02 Th11 Đề cương giới thiệu Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Ngày 20 tháng 6 năm 2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật 10/2017/QH14 về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2018.
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh số 07/2017/L-CTN ngày 03/7/2017 công bố Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC
Ngày 18/6/2009, tại Kỳ họp thứ 05, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN), có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010. Đây là lần đầu tiên trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định trong một đạo luật. Luật TNBTCNN năm 2009 đã thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng được đề ra tại Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992 cũng như phù hợp, đồng bộ với các đạo luật cơ bản vào thời điểm đó như Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996…
Sau hơn 06 năm thi hành, Luật TNBTCNN năm 2009 đã thực sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng để cá nhân, tổ chức bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng cũng như chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến nay đã có nhiều thay đổi về yêu cầu bảo đảm, bảo vệ quyền con người, về tình hình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế cũng như sự phát triển của hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính trên đất nước ta. Thực tế đó đã làm cho Luật TNBTCNN năm 2009 bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, trở thành rào cản khi người dân thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình đồng thời cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác bồi thường Nhà nước. Cụ thể:
– Luật TNBTCNN năm 2009 quy định người bị thiệt hại chỉ được yêu cầu Nhà nước bồi thường khi có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ đã làm hạn chế quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại.
– Luật TNBTCNN năm 2009 vẫn còn thu hẹp và chưa bao gồm hết các hành vi quản lý của bộ máy nhà nước mà trên thực tế hiện nay những hoạt động này gây ra nhiều thiệt hại cho người dân. Do đó, cần mở rộng phạm vi bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính bao gồm cả những lĩnh vực này.
– Luật TNBTCNN năm 2009 quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong quá trình quản lý hành chính là 02 năm, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật là khác biệt so với quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự nên có thể dẫn đến sự hiểu lầm của người bị thiệt hại.
– Luật TNBTCNN năm 2009 quy định cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường dẫn đến việc không khách quan trong quá trình giải quyết bồi thường của các cơ quan nhà nước đồng thời có rất nhiều cơ quan giải quyết bồi thường (từ cấp xã đến cấp trung ương) dẫn tới: việc giải quyết bồi thường không thống nhất, khó bố trí nguồn nhân lực và các điều kiện khác để triển khai thi hành Luật TNBTCNN một cách hiệu quả, chuyên nghiệp.
– Luật TNBTCNN năm 2009 quy định về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường chưa chặt chẽ, đầy đủ, thủ tục hành chính còn rườm rà, thời hạn giải quyết cũng chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện cho người bị thiệt hại cũng như cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Một nội dung cần quy định trong trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường cũng chưa được quy định đó là hoãn, đình chỉ giải quyết bồi thường đồng thời cũng chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong việc thực hiện xin lỗi, cải chính công khai.
Do những hạn chế, bất cập nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật này là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tế đối với các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC
Bố cục của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước gồm 78 điều, chia thành 9 chương, cụ thể:
– Chương I: quy định chung (16 điều);
– Chương II: quy định phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước (5 điều);
– Chương III: quy định thiệt hại được bồi thường trách nhiệm trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (11 điều);
– Chương IV: quy định cơ quan giải quyết bồi thường (8 điều);
– Chương V: quy định thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường (19 điều);
+ Mục I: quy định giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại (11 điều);
+ Mục II: quy định giải quyết vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường, giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại tòa án (4 điều);
+ Mục III: quy định phục hồi danh dự (4 điều);
– Chương VI: quy định kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả (4 điều);
– Chương VII: quy định trách nhiệm hoàn trả (9 điều);
– Chương VIII: quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước (3 điều);
– Chương IX: điều khoản thi hành (3 điều).
2. Nội dung chủ yếu của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
2.1.Chương I. Những quy định chung (gồm 16 điều, từ điều 1 đến điều 16)
a) Về phạm vi điều chỉnh: phạm vi điều chỉnh của Luật gồm trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.
b) Về đối tượng được bồi thường gồm: cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật này.
c) Nguyên tắc bồi thường của Nhà nước
– Nguyên tắc 1: việc bồi thường của Nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật này.
– Nguyên tắc 2: việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này.
– Nguyên tắc 3: người yêu cầu bồi thường đã yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng giải quyết yêu cầu bồi thường và đã được cơ quan đó thụ lý giải quyết thì không được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường trước khi cơ quan giải quyết bồi thường tiến hành xác minh thiệt hại hoặc trong thời hạn quy định, người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường hoặc cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không ra quyết định giải quyết bồi thường hoặc kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng không thành thì người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường.
– Nguyên tắc 4: Nhà nước giải quyết yêu cầu bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự theo quy định của Luật này.
– Nguyên tắc 5: trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại.
d) Về thời hiệu yêu cầu bồi thường: thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp người yêu cầu bồi thường khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường mà người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định đó hoặc kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng thành mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không ra quyết định giải quyết bồi thường hoặc kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng không thành và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự. Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.
e) Về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau:
– Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại Luật này;
– Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
– Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
f) Về văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường: Chương này quy định cụ thể các văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, bao gồm:
– Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính;
– Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự;
– Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính;
– Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự;
– Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự.
2.2 Chương II quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (gồm 5 điều từ Điều 17 đến Điều 21)
Chương này quy định cụ thể các nhóm hành vi công vụ thuộc phạm vi được Nhà nước bồi thường, bao gồm:
a) Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính (14 trường hợp);
b) Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự (10 trường hợp);
c) Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (6 trường hợp);
d) Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án hình sự (3 trường hợp);
e) Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự (2 trường hợp).
2.3. Chương III quy định về thiệt hại được bồi thường (gồm 11 điều từ Điều 22 đến Điều 32)
a) Quy định cụ thể các loại thiệt hại được bồi thường gồm:
+ Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm;
+ Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
+ Thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết;
+ Thiệt hại về tinh thần;
+ Các chi phí khác được bồi thường;
Ngoài ra Chương này còn quy định về việc khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp khác đối với người bị thiệt hại như: khôi phục chức vụ, khôi phục quyền học tập, khôi phục tư cách thành viên của tổ chức và việc trả lại tài sản cũng như phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại.
b) Quy định cụ thể các thiệt hại Nhà nước không bồi thường gồm:
+ Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại;
+ Thiệt hại xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép;
+ Thiệt hại xảy ra trong hoàn cảnh người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
+ Thiệt hại xảy ra trong trường hợp người bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự;
+ Thiệt hại xảy ra do người bị thiệt hại khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm;
+ Thiệt hại xảy ra do người có hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu rõ ràng cấu thành tội phạm, bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố;
+ Thiệt hại xảy ra do người bị khởi tố, truy tố, xét xử đúng với các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử nhưng tại thời điểm ra bản án, quyết định thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực sau ngày khởi tố, truy tố, xét xử;
+ Trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, Nhà nước không bồi thường thiệt hại xảy ra khi người thi hành công vụ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đúng yêu cầu của người yêu cầu mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba. Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
+ Trong hoạt động thi hành án dân sự, Nhà nước không bồi thường thiệt hại xảy ra khi người thi hành công vụ áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo đúng yêu cầu của đương sự mà gây thiệt hại. Người yêu cầu chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
2.4. Chương IV quy định về cơ quan giải quyết bồi thường (gồm 8 điều từ Điều 33 đến Điều 40)
– Chương này quy định cụ thể các cơ quan giải quyết bồi thường gồm:
+ Cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính;
+ Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự;
+ Viện kiểm sát giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự;
+ Tòa án giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự;
+ Tòa án giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính;
+ Cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự;
+ Cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự;
Ngoài ra, Chương này cũng quy định việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong một số trường hợp cụ thể như: trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường đã được chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị giải thể, trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan cùng gây thiệt hại, trường hợp tại thời điểm thụ lý yêu cầu bồi thường mà người thi hành công vụ gây thiệt hại không còn làm việc tại cơ quan quản lý người đó tại thời điểm gây thiệt hại, trường hợp có sự ủy quyền hoặc ủy thác thực hiện công vụ.
2.5. Chương V quy định về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường (gồm 19 điều từ Điều 41 đến Điều 59)
Chương này quy định chi tiết thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại các cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường gồm:
+ Giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;
+ Giải quyết vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường, giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại tòa án.
Ngoài ra, Chương này cũng quy định chi tiết về thủ tục phục hồi danh dự đối với người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự bao gồm: trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai tại nơi cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc tại nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại và đăng báo xin lỗi và cải chính công khai đồng thời phục hồi danh dự đối với cá nhân là người bị thiệt hại trong trường hợp bị buộc thôi việc trái pháp luật, bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện bằng hình thức đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.
2.6. Chương VI quy định về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả (gồm 4 điều từ Điều 60 đến Điều 63)
Chương này quy định chi tiết về kinh phí Ngân sách nhà nước để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bao gồm: loại kinh phí bồi thường, dự toán kinh phí bồi thường, thủ tục cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường.
2.7. Chương VII quy định về trách nhiệm hoàn trả (gồm 9 điều từ Điều 64 đến Điều 72)
Chương này quy định cụ thể nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ bao gồm: xác định mức hoàn trả, thẩm quyền, thủ tục xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ, ban hành quyết định hoàn trả, thực hiện việc hoàn trả.
Ngoài ra, Chương này cũng quy định trách nhiệm hoàn trả trong một số trường hợp cụ thể, gồm:
+ Trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường không còn là căn cứ yêu cầu bồi thường;
+ Trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ chuyển sang cơ quan, tổ chức khác;
+ Trách nhiệm thu tiền hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ hưu, nghỉ việc;
+ Trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết.
2.8. Chương VIII quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước (gồm 3 điều từ Điều 73 đến Điều 75)
Chương này quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước bao gồm:
+ Trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước;
+ Trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
+ Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
2.9. Chương IV quy định về điều khoản thi hành (gồm 3 điều từ Điều 76 đến Điều 78)
– Chương này quy định cơ quan giải quyết bồi thường không thu các khoản án phí, lệ phí và các loại phí khác đối với nội dung yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này đồng thời người bị thiệt hại không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số tiền bồi thường được nhận.
– Các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 35/2009/QH12 để giải quyết.
– Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, các trường hợp được bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 35/2009/QH12 mà còn thời hiệu theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 35/2009/QH12 nhưng chưa yêu cầu Nhà nước bồi thường hoặc đã yêu cầu nhưng chưa được thụ lý giải quyết thì áp dụng quy định của Luật này để giải quyết.
– Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2018./.
Vụ Pháp Chế- TCT