27 Th12 Đổi mới phương thức quản thuế điện tử đem lại kết quả thu ngân sách hiệu quả
Không ngừng đổi mới phương thức quản lý thuế, trong đó nổi bật là việc triển khai Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN). Cổng chính thức đi vào hoạt động từ ngày 21/03/2022 tạo điều kiện để các NCCNN thực hiện các thủ tục thuế từ xa, bao gồm đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, và điều chỉnh thông tin đăng ký thuế một cách nhanh chóng và thuận tiện. Đến nay đã có 120 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế các NCCNN đã khai – nộp trực tiếp qua Cổng trong năm 2024 đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ năm 2023, vượt 74% so với dự toán.
Thu thuế từ các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới
Trước khi Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực, việc quản lý thuế đối với các nhà cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới (Google, Facebook, TikTok…) tại Việt Nam được thực hiện theo cơ chế thuế nhà thầu. Theo quy định của Thông tư số 103/2014/TT-BTC, các tổ chức trong nước khi mua dịch vụ, hàng hóa hoặc phân phối dịch vụ của các NCCNN có trách nhiệm khấu trừ thuế và nộp thay cho các nhà cung cấp này.
Tuy nhiên, cơ chế thuế nhà thầu đã bộc lộ những điểm yếu trong việc quản lý nguồn thu từ các NCCNN, đặc biệt là khi các giao dịch TMĐT diễn ra hoàn toàn qua mạng internet, trực tiếp đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Chính sách thuế này không thể bao quát hết nguồn thu từ các giao dịch xuyên biên giới, do đó một số NCCNN có thể dễ dàng tránh né nghĩa vụ thuế, khi không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy số thu thuế nhà thầu nước ngoài từ các công ty cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới trong ba năm gần đây có sự biến động nhưng chưa ổn định, với các mức thu thuế lần lượt là 1.168 tỷ đồng (2019), 1.144 tỷ đồng (2020) và 1.591 tỷ đồng (2021). Điều này cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thu thập thuế đầy đủ từ các nhà cung cấp dịch vụ số nước ngoài.
Trước những khó khăn và hạn chế trong việc quản lý thuế đối với TMĐT xuyên biên giới, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu thuế, đặc biệt là đối với các NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Một trong những bước ngoặt quan trọng trong công tác quản lý thuế đối với TMĐT xuyên biên giới là việc ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Điều này đã tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc, đặc biệt là quy định tại Điểm 4 Điều 42, theo đó nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.
Với quy định này, Tổng cục Thuế đã chủ động triển khai các biện pháp để đảm bảo việc thu thuế từ các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới một cách hiệu quả và đồng bộ. Cơ chế này đã khắc phục được điểm yếu của thuế nhà thầu, khi các nhà cung cấp dịch vụ phải trực tiếp kê khai và nộp thuế đối với toàn bộ doanh thu, bao gồm cả doanh thu từ việc bán hàng hóa, dịch vụ cho các cá nhân tại Việt Nam.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, Tổng cục Thuế đã không ngừng đổi mới phương thức quản lý thuế, trong đó nổi bật là việc triển khai Cổng TTĐT dành cho NCCNN. Cổng thông tin này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 21/03/2022, cho phép NCCNN thực hiện các thủ tục thuế từ xa, bao gồm đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, và điều chỉnh thông tin đăng ký thuế một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Kể từ thời điểm triển khai vận hành Cổng TTĐT dành cho NCCNN đến nay đã có 120 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế. Tổng số thuế các NCCNN đã khai – nộp trực tiếp qua cổng TTĐT trong năm 2024 là 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ năm 2023, vượt 74% so với dự toán