19 Th4 GS., TS. Đặng Hùng Võ: Không thể tiếp tục để mức thuế đất quá thấp như hiện nay!
Những ngày gần đây, Dự án Luật Thuế tài sản vừa được Bộ Tài chính công bố đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Tạp chí điện tử Tài chính có cuộc trao đổi với GS., TSKH. Đặng Hùng Võ – một trong những người đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Đất đai năm 2003 xoay quanh nội dung đề xuất tại Dự án Luật này.
Phóng viên: Từ góc độ của một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá như thế nào về các quy định của pháp luật hiện hành đối với thuế tài sản?
GS., TS. Đặng Hùng Võ: Thuế tài sản ở Việt Nam chưa được ban hành, mới đang ở dạng đánh vào một loại tài sản là quyền sử dụng đất. Cụ thể hơn là thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN), thay thế thuế nhà đất trước đây. Các sắc thuế này ra đời trong hoàn cảnh của nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường, sử dụng công cụ thuế trong cơ chế thị trường cũng chưa quen. Đến nay, thuế SDĐNN gần như đã được Quốc hội xóa bỏ nhằm tạo điều kiện tốt về thu nhập cho nông dân. Đối với thuế SDĐPNN, hiện đang thu trên giá trị đất đai là tiến bộ, nhưng thuế suất chỉ có 0,03% là quá thấp, gần như không đáng kể.
Ví dụ, một thửa đất ở có diện tích 100m2 tại Trung tâm Hà Nội, nơi có giá đất thị trường tới 1 tỷ đồng trên 1m2 mà tính cũng chỉ phải nộp khoảng 1 triệu đồng thuế mỗi năm. Quá dễ dàng và chẳng ai động tâm vì phải nộp thuế. Nếu có tiền, người ta có thể mua tích trữ đến mươi ngôi nhà như vậy vẫn không phải để tâm đến chuyện phải nộp thuế. Mỗi ngôi nhà cho thuê cũng được hai ba chục triệu đồng mỗi tháng mà cả năm chỉ phải nộp thuế có một triệu đồng. Như vậy, cứ có tiền thì ai cũng muốn mua nhà tích trữ là phải, lợi thế thì dại gì mà không làm.
Cùng với đó, tâm lý chung là người dân không muốn tăng thêm nghĩa vụ tài chính vì mất tiền nhiều hơn. Các đại gia nhiều nhà đất tất nhiên càng không muốn nâng cao mức thuế này. Trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, không thể tiếp tục để mức thuế đất quá thấp như hiện nay, tạo ra nhiều bất lợi cho phát triển và thiếu công bằng.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự án Luật Thuế tài sản, theo ông những nội dung được đề xuất tại Dự án Luật này có khắc phục được những hạn chế của pháp luật hiện hành như ông đã nêu?
Theo tôi, những nội dung mà Bộ Tài chính đề xuất tại Dự án Luật Thuế tài sản là đúng phương hướng nâng cao thuế nhà đất. Về đề xuất tăng tỷ suất thuế SDĐPNN lên hơn 10 lần là phù hợp thực tế. Ví dụ như hiện nay phải nộp 1 triệu đồng mỗi năm thì theo đề xuất sẽ phải nộp 1 triệu đồng mỗi tháng. Lúc đó, khái niệm nộp thuế mới rõ và khắc phục được tình trạng tích trữ tiền vào nhà đất.
Hơn nữa, thuế đất cao sẽ làm giá đất hạ, làm cho việc giải quyết nhà ở dễ dàng hơn, chi phí đầu vào đất đai trong sản xuất hàng hóa sẽ giảm kéo theo giảm giá hang hóa, đồng nghĩa với việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mặt khác, khi nộp thuế đất cao, người có đất buộc phải tính toán lại xem mình ở đâu là phù hợp với thu nhập. Nếu thu nhập thấp sẽ phải quyết định bán chỗ ở cũ để chuyển về nơi khác có mức thuế thấp hơn.
Tuy nhiên, đối với thuế nhà ở, nếu đánh vào giá trị nhà có thể làm kìm hãm đầu tư vào nhà chất lượng cao. Có thể, tại các thành phố sẽ có nhiều nhà lụp xụp để tránh chịu thuế, hy vọng về những ngôi nhà thông minh sẽ tan biến và cảnh quan tương lai về những thành phối hiện đại sẽ rất xa vời. Do vậy, theo tôi, thuế nhà ở nên đánh vào diện tích.
Việc đánh thuế vào nhà ở phải có cách tiếp cận đúng là không đánh vào tài sản mà đánh vào việc cư dân sử dụng hạ tầng và dịch vụ công cộng để có tiền tiếp tục nâng cấp đô thị. Hiện nay, Nhà nước vẫn phải sử dụng tiền vay, trái phiếu chính phủ để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị mà vẫn bị coi là không đáp ứng được yêu cầu. Một cách công bằng, nếu cư dân đô thị không chịu trách nhiệm đóng góp thì ai bỏ tiền ra làm?
Đối với nhà ở cho thuê và các loại nhà sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ thì cần lựa chọn hoặc đánh thuế vào nhà hoặc đánh thuế vào thu nhập từ kinh doanh. Nếu đánh cả hai thì thuế chồng thuế. Vậy chỉ được lựa chọn một trong hai loại thuế.
Theo tôi, việc nâng thuế nhà đất đáng ra phải thực hiện từ hơn chục năm trước. Sắc thuế này không chỉ tăng thu cho ngân sách mà còn chống được đầu cơ, tích trữ nhà đất, phân bố lại dân cư đô thị, dễ dàng nâng cấp đô thị và làm giá nhà đất giảm xuống. Thị trường bất động sản nước ta cũng không rơi vào áp lực đầu cơ gây khủng hoảng trong giai đoạn 2011-2013, không phải đi vay ODA để nâng cấp đô thị, ngân sách nhà nước không quá khó khăn và năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ cao hơn.
Một số ý kiến cho rằng mức thuế suất mà Bộ Tài chính đưa ra tại Dự án Luật Thuế tài sản quá cao, vậy quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Như trên đã bình luận, trong Dự án Luật Thuế tài sản, về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tỷ suất thuế hiện tại 0,03% được đưa lên mức 0,4% đối với đất ở, từ 0,3% tới 0,52% đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, 1% đối với đất không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và 2% đối với đất lấn chiếm, theo tôi là phù hợp. Đối với vùng nông thôn, miền núi có thu nhập còn rất thấp, nên giữ nguyên tỷ suất thuế như hiện tại.
Ông đánh giá thế nào về tính phù hợp của Dự án Luật Thuế tài sản so với thông lệ quốc tế?
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thuế tài sản là một loại thuế ra đời sớm trong hệ thống thuế của đa số các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển. Theo quan điểm tiến bộ, một số nước đã bãi bỏ thuế đánh vào tài sản đầu tư trên đất vì sắc thuế như vậy làm kìm hãm đầu tư; thuế đất được tách riêng là đánh theo giá trị đất đai. Một số nước đánh vào đơn vị bất động sản gồm cả đất và nhà, cách đánh thuế như vậy được cho là không tiến bộ, được khuyến nghị phải tách riêng đất và nhà.
Thuế đất ở hầu hết các nước đều có tỷ suất trung bình từ 1% tới 1,5% giá trị thị trường của thửa đất, ở ta hiện nay mới chỉ 0,03%, đề xuất của Bộ Tài chính cũng chỉ là 0,4%. Năm 2017, tổng thu từ thuế đất ở ta mới chỉ chiếm 0,36% tổng thu từ đất và chiếm 0,036% tổng thu ngân sách, trong khi đó ở các nước phát triển thu từ thuế đất đã chiếm tới 30% tổng thu cho ngân sách địa phương.
Theo tôi, ý nghĩa của sắc thuế này rất lớn, Bộ Tài chính cần nghiên cứu để hoàn thiện chính sách thuế nhà đất như một phương án thuế có tính khả thi cao, mang lại hiệu quả phát triển nhiều mặt. Khi hoàn thiện rồi, sắc thuế này được áp dụng sớm ngày nào, hay ngày đó.
Trân trọng cám ơn ông!
H. Trang (thực hiện)
Tapchitaichinh