27 Th11 Đoạn trường… tìm doanh nghiệp của cán bộ thuế các tỉnh miền núi
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)
Đi vài trăm cây số tìm doanh nghiệp nợ thuế nhưng có khi tới nơi, doanh nghiệp nhất quyết không chịu gặp đoàn cán bộ, cả đoàn phải mất cả tuần trực ở dưới địa bàn. Đó là chưa kể, có khi cơ quan thuế biết doanh nghiệp đã có tiền nhưng cũng phải “nín nhịn” vì đó là tất cả những gì mà công nhân tại đơn vị đó đang mong mỏi để về ăn Tết.
Lên núi tìm giám đốc
Ngồi với đoàn khách đường xa trong ngày cuối tháng 11, ông Nguyễn Mạnh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lai Châu bảo, ngay lúc này, các cán bộ trong cục đang bị trưng tập bất kể phòng nào, dù là công nghệ thông tin, quản lý nợ hay tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế để đi thu hồi nợ thuế. Đó là hành trình theo ông có khi ròng rã cả tháng.
Chính ông Vũ Tiến Thọ, Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh Lai Châu cũng là một trong số này. Ông được giao nhiệm vụ thu nợ tại Mường Tè, cách thành phố Lai Châu ngót nghét hơn trăm cây số.
Thế nhưng, khó khăn không chỉ ở chừng ấy cây số, bà Nguyễn Thị Quyết, Phó Phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế, Cục thuế tỉnh Lai Châu tiết lộ, cả đoàn thường phải mất hàng tuần dưới địa bàn. Đặc biệt, có khi doanh nghiệp không hợp tác, gọi điện thoại không được, đoàn công tác phải mất nhiều thời gian làm việc với các bên liên quan khác.
Ông Đinh Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý nợ, Cục Thuế tỉnh Lai Châu cũng bày tỏ, việc doanh nghiệp phân tán trên địa bàn rộng khiến cán bộ thuế muốn tìm được doanh nghiệp không phải là dễ.
“Tìm được giám đốc doanh nghiệp khó lắm, có khi họ ở tít trên núi, mời họ về cũng khó, may thì gặp được kế toán,” ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng cũng không giấu rằng, có doanh nghiệp xây dựng cơ bản nợ thuế, tới cuối năm các đơn vị này có tiền nhưng “muốn cũng không thu được” vì những người làm việc tại doanh nghiệp này còn đang đợi lương về ăn Tết.
Có tâm sự khác, vị trưởng phòng Quản lý nợ Cục Thuế tỉnh Lai Châu cho rằng, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp xây dựng cơ bản và chính các đơn vị này không được thanh toán tiền nên kể cả cơ quan thuế kết hợp với công an thì cũng không thu được. Ông tiết lộ, có doanh nghiệp xây dựng nợ tới 100 tỷ đồng đã vài năm nay nhưng chính đơn vị đó chưa được thanh toán tiền nên dù muốn các đơn vị cũng không thể nộp ngân sách.
Ông thừa nhận, kể cả khi cơ quan chức năng muốn cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp cũng khó vì chính tài khoản các đơn vị này cũng không có tiền.
“Nhiều trường hợp tài khoản của doanh nghiệp chỉ đủ duy trì chứ không có tiền trả nợ,” đại diện ngành thuế tỉnh Lai Châu nói.
Ngân hàng lấy nợ trước
Ông Bùi Mạnh Chuyển, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Điện Biên lại kể câu chuyện khác. Có trường hợp chính doanh nghiệp cũng có các khoản nợ quá hạn tại ngân hàng nên khi có dòng tiền, ngân hàng sẽ thu khoản nợ trước.
Anh Đinh Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý nợ, Cục Thuế tỉnh Lai Châu cũng có tâm tư tương tự. Theo anh, đây là một trong vấn đề vướng và có trường hợp, lãnh đạo cục thuế đi cùng đoàn thu hồi nợ nhưng tranh chấp với ngân hàng với xảy ra.
Nhìn lại quá trình thu hồi nợ thuế thời gian qua, ông Nguyễn Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Điện Biên Phủ cho rằng, một trong những vấn đề hiện tại là một số doanh nghiệp nhỏ, sức cạnh tranh kém, gặp khó khăn, đã ngừng kinh doanh.
Ông cho rằng, cơ quan chức năng đã đôn đốc bằng nhiều hình thức như gọi điện thoại, xuống gặp trực tiếp doanh nghiệp hay cưỡng chế tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng nhưng “khi doanh nghiệp đã khó khăn thì thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cũng khó.”
Thừa nhận tình trạng này, ông Bùi Mạnh Chuyển, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Điện Biên cũng chỉ ra thực tế, nhiều trường hợp doanh nghiệp đã mất tích, bỏ trốn với số tiền lên tới vài chục tỷ đồng khiến tổng nợ tăng cao.
Đây là vấn đề đã được chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhắc tới trong phiên trả lời chất vấn mới đây tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14. Theo Bộ trưởng, trong số 73.930 tỷ đồng nợ thuế hiện tại thì nợ thuế có khả năng thu là 27.648 tỷ bằng 37,4%, giảm 10,3% so với 31/12/2016.
Tuy nhiên, tiền nợ thuế của người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ, bỏ địa chỉ kinh doanh theo Bộ trưởng đã lên tới hơn 28.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,2% tổng số tiền nợ thuế, tăng 10,9% so với thời điểm cuối năm ngoái. Tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, tiền chậm nộp cũng ở mức hơn trên 18.000 tỷ đồng, chiếm 24,4% tổng nợ và tăng 0,7% so với 31/12/2016.
Như vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tính toán, có 62,6% nợ thuế hiện tại là khó và không có khả năng thu hồi trong khi cơ quan thuế vẫn phải theo dõi, kiểm tra, đôn đốc. Những khoản này nếu được xử lý theo Bộ trưởng sẽ giúp số nợ đọng trên sổ sách của cơ quan thuế sẽ được giảm đi./.
Xuân Dũng
Vietnamplus