầu tư an toàn hơn chứng khoán để rót vốn. Tuy nhiên, nếu nhìn thẳng vào thực tế nội tại hoạt động của TTCK Việt Nam, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam còn quá nhỏ bé, chỉ bằng 1/10 so với TTCK Thái Lan và bằng 1/20 TTCK Singapore. Bên cạnh đó, hàng hóa trên thị trường còn sơ sài, chưa đa dạng, chủ yếu là cổ phiếu, trái phiếu và một vài mã chứng chỉ quỹ; thanh khoản của thị trường còn yếu và tính minh bạch chưa cao. Đặc biệt, một nguyên nhân quan trọng khiến cho các quỹ đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, là do chính sách thuế đối với quỹ đầu tư hiện đang tồn tại nhiều bất cập.
Đáng kể nhất hiện nay là, chưa có chính sách ưu đãi thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư như REIT, ETF, quỹ hưu trí tự nguyện… Cụ thể, đối với REIT, nếu được tổ chức dưới hình thức công ty, đầu tư chứng khoán bất động sản thì chưa có quy định về việc lợi nhuận chia cho các nhà đầu tư được trừ khỏi thu nhập tính thuế của quỹ. Mặt khác, nhà đầu tư khi chuyển nhượng bất động sản dưới hình thức góp vốn đều phải nộp thuế thu nhập (2% trên giá trị đối với cá nhân hoặc 20% phần lợi nhuận đối với tổ chức). Trong khi trên thế giới, đa số các nước áp dụng nguyên tắc thuế “thông qua” (flow through), trong đó REIT không phải chịu thuế thu nhập và chỉ áp dụng thuế đối với các nhà đầu tư khi được chi trả lợi tức.
Cạnh đó, mức thuế đối với nhà đầu tư thông qua quỹ đầu tư hiện đang cao hơn rất nhiều so với các hình thức đầu tư chứng khoán trực tiếp trên TTCK.Trong giai đoạn từ năm 2013 trở về trước, CTQLQ phải nộp thuế TNDN với thuế suất 25%; từ ngày 1/1/2014 là 22%; từ ngày 1/1/2016 đến nay là 20% và tiếp tục khấu trừ 5% thuế TNCN trước khi chi trả lợi tức cho nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào quỹ đầu tư chứng khoán. Trong khi Luật Thuế TNCN hiện hành cho phép nhà đầu tư được chọn một trong hai mức thuế suất là 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng hoặc 20% trên lợi nhuận. Như vậy, cùng một hình thức đầu tư vào chứng khoán, nhưng nếu trực tiếp đầu tư thì mức thuế suất cao nhất là 20%, còn đầu tư thông qua quỹ thì mức thuế suất tổng cộng lên tới 30%. So với nhiều TTCK phát triển thì mức thuế này còn khá cao và là một tác nhân làm cho các quỹ khó huy động vốn. Ngoài ra, hiện nay nhà đầu tư vẫn phải nộp thuế 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng hoặc 20% trên lợi nhuận, kể cả bị thua lỗ. Điều này làm hạn chế động lực đầu tư vào các quỹ và về lâu dài có thể gây trở ngại cho quá trình tái cấu trúc TTCK.
Thêm một bất cập nữa là, thuế đánh trên lãi vốn vẫn ở mức khá cao 20% đối với nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân khi tham gia các quỹ đầu tư tại Việt Nam, trong khi một số TTCK như Trung Quốc, Ấn Độ có tỷ lệ hoàn vốn thấp hơn nhiều. Đây là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến tỷ lệ hoàn vốn cho nhà đầu tư tại Việt Nam và là điều mà các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại khi cân nhắc lựa chọn đầu tư vào các quỹ đầu tư tại Việt Nam.
Thông lệ quốc tế cho thấy, hầu hết các nước phát triển thường ưu đãi về thuế cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào quỹ đầu tư, so với đầu tư trực tiếp vào chứng khoán nhằm khuyến khích các quỹ đầu tư phát triển, nhất là đối với các quỹ đầu tư nội địa. Theo đó, các quốc gia đều áp dụng chính sách ưu đãi hay miễn thuế đối với các loại chứng chỉ quỹ của các loại hình quỹ mới như ETF, REIT… Tương ứng, để thu hút được ngày càng nhiều các nhà đầu tư tham gia vào các quỹ đầu tư tại Việt Nam, cần có cơ chế khuyến khích, trong đó thuế là một công cụ quan trọng. Cụ thể trong trung hạn, cần có chính sách ưu đãi về thuế cho các loại hình quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư trong nước và các loại hình quỹ mới như quỹ mở, ETF, REIT và sắp tới là quỹ hưu trí tự nguyện. Về dài hạn, cần đưa chứng khoán vào nhóm ngành nhận được ưu đãi về thuế, phí, đào tạo nguồn nhân lực… như các ngành công nghiệp mũi nhọn.
ThS Dương Thanh Hải
Tapchithue