26 Th7 Doanh nghiệp Việt vẫn đuối trong ASEAN
Nhiều doanh nghiệp Việt chưa tiếp cận được thị trường AEC. Nguồn: Internet
Được đánh giá là tiềm năng nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn khó thâm nhập thị trường ASEAN.
Mơ hồ về AEC
Nhận định thị trường các nước ASEAN rất tiềm năng, đặc biệt khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã hình thành, tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Chính, Giám đốc Công ty TNHH Nấm Linh Chi chia sẻ, để có được đối tác xuất khẩu sang những thị trường này còn nhiều vướng mắc, khó khăn từ chất lượng, mẫu mã cho tới các rào cản thủ tục hải quan. Hiện các sản phẩm của công ty này chưa vào được thị trường ASEAN.
“Nhiều nước trong ASEAN không có nhu cầu với sản phẩm của chúng tôi vì họ tự sản xuất được. Chưa kể để tận dụng cơ hội từ ASEAN, các DN cần lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh với kinh phí khá lớn”, bà Chính nói.
Ông Nguyễn Phi Thanh, Giám đốc CTCP thương mại Thanh Lộc (chuyên sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản) chia sẻ, sở dĩ hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường ASEAN còn rất hạn chế, một phần từ bất cập cơ chế chính sách.
Trên thực tế, 3 năm nay, DN này đã xuất khẩu được các mặt hàng là bún, phở khô, miến rong, bánh đa nem… sang các thị trường khó tính như thị trường Đức, Pháp… nhưng với thị trường ASEAN thì chưa tiếp cận được.
Công ty Thanh Lộc mong muốn Chính phủ hướng dẫn “đường đi nước bước” để các mặt hàng của DN dễ tiếp cận thị trường ASEAN. “Chúng tôi chưa vào được là vì chưa có động lực và điều kiện để vào và do thiếu thông tin thị trường. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng phổ biến những chính sách, hướng dẫn DN tiếp cận được các đối tác trong ASEAN”, ông Thanh kiến nghị.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thẳng thắn, nguyên nhân khiến nhiều DN chưa tận dụng được thị trường AEC là vì chưa hiểu biết rõ thị trường này. AEC đã phát huy vai trò kiến tạo môi trường, tăng cường cơ hội để các DN có thể tham gia sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN, trong đó có DN Việt Nam.
Sau hơn 1 năm, nhiều DN Việt vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ, thấu đáo, mặc dù đang phải đối mặt với những thách thức khi tham gia AEC, trong đó nổi lên áp lực cạnh tranh từ các nước ASEAN cả trong sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ. Ở Việt Nam, đa số DN có sự quan tâm và tìm hiểu về AEC, thế nhưng một số khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 16% DN thực sự hiểu về AEC.
Doanh nghiệp phải chủ động
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá, để tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức, hơn ai hết DN phải là người hiểu rõ thị trường này. Câu chuyện về AEC đem lại những gì cho DN? Những thách thức nào chờ đợi phía trước, khó khăn nào cần giải quyết và vượt qua?
“Hiện nay, nhiều câu hỏi của DN chúng ta vẫn chưa có câu trả lời. Trong khi đó, so với các DN của các bạn trong khối ASEAN, rất nhiều DN Việt Nam đi sau, tiềm lực hạn chế, kinh nghiệm cũng ít hơn… khiến cơ hội bị vuột mất”, Thứ trưởng đánh giá.
Đồng thời, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành Nghiên cứu và Phát triển Sản phẩm CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, các DN cũng cần thể hiện sự chủ động của mình. Bởi thực tế hiện nay, hàng hóa của DN Việt Nam không chỉ cạnh tranh với DN trong nước, mà còn cạnh tranh với DN trong ASEAN, DN trên thế giới.
DN phải tự nhận thức được sự sống còn của mình để vượt qua được khó khăn, không tự chủ động thì cơ hội sẽ qua đi. Điều đó có nghĩa, DN muốn tồn tại và phát triển, cần đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường về chất lượng, giá cả… và định hướng cho người tiêu dùng hướng tới sản phẩm của mình.
Theo ông Lê Lương Minh, Tổng Thư ký ASEAN, để tận dụng các cơ hội, bản thân các DN cần hiểu biết hơn về cộng đồng ASEAN, hiểu hơn về những cơ hội và thách thức. Đơn cử như trong lĩnh vực lao động, ASEAN có các hiệp định mở ra cho 8 đối tượng được tự do tìm kiếm việc làm trong khối.
Nhưng để có thể tìm được việc làm thì người lao động lành nghề phải có tiếng Anh. Do vậy, các DN Việt Nam cần phải nhận biết đầy đủ về các thị trường ASEAN và các thị trường đối tác, để từ đó đào tạo, xây dựng các cơ chế, quy chuẩn phù hợp với từng thị trường.
Cùng với đó, các DN rất cần sự giúp đỡ của hiệp hội nghề nghiệp trong việc xây dựng quy định, quy chuẩn, góp phần làm cho hoạt động kinh doanh của DN hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững, và có thông tin về thị trường ASEAN. Nhất là khi hiện nay, DN phải đối mặt với nhiều thách thức khi xuất phát điểm thấp, năng lực cạnh tranh còn yếu kém.
Theo thoibaonganhang.vn