07 Th5 Hà Nội đã khớp nối thông tin giữa căn cước công dân của cá nhân kinh doanh TMĐT với mã số thuế
Đây là thông tin được Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội Vũ Mạnh Cường cho biết tại Hội nghị vừa được tổ chức sáng nay 03/5 về triển khai công tác thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) thí điểm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.
Theo Cục trưởng Vũ Mạnh Cường, Cục Thuế TP. Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu của hơn 320 doanh nghiệp (DN) là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, 54 DN là sàn TMĐT lưu trú, khoảng 21.500 DN, trên 16.500 hộ kinh doanh và hơn 80.600 cá nhân tiền lương, tiền công bán hàng trên các sàn Shopee, Tiki, Lazada, thu thập khoảng 110.000 tài khoản ngân hàng, định danh hơn 591.200 shop…
Cục Thuế TP. Hà Nội là đơn vị đầu tiên khớp nối thông tin giữa căn cước công dân của các cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT gắn với mã số thuế và đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin về số tài khoản ngân hàng, doanh thu, mức thuế, dòng tiền của các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT, từ đó xác định đúng nghĩa vụ của người nộp thuế. |
Với xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các tổ chức, cá nhân mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh thì việc chủ động các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động này được Cục Thuế ưu tiên nghiên cứu và đưa ra những giải pháp triển khai, qua đó đáp ứng yêu cầu chỉ đạo tại Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.
Từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tập trung quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT theo hướng số hóa. Theo đó, công tác định danh, định vị đối với tổ chức, cá nhân, thông tin dữ liệu về các giao dịch và đối tượng kinh doanh TMĐT được cập nhật thường xuyên, liên tục. Đến nay, tỷ lệ khớp nối dữ liệu với Bộ Công an đã đạt trên 92%.
“Hiện Cục Thuế TP. Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu của hơn 320 DN là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, 54 DN là sàn TMĐT lưu trú, khoảng 21.500 DN, trên 16.500 hộ kinh doanh và hơn 80.600 cá nhân tiền lương, tiền công bán hàng trên các sàn Shopee, Tiki, Lazada, thu thập khoảng 110.000 tài khoản ngân hàng, định danh hơn 591.200 shop…” – Cục trưởng Vũ Mạnh Cường cho biết.
Về việc triển khai thí điểm tại quận Hoàn Kiếm, theo Cục trưởng Vũ Mạnh Cường, đây là địa bàn trung tâm của Hà Nội, hoạt động kinh doanh TMĐT rất phát triển. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Theo đó, Cục Thuế đã báo cáo UBND TP. Hà Nội đề xuất triển khai mô hình thí điểm quản lý thuế TMĐT trên địa bàn quận Hoàn Kiếm trước khi nhân rộng ra các quận khác trên địa bàn Thành phố.
Cũng theo Cục trưởng Vũ Mạnh Cường, để ngày càng hoàn thiện công tác quản lý thuế đối với TMĐT, đơn vị sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng trang cơ sở dữ liệu TMĐT để hỗ trợ cán bộ thuế khai thác thông tin định danh của người nộp thuế. Đồng thời đẩy mạnh các phương thức tuyên truyền, hỗ trợ điện tử, kê khai, nộp thuế điện tử, hướng tới mở các cơ quan thuế quản lý thuế ảo, phòng hỗ trợ thuế ảo trên các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ người nộp thuế tối đa theo phương thức điện tử.
Đồng quan điểm với những nhận định của Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội Vũ Mạnh Cường về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử trong hai năm vừa qua cụ thể như sau: Năm 2022 đã quản lý thuế và kê khai 408 đối tượng với số thu 6 tỷ 595 triệu đồng; năm 2023 đã quản lý thuế, kê khai 523 đối tượng với số thu gần 22 tỷ đồng.
“Đây là những số liệu minh chứng cho xu thế mới đang hình thành năm 2024. Đồng thời cho thấy việc tăng trưởng và phát triển của thương mại điện tử là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử gặp những thách thức lớn.” – Chủ tịch Phạm Tuấn Long nhận định.
Tại hội nghị, các ý kiến tham gia từ phía các đơn vị đều cho rằng, thực tế phát triển của thương mại điện tử đã có những phát triển với tốc độ rất nhanh đòi hỏi đội ngũ cán bộ thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cơ quan thuế nói riêng cần thêm các kiến thức, kỹ năng hoàn toàn mới, cách thức phối hợp giữa các cơ quan trên môi trường điện tử, vì vậy đây là bài toán cần nghiên cứu sâu để hoạt động hiệu quả.
Các đại biểu cho rằng, để triển khai đồng bộ, hiệu quả cần nghiên cứu kỹ giải pháp “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trên địa bàn TP. Hà Nội” trên cơ sở triển khai thí điểm tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, từ đó có báo cáo UBND TP. Hà Nội để có chỉ đạo yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành và sự hợp tác, tuân thủ của người dân, DN, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế công bằng, minh bạch