13 Th5 Khai giảng khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức mới
Sáng ngày 13/5, tại phân hiệu Thừa Thiên Huế, Trường Nghiệp vụ thuế tổ chức khai giảng Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho 514 công chức mới tuyển dụng vào ngành Thuế. Phó Giám đốc Trường Nghiệp vụ thuế kiêm Giám đốc Phân hiệu Thừa Thiên Huế Trần Thị Minh Phượng đến dự và phát biểu khai giảng; tham dự có các giảng viên là các chuyên gia trong lĩnh vực thuế cùng các học viên.
Phát biểu khai giảng khóa bồi dưỡng, Phó Giám đốc Trường Nghiệp vụ thuế Trần Thị Minh Phượng cho biết, thực hiện kế hoạch đạo tạo cho đối tượng là công chức trẻ được tuyển chọn tại các kỳ thi công chức năm 2023 của ngành Thuế, năm 2024, Trường Nghiệp vụ thuế tổ chức 2 đợt đào tạo cho trên 1.000 công chức mới để tạo nền tảng kiến thức cơ sở để các công chức mới tiếp tục được học tập kiến thức, kỹ năng quản lý thuế tại các chương trình bồi dưỡng cơ bản theo vị trí việc làm do Tổng cục Thuế ban hành.
Theo Phó Giám đốc Trần Thị Minh Phượng, phát huy kết quả tích cực đã đạt được trong đợt bồi dưỡng thứ nhất (vào tháng 3/2024), lớp bồi dưỡng thứ 2 lần này Trường Nghiệp vụ thuế tiếp tục tăng cường cho công chức mới chương trình bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng cần thiết trong công tác quản lý thuế, văn hóa văn minh công sở ngành Thuế, công tác văn thư bảo mật và kỹ năng quan hệ công chúng,… từ đó giúp công chức mới đáp ứng nhanh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao tại đơn vị.
Với mục tiêu xây dựng và phát triển đội ngũ công chức, viên chức ngành Thuế luôn là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt các thời kỳ phát triển của ngành; luôn được lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Thuế và lãnh đạo cơ quan thuế các cấp quan tâm chỉ đạo. Công tác tuyển dụng mới và công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức cũng được quan tâm, chú trọng và đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức của ngành.
“Để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại, hiệu quả trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những năm gần đây công tác thi tuyển công chức và tuyển dụng công chức theo Nghị định 140/NĐ-CP của Chính phủ được tổ chức thường xuyên, nghiêm túc, khách quan nhằm bổ sung đội ngũ công chức, viên chức và sinh viên ưu tú, có trình độ cao, có kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn; bản lĩnh chính trị vững vàng vào làm việc trong ngành Thuế.” – Phó Giám đốc Trần Thị Minh Phượng chia sẻ.
Toàn bộ chương trình bồi dưỡng có thời lượng 41 ngày học. Cuối khóa học, các học viên sẽ làm các bài kiểm tra tương ứng với các nội dung của chương trình học và viết bài thu hoạch để đánh giá kết quả quá trình học tập.
Sau khóa học, các công chức sẽ được trang bị đầy đủ, toàn diện các kiến thức cơ bản, khái quát về ngành Thuế, kiến thức kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn về thuế và kiến thức nghiệp vụ liên quan đến vị trí công việc được tuyển dụng, được phân công tại cơ quan thuế các cấp.
Phó Giám đốc Trần Thị Minh Phượng yêu cầu, bên cạnh yêu cầu các học viên phải hoàn thành, nắm bắt được tất cả những kiến thức của khóa học, thông qua đó, mỗi cá nhân học viên cần đạt được mục tiêu xa hơn, đó là sự chủ động, tích cực học tập, rèn luyện, tự trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực thi công vụ hiệu lực, hiệu quả, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao tại đơn vị.
“Các học viên cần nghiêm túc tập trung nghiên cứu, học tập, tiếp nhận kiến thức, kỹ năng được truyền đạt tại khóa học; Tích cực tham gia thảo luận, trao đổi nghiệp vụ trên lớp để có thể nắm bắt nhanh, nắm bắt toàn diện và sâu sắc các quy định chung về ngành cũng như các kiến thức nghiệp vụ về chính sách thuế và quản lý thuế. Thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế học tập, tham gia đầy đủ chương trình và đạt kết quả tốt nhất trong khả năng của các đồng chí” – Phó Giám đốc Trần Thị Minh Phượng nhấn mạnh.
Đối với công tác đào tạo công chức, Phó Giám đốc Trần Thị Minh Phượng đánh giá, trong những năm qua, Tổng cục Thuế đã tập trung xây dựng hệ thống chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng cho công chức viên chức của ngành.
Các chương trình, nội dung bồi dưỡng phong phú, đa dạng, bao quát hết các lĩnh vực kiến thức, kỹ năng cần trang bị bao gồm: bồi dưỡng tiền công vụ; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức; bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ quản lý thuế; bồi dưỡng lý luận chính trị; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kiến thức tin học, ngoại ngữ…
Các chương trình bồi dưỡng được xây dựng theo hướng đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng từ cơ bản đến chuyên sâu, áp dụng cho đối tượng từ công chức mới tuyển dụng và cho cả đối tượng công chức đã công tác nhiều năm trong ngành, từ đó đáp ứng yêu cầu đào tạo bồi dưỡng tất cả các ngạch công chức trong ngành Thuế