Đưa hoá đơn điện tử vào cuộc sống

Đưa hoá đơn điện tử vào cuộc sống

Hóa đơn điện tử là một cải cách hành chính của ngành thuế, giúp cải thiện môi trường kinh doanh và lành mạnh hóa nền tài chính. Tuy nhiên, để đưa hoá đơn điện tử vào cuộc sống, ngoài nỗ lực của ngành thuế còn cần phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan và sự đồng lòng của cộng đồng DN. Nội dung này được trao đổi tại buổi toạ đàm do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức ngày 24/10.

Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thuế, DN sử dụng hóa đơn giấy trung bình phải bỏ chi phí trên 1.000 đồng/hóa đơn. Với số lượng 2,5 tỷ hóa đơn/năm, chi phí mỗi năm bỏ ra lên đến 2.500 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), số tiền mà DN tiết kiệm được tới trên 1.000 tỷ đồng/năm. Chia sẻ những lợi ích mà HĐĐT mang lại, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí cho biết, HĐĐT đem lại thuận lợi rất lớn cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế. Trước đây, việc lập hóa đơn được thực hiện thủ công, đến nay cùng với việc triển khai các phần mềm kế toán quản trị, DN hoàn toàn có thể xuất HĐĐT, trên cơ sở đó kết xuất để đưa vào hệ thống. Về phía cơ quan thuế, hình thành được một cơ sở dữ liệu về hóa đơn, phục vụ công tác quản lý thuế, kiểm tra, đối chiếu cũng như kịp thời phát hiện những hành vi gian lận trong việc phát hành hóa đơn.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đại Trí thông tin thêm, HĐĐT manh nha hình thành và được triển khai ba năm gần đây. Hiện nay, có nhiều DN sử dụng HĐĐT. Trên cơ sở Nghị định 51 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và sau đó là Nghị định 04 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 51, Bộ Tài chính đã có những quy định về HĐĐT, trong đó có Thông tư 32 ban hành năm 2011. Đến nay, số lượng DN sử dụng HĐĐT tăng lên theo từng năm. Nếu như đến hết năm 2016 mới có khoảng 700 – 800 DN sử dụng HĐĐT thì đến hết tháng 6/2017, đã có khoảng 2.700 DN với 300 triệu HĐĐT được ghi nhận. Lộ trình tiếp theo là đưa HĐĐT “phủ sóng” rộng hơn tiến tới thay thế hóa đơn giấy.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ những tâm tư của cộng đồng DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa về những khó khăn, lo ngại khi thực hiện HĐĐT. Đó là, đối với những DN đã áp dụng HĐĐT nhưng chưa có xác thực của cơ quan thuế sẽ phải chuyển đổi như thế nào để đáp ứng được yêu cầu khi triển khai diện rộng hoạt động này. Hạ tầng công nghệ có đáp ứng được số lượng lớn hoá đơn giao dịch trong một ngày? Lo ngại thứ hai là sự kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước bởi nếu kết nối không tốt, thiệt hại trực tiếp là DN. Lo ngại thứ ba là về chi phí, nhất là đối với các DN nhỏ, doanh thu thấp. Lo ngại thứ tư là về lộ trình áp dụng, theo phương án ngành thuế đưa ra từ 1/1/2018 áp dụng ngay đối với các DN nguy cơ rủi ro cao, từ 1/7/2018 áp dụng với các DN còn lại có quá gấp hay không khi từ nay đến đó thời gian không còn dài.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đại Trí khẳng định, khi đưa ra một thay đổi có tác động lớn đến toàn xã hội, chắc chắn phải được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, không gây xáo trộn cho hoạt động của DN. Có 3 loại HĐĐT. Loại thứ nhất là hệ thống hóa đơn tự xây dựng của các DN như hiện nay là hoá đơn điện, nước; thứ hai là HĐĐT sử dụng qua tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ; thứ ba là HĐĐT có xác thực của cơ quan thuế. Các DN đang triển khai HĐĐT vẫn tiếp tục vận hành, các DN hiện nay đang dùng hóa đơn giấy thì tùy theo mức độ có thể xây dựng hoặc thông qua tổ chức trung gian. Với DN mới thành lập và DN có rủi ro cao thì phải dùng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế. Tuy nhiên, để áp dụng HĐĐT cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cơ quan chức năng liên quan như hải quan, quản lý thị trường hay ngân hàng. Đối với các DN cung cấp phần mềm (phần mềm kế toán, phần mềm bán hàng, phần mềm quản trị) cần tiếp cận sớm hình thức hoá đơn này và với Tổng cục Thuế để được cung cấp các thông tin cần thiết, từ đó điều chỉnh, cập nhật phần mềm và cung cấp cho DN.

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đại Trí, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định về hoá đơn, Tổng cục Thuế đã ghi nhận nhiều băn khoăn, lo ngại của DN. Thực tế thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến việc áp dụng công nghệ thông tin, từ đăng ký, kê khai, mới đây nhất là hoàn thuế điện tử và lộ trình tiếp theo là HĐĐT. Khi triển khai, Tổng cục Thuế luôn đặt lên hàng đầu vấn đề hạ tầng viễn thông, cơ sở vật chất, trang thiết bị có đáp ứng được thì mới triển khai. Chia sẻ về lộ trình thực hiện, Phó Tổng cục trưởng cho biết, qua ý kiến của DN, Tổng cục Thuế sẽ có điều chỉnh cho phù hợp, cân nhắc các phương án trình bộ Tài chính và Chính phủ lùi thời điểm thực hiện đến 1/7/2019.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện vẫn có cách để phục hồi ra giấy trong những trường hợp đặc biệt nhằm phục vụ kiểm tra và sẽ có dấu hiệu nhận biết đây là hóa đơn được phục hồi. Các tính năng sửa hóa đơn, hủy hóa đơn cũng sẽ được cung cấp để DN dễ dàng sử dụng HĐĐT, tuy nhiên phải theo đúng quy định và cơ quan chức năng có thể kiểm tra lại việc sửa, huỷ đó là có cơ sở. Đối với băn khoăn việc áp dụng HĐĐT ở vùng sâu, vùng xa chưa có kết nối hạ tầng công nghệ, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đại Trí cho biết, việc xây dựng HĐĐT không đồng nghĩa với việc xóa bỏ hóa đơn giấy. Các DN, cơ quan nhà nước phải nhận biết được trường hợp nào được dùng hóa đơn giấy, trường hợp nào không, chứ không tùy tiện áp đặt làm giảm giá trị của hệ thống vừa xây dựng.

Minh Huệ
Tapchithue