Luật Thuế tài sản: Điều tiết một phần thu nhập để đầu tư cho cơ sở hạ tầng

Luật Thuế tài sản: Điều tiết một phần thu nhập để đầu tư cho cơ sở hạ tầng

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo chuyên đề về “Dự án Luật Thuế tài sản”, chiều ngày 13/4.

Ông Phạm Đình Thi trả lời báo chí tại cuộc họp báo. Ảnh: M.A

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính khẳng định, các quốc gia khác thường lấy công cụ thuế để thay đổi hành vi, nhưng ở Việt Nam chỉ đề xuất một mức thuế tài sản thấp, nhằm điều tiết một phần thu nhập trong dân cư để đầu tư trở lại cơ sở hạ tầng, đất đai.

Dự kiến áp thuế 0,4% trên giá trị đất

Theo Bộ Tài chính, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mức thuế suất thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Tuy nhiên, đa số các nước áp dụng mức thuế suất thuế tài sản cao, từ 0,5% đến 2%, thậm chí thuế với nhà, đất không sử dụng còn được áp dụng tới 20% như ở Singapore.

Trên cơ sở nghiên cứu, tại dự thảo Luật Thuế tài sản, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề nghị 2 phương án thuế như sau: Phương án 1 áp dụng mức thuế suất thuế chung là 0,3%. Phương án 2 áp dụng mức thuế chung là 0,4%.

Theo phương án 1: Đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh; đất xây dựng nhà chung cư): Áp dụng mức thuế suất là 0,3% trên toàn bộ giá trị đất. Đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế, dự kiến có 2 phương án: Phương án 1, giá tính thuế đối với nhà từ 1 tỷ đồng trở xuống hưởng thuế 0%, từ 1 tỷ đồng trở lên áp thuế 0,3% (dự kiến số thu thuế tài sản theo phương án này là khoảng 22.700 tỷ đồng). Phương án thứ hai: Giá tính thuế đối với nhà từ 700 triệu đồng trở xuống không tính thuế, còn từ 700 triệu đồng trở lên áp mức thuế 0,3% (dự kiến thu khoảng 23.300 tỷ đồng).

Theo phương án 2 (áp dụng mức thuế chung là 0,4%), cũng dự kiến có 2 phương án: Giá tính thuế đối với nhà từ 1 tỷ đồng trở xuống hưởng thuế 0%, từ 1 tỷ đồng trở lên áp thuế 0,4% (dự kiến số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỷ đồng); trường hợp thứ hai là giá tính thuế đối với nhà từ 700 triệu đồng trở xuống không tính thuế, còn từ 700 triệu đồng trở lên áp mức thuế 0,4% (dự kiến số thu thuế tài sản khoảng 31.000 tỷ đồng). Phương án này được Ban soạn thảo đề xuất trong dự thảo luật.

Trả lời tại cuộc họp báo, ông Phạm Đình Thi cho biết, Luật Thuế tài sản sẽ tác động đến mọi người dân trong xã hội. Mặc dù kế thừa kinh nghiệm quốc tế, nhưng Ban soạn thảo đã tính toán để phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên, cơ sở tính thuế đất không tính theo giá thị trường mà theo từng cấp, hạng nhà do UBND tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật về xây dựng tại thời điểm tính thuế (giá 1m2 nhà xây dựng mới được xây dựng căn cứ trên suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành).

Một số phóng viên đặt câu hỏi cụ thể về tính thuế đối với căn nhà 100m2 ra sao, ông Phạm Đình Thi cho biết, không thể tính được số thuế cụ thể, bởi còn tùy thuộc vào nhà, đất ở các thành phố lớn hay vùng sâu vùng xa có giá trị khác nhau sẽ có mức thuế suất khác nhau. Trong trường hợp, cá nhân có nhiều nhà, nhà ở vị trí đắc địa thì phải nộp thuế rất cao, nhưng nếu cùng diện tích đó ở vùng sâu, vùng xa thì người dân không phải nộp thuế.

Dự kiến nguồn thu để lại 100% cho địa phương

Có ý kiến lo ngại chưa có cơ sở dữ liệu nhà đất hoàn chỉnh, sẽ không “đong đếm” được số lượng sở hữu nhà của cá nhân, gây khó khăn cho cơ quan thuế, ông Phạm Đình Thi cho biết, cơ quan soạn thảo luật đã cân nhắc để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Hiện nay chúng ta đang thừa kế toàn bộ dữ liệu của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Trong thời gian tới, để tính đúng, tính đủ thuế tài sản khi luật được triển khai, sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu mã số của người nộp thuế, trên cơ sở đó, từng bước quản lý về nhà ở và sẽ tính thuế đầy đủ. Ông Phạm Đình Thi khẳng định “có cơ sở để quản lý từng thửa đất, căn nhà”.

Trả lời câu hỏi về nguồn thu từ thuế tài sản sẽ sử dụng ra sao, ông Thi cho biết 100% nguồn thu để lại cho địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần làm tăng giá trị của đất đai.

Ông Thi cũng lưu ý dự án luật chỉ có hiệu lực khi được Quốc hội xem xét, thông qua. Hiện nay, hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật đang được lấy ý kiến rộng rãi, trên cơ sở phản biện của các bộ, ngành, của xã hội và các nhà khoa học, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện dự án Luật Thuế tài sản trước khi trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét.

Trong một nghiên cứu lớn về cải cách hệ thống thuế ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), các chuyên gia của WB cho rằng, đánh thuế dựa trên giá trị đất là một trong những cách hiệu quả nhất để tăng thu ngân sách. Nếu được quản lý tốt, thì không giống như hầu hết các nguồn thu ngân sách khác, thuế đất đai không gây ra vấn đề về thiếu hiệu quả hay “gánh nặng quá tải” cho nền kinh tế. “Tuy còn có những cách khác để tăng số thu cho ngân sách công mà không tạo ra gánh nặng quá tải, song xét về mặt kinh tế thì cách quan trọng nhất để tăng thu ngân sách mà không tạo thêm quá nhiều gánh nặng là đánh thuế đất đai”, nghiên cứu của WB cho biết. Thậm chí, thuế đất đai còn được coi là cách “siêu hiệu quả” bởi không chỉ mang lại nguồn thu mà còn tạo ra một nền kinh tế có hiệu quả hoạt động cao hơn.

H.Y (ghi) 

Minh Anh
TBTC