Mô hình nghiên cứu các nhân tố tác động đến việc áp dụng phương pháp kế toán chi phí dựa trên mức độ hoạt động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Bình Dương

Mô hình nghiên cứu các nhân tố tác động đến việc áp dụng phương pháp kế toán chi phí dựa trên mức độ hoạt động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Bình Dương

Tóm tắt

Hiện nay, vấn đề hội nhập kinh tế trên thế giới đã đặt ra cho các nhà quản trị trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam nói chung và các DNNVV tại Bình Dương nói riêng là cần phải vận dụng các công cụ kế toán chi phí (KTCP) mới để ứng phó nhằm giúp nhà quản trị có thông tin chi phí kịp thời hữu hiệu và thích hợp, để hỗ trợ quá trình ra quyết định và gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) mình. KTCP dựa trên mức độ hoạt động (Activity based costing – ABC) ra đời từ năm 1980, khắc phục được phương pháp KTCP truyền thống, giúp cho nhà quản trị đưa ra các quyết định đúng đắn trong việc cải tiến quy trình, giá bán, mối quan hệ khách hàng. Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp KTCP dựa trên mức độ hoạt động (gọi là phương pháp kế toán ABC) gặp rất nhiều khó khăn. Bằng việc tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan và kết hợp phỏng vấn chuyên gia, tác giả đưa đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố tác động đến việc áp dụng phương pháp KTCP dựa trên mức độ hoạt động trong các DNNVV tại Bình Dương nhằm giúp cho nhà quản trị xác định được các điều kiện phù hợp, để áp dụng thành công phương pháp KTCP dựa trên mức độ hoạt động trong DN.

Từ khóa: nhân tố tác động, phương pháp kế toán ABC, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Bình Dương.

Abstract

Currently, the problem of economic integration in the world has posed for managers in small and medium-sized enterprises (SMEs) in Vietnam in general and SMEs in Binh Duong in particular. New cost accounting tools to respond to help managers have timely, effective and appropriate cost information to support the decision making process and increase the competitive advantage of their enterprises. Activity-based cost accounting (ABC) introduced in 1980 overcomes the traditional cost accounting method, helping managers make the right decisions in process improvement, pricing. sales, customer relationships. However, the application of cost accounting method based on activity level (called ABC accounting method) faces many difficulties. By reviewing related research works combined with expert interviews, the author proposes a research model of the factors affecting the application of the activity level-based cost accounting method in different industries SMEs in Binh Duong, in order to help managers determine the appropriate conditions to successfully apply the cost accounting method based on the level of activity in the business.

Keywords: impact factors, ABC accounting method, SMEs in Binh Duong.

JEL Classifications: M40, M41, M49.

DOIhttps://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.0920237

  1. Đặt vấn đề

Toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại quốc tế đã và đang là xu thế của nền kinh tế thế giới số. Quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và hiệu quả của Việt Nam với kinh tế thế giới, đã đem lại những thành tựu to lớn cho đất nước và cho DN. DN Việt Nam nói chung và DNNVV nói riêng, có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào thị trường toàn cầu, hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính quốc tế, tiếp cận được luồng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, các DN nói chung và DNNVV nói riêng không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Tại Việt Nam, các DNNVV chiếm tỷ trọng rất lớn trong số các DN đang kinh doanh, với gần 517.900 DN đang vận hành kinh doanh. Trong đó, DNNVV chiếm 98,1% (tương ứng 507.860 DN). DNNVV có vai trò to lớn và rất quan trọng đối với quá trình tăng trưởng kinh tế của quốc gia, đối với vấn đề tạo công ăn việc làm và ổn định đời sống xã hội cho đại đa số lực lượng lao động ở các thành thị và cả nông thôn. Hiện nay, DNNVV đang đối mặt với những thách thức mới được tạo ra, khi môi trường kinh doanh thay đổi nhanh hơn và ngày càng trở nên khó lường hơn bao giờ hết theo xu hướng hội nhập toàn cầu. Trước bối cảnh đó, thông tin KTQT chi phí đóng vai trò quan trọng, là công cụ chủ yếu giúp nhà quản trị thực hiện các chức năng điều hành kiểm soát và ra quyết định cho các hoạt động hiện thời của DNNVV. Đồng thời, thiết lập căn cứ khoa học cho các hoạt động trong tương lai.

Sự hiểu biết sâu sắc về chi phí liên quan đến sản phẩm, giúp các nhà quản lý xác định mức tiêu thụ nguồn lực cho từng loại sản phẩm và hỗ trợ cho các quyết định về chính sách giá. Giá thành sản phẩm sẽ bao gồm ba yếu tố chính: chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung. Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp và chi phí nhân công trực tiếp kết tinh hết vào trong sản phẩm; tuy nhiên, với chi phí sản xuất chung thì việc phân bổ vào trong các sản phẩm là khó khăn với nhiều hoạt động hỗ trợ phức tạp. Các hoạt động này không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra và không có cơ sở chung nào để phân bổ chi phí sản xuất chung cho tất cả hoạt động khác nhau đến các sản phẩm khác nhau.

Theo hệ thống tính giá thành truyền thống thì chi phí sản xuất chung sẽ phân bổ cho các sản phẩm theo khối lượng sản phẩm căn cứ vào chỉ tiêu, như giờ lao động, mức nguyên liệu hay giờ máy. Tuy nhiên, trong sản xuất có những hoạt động không liên quan đến khối lượng sản phẩm, điều này làm cho sự phân bổ không chính xác. Khi hệ thống chi phí phát triển thì cho thấy, lao động trực tiếp và chi phí sản xuất chung đi ngược chiều với nhau. Đồng thời, các hoạt động trước đây thực hiện bằng tay tính theo giờ máy thì được thay thế bằng máy móc tự động hoá và xuất hiện nhiều chủng loại sản phẩm, nên việc phân bổ theo truyền thống rất khó thực hiện. Phương pháp tính chi phí dựa trên hoạt động (ABC) được nghiên cứu bởi Robin S. Cooper and Robert Kaplan (1988), đã khắc phục những nhược điểm trên (Uyên, 2014).

Như vậy, phương pháp tính chi phí dựa trên hoạt động là một trong những “công cụ” quan trọng giúp cho các DNNVV ghi nhận thông tin chi phí, tạo được lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Qua khảo sát sơ bộ tại các DNNVV Bình Dương, việc vận dụng phương pháp ABC vào hoạt động kế toán của các DN còn rất ít và hạn chế, tỷ lệ vận dụng các công cụ của phương pháp ABC vào DNNVV còn rất thấp, hầu hết các DNNVV vận dụng các công cụ kỹ thuật truyền thống theo quy định chung của kế toán tài chính, phục vụ cho việc ghi nhận chi phí, tính giá thành sản phẩm và lập báo cáo tài chính mà chưa chú trọng đến việc cung cấp thông tin cho nhà quản trị thực hiện chức năng hoạch định, kiểm soát chi phí và ra quyết định, nên hiệu quả đóng góp cho công tác KTQT chi phí không cao. Do đó, cần thiết đổi mới và ứng dụng phương pháp kế toán ABC tại các DNNVV Bình Dương, bởi tính ưu việt của phương pháp này, trong đó nhận diện và đo lường mức độ tác động của các nhân tố đến việc áp dụng phương pháp kế toán ABC trong DNNVV tại Bình Dương sẽ giúp cho nhà quản trị định hướng cách thức triển khai sử dụng phương pháp ABC nhanh chóng và hiệu quả.

Chính vì vậy, nghiên cứu thực hiện với mục đích, xem xét đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng áp dụng thành công phương pháp kế toán ABC. Từ đó, thiết kế mô hình nghiên cứu về các nhân tố tác động đến việc áp dụng phương pháp kế toán ABC.

  1. Tổng quan nghiên cứu

Phương pháp kế toán ABC khắc phục được các nhược điểm của phương pháp truyền thống: thứ nhất, thông tin về giá thành được phản ánh chính xác hơn, giá thành sản phẩm ngoài chi phí sản xuất trực tiếp còn tính đến chi phí hoạt động hỗ trợ gián tiếp, như chi phí bán hàng và phân phối làm cho tỷ trọng của chi phí sản xuất chung sẽ chính xác hơn; thứ hai, phương pháp kế toán ABC hỗ trợ cho việc ra quyết định của nhà quản lý, vì phương pháp ABC sẽ xây dựng chi phí dựa trên mối quan hệ nhân quả giữa chi phí phát sinh của từng hoạt động và mức độ tham gia của từng hoạt động vào quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm. Do đó, phương pháp này phản ánh chính xác hơn mức tiêu hao nguồn lực sản xuất sản phẩm; thứ ba, hiệu quả quản lý trong tổng thể tổ chức được nâng cao, cách xác định chi phí hoạt động và mức độ đóng góp của các hoạt động này đối với từng loại sản phẩm, giúp nhà quản lý xác định được hoạt động có tham gia cao, hoạt động tham gia thấp và hoạt động không có tham gia. Từ đó, nhà quản lý sẽ loại trừ được những hoạt động không có sự tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm. Ngoài ra, nhà quản lý có thể xem xét những hoạt động có chi phí cao và áp dụng các giải pháp cắt giảm chi phí phù hợp, mà vẫn giữ nguyên chất lượng và hiệu quả của sản phẩm; và cuối cùng, phương pháp ABC hỗ trợ xây dựng hệ thống đánh giá và khen thưởng người lao động, dẫn đến nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động, làm giảm chi phí và cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Như vậy, phương pháp ABC chỉ ra mối quan hệ rõ ràng giữa ba yếu tố: chi phí, mức độ hoạt động và mức độ đóng góp của từng hoạt động vào từng sản phẩm. Nhận biết được mối quan hệ giữa ba yếu tố này sẽ thay đổi tư duy quản lý từ cắt giảm chi phí sang nâng cao hoạt động tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm và giảm đi các hoạt động không hỗ trợ, không tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Điều này có nghĩa là, chi phí gia tăng sẽ chấp nhận nếu như tạo ra được lợi ích gia tăng cho sản phẩm cao hơn chi phí gia tăng.

Tại các nước phát triển, phương pháp kế toán ABC nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học và nhà quản trị thuộc các lĩnh vực khác nhau, các nghiên cứu yếu tố ảnh hưởng đến khả năng vận dụng thành công phương pháp kế toán ABC. Lợi ích của phương pháp kế toán ABC và những tác động của nó đối với hiệu quả kinh tế của DN, đã thúc đẩy nhiều nghiên cứu thực nghiệm và được coi là một trong những công cụ kế toán quản lý hiệu quả nhất (Ahadi & Azar, 2016).

Ngoài những nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu về cách thức ứng dụng thực tế phương pháp kế toán ABC của DN thuộc các lĩnh vực khác nhau, các nghiên cứu về yếu tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng thực tế phương pháp kế toán ABC, lợi ích của phương pháp kế toán ABC và các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của phương pháp kế toán ABC cũng được các nhà nghiên cứu và DN quan tâm, điển hình như:

Nghiên cứu của Anderson (1999) đã tiến hành đánh giá hệ thống xác định chi phí hoạt động tại General Motor, dữ liệu phỏng vấn thu thập từ 21 công ty và đã chỉ ra hai nhóm yếu tố ảnh hưởng đến quá trình vận dụng phương pháp kế toán ABC, đó là: nhóm yếu tố bên trong tổ chức, như sự hỗ trợ của quản lý cấp cao, sự bồi dưỡng đào tạo chuyên môn để áp dụng phương pháp kế toán ABC và nhóm yếu tố bên ngoài, như mức độ cạnh tranh, sự phù hợp của các quyết định quản trị, sự thích nghi hệ thống hiện hành.

Nghiên cứu của Khalid (2005) xem xét các yếu tố nào đã tác động đến việc các DN ở Ả Rập Xê-Út, vận dụng phương pháp kế toán ABC và đã thực hiện khảo sát các DN sản xuất ở Ả Rập Xê-Út, đã đưa ra hai nhóm yếu tố tác động đến sự áp dụng thành công phương pháp kế toán ABC, đó là: nhóm yếu tố thuộc tổ chức, như sự hỗ trợ của nhà quản lý/chủ DN, trình độ của nhân viên kế toán và nhóm yếu tố thuộc bối cảnh, như tính hữu ích của thông tin chi phí, quy mô DN, sự áp dụng công nghệ thông tin.

Majid & Sulaiman (2008) đã nghiên cứu vận dụng phương pháp kế toán ABC vào các DN đa quốc gia Malaysia và đã chỉ ra những lợi ích của việc vận dụng phương pháp này. Nghiên cứu đã đưa ra được các yếu tố cần thiết để đảm bảo vận dụng thành công phương pháp kế toán ABC là: cơ cấu tổ chức DN cần thiết kế theo mô hình nằm ngang, trong đó quy trình sản xuất được phân chia thành các hoạt động; trình độ của nhân viên tham gia quy trình phương pháp kế toán ABC cần phải có đủ năng lực và hiểu biết sâu rộng về công nghệ thông tin vận hành trong chu trình; thông tin chi phí của các hoạt động và sự ủng hộ của nhà quản lý/chủ DN.

Trong nghiên cứu của Fei & Isa (2010) đã nhận định, các yếu tố hành vi, tổ chức và kỹ thuật là những yếu tố chính quyết định sự thành công của phương pháp kế toán ABC, ngoài ra còn có yếu tố văn hoá, cơ cấu của tổ chức cũng có ảnh hưởng.

Tương tự, trong nghiên cứu của Upping & Oliver (2011) để nhận diện các yếu tố tác động đến việc vận dụng phương pháp kế toán ABC vào trong DN thì nhóm tác giả đã thực hiện khảo sát 78 trường đại học ở Thái Lan. Kết quả có đến 49,2% các tác nhân trả lời là việc áp dụng phương pháp kế toán ABC là rất cần thiết và mang lại hiệu quả trong quản trị tài chính của trường. Đồng thời, cũng đưa ra được rào cản để áp dụng phương pháp kế toán ABC là thiếu phần mềm thích hợp, khó thu thập dữ liệu và trình độ của nhân viên kế toán.

Ở Việt Nam, nghiên cứu liên quan đến phương pháp kế toán ABC là các nghiên cứu thử nghiệm áp dụng tại một số DN, như: nghiên cứu của Anh (2012), nghiên cứu các yếu tố tác động đến phương pháp xác định chi phí theo hoạt động bao gồm các yếu tố hành vi tổ chức, cơ cấu tổ chức DN, trình độ kỹ thuật và yếu tố văn hoá DN, tuy nhiên các yếu tố trong mô hình này chưa được tác giả kiểm định đo lường mức độ ảnh hưởng; Uyen (2014) đã thực hiện khảo sát 61 DN Việt Nam hàng đầu do Vietnam Report công bố, đã đưa ra được các yếu tố tác động đến việc áp dụng phương pháp kế toán ABC trong các DN này bao gồm lĩnh vực công nghiệp, quy mô DN, sự đa dạng sản phẩm, cơ cấu chi phí, vấn đề về kỹ thuật với mức độ tác động từ trên xuống thấp lần lượt là vấn đề về kỹ thuật, sự đa dạng về sản phẩm, quy mô DN, cơ cấu chi phí và cuối cùng là lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn còn chưa lược sử được các yếu tố khác có sự tác động. Đồng thời, tại Việt Nam, các DN áp dụng phương pháp kế toán ABC còn rất hạn chế chỉ có 7 DN áp dụng, nên số lượng DN có áp dụng được khảo sát chưa đại diện hết cho các nhân tố; cũng với tác giả Uyên (2016), đã tiếp tục thực hiện nghiên cứu trong năm 2016 về các nhân tố tác động đến việc áp dụng phương pháp kế toán ABC tại các công ty dược phẩm Việt Nam, thì đã đưa ra các nhân tố đó là: tổng doanh thu, sự đa dạng sản phẩm, cơ cấu chi phí. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ dừng lại việc đánh giá có hay không mối tương quan giữa các yếu tố để khả năng vận dụng phương pháp kế toán ABC mà chưa đo lường được mức độ doanh thu phải ở mức nào, cấu trúc chi phí với tỷ lệ ra sao thì DN có thể vận dụng thành công phương pháp kế toán ABC; trong nghiên cứu Trình Quốc Việt (2020) nhận định, các DN có quy mô lớn thì thường dễ áp dụng phương pháp kế toán ABC hơn vì phương pháp này mang lại nhiều lợi ích cho các DN này, còn các DN có quy mô nhỏ thì không áp dụng, đối với các DN quy mô vừa thường có sự so sánh giữa chi phí để cấu trúc lại quy trình sản xuất, nguồn lực DN so với lợi ích mang lại của phương pháp này để tiến đến nên vận dụng phương pháp kế toán ABC hay không; Lê Văn Tân (2022) thực hiện nghiên cứu, nhằm đánh giá mức độ vận dụng phương pháp kế toán ABC trong các DN tại Bình Định, nên cũng đã thực hiện khảo sát với 116 DN và đã đo lường và kiểm định được các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng phương pháp kế toán ABC, gồm cạnh tranh, sự hỗ trợ của nhà quản trị cấp cao, điều kiện kỹ thuật, nhận thức về phương pháp kế toán ABC.

Như vậy, mặc dù có nhiều nghiên cứu về các nhân tố tác động đến khả năng vận dụng thành công phương pháp kế toán ABC vào các loại hình DN khác nhau trên thế giới và ở Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chủ yếu được thực hiện ở các nước phát triển, chỉ có một số nghiên cứu được thực hiện ở các nước đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam. Các nghiên cứu ở Việt Nam chỉ dừng lại đánh giá có hay không mối quan hệ giữa các yếu tố đến việc vận dụng, thực hiện trong các DN quy mô lớn, chỉ có vài nghiên cứu kiểm định và đo lường như Uyên (2014), Lê Văn Tân (2022), mà chưa có nghiên cứu nào thực hiện trong các DN có quy mô nhỏ và vừa tại Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện, nhằm tìm hiểu và đánh giá mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến khả năng vận dụng thành công phương pháp kế toán ABC trong các DNNVV, thực nghiệm tại tỉnh Bình Dương.

  1. Cơ sở lý thuyết

Các quan điểm nghiên cứu về phương pháp kế toán ABC đều cho rằng, phương pháp này nhấn mạnh đến các hoạt động như là đối tượng tập hợp chi phí chủ yếu. Chi phí hoạt động này sẽ được phân bổ cho những đối tượng tính giá thành theo số lượng các hoạt động mà đối tượng sử dụng. Phương pháp kế toán ABC khắc phục được nhược điểm phương pháp KTCP truyền thống, cung cấp thông tin linh hoạt và hữu ích hơn cho nhà quản trị ra quyết định. Phương pháp kế toán ABC không chỉ hướng đến mục tiêu chính xác giá thành, mà còn đặt ra mục tiêu cung cấp thông tin chi phí cho các nhà quản trị ra quyết định. Để giải thích được mức độ thành công khi áp dụng phương pháp kế toán ABC, tác giả lập luận trên cơ sở lý thuyết sau:

3.1. Lý thuyết đại diện

Lý thuyết đại diện cho rằng, quan hệ giữa chủ DN hay cổ đông và nhà quản lý là quan hệ đại diện (quan hệ ủy thác), cả hai đều muốn tối đa hoá lợi ích của mình. Do đó, có cơ sở để tin rằng nhà quản lý sẽ không hành động vì lợi ích tốt nhất cho người chủ (cổ đông). Từ đó xung đột sẽ phát sinh, khi thông tin không đầy đủ và bất cân xứng giữa cổ đông và nhà quản lý, vì lợi ích của cả hai khác nhau. Cho nên, mức độ vận dụng phương pháp kế toán ABC thành công sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ giữa chủ DN, nhà quản lý và nhà đầu tư bên ngoài, về cơ chế giám sát, cơ chế đãi ngộ và sự phân quyền (Nguyễn La Soa, 2018).

3.2. Lý thuyết bất định

Lý thuyết này đã được phát triển và sử dụng bởi các nhà nghiên cứu KTQT trong những năm 1970 đến năm 1980. Lý thuyết này giả định rằng, hoạt động hiệu quả của DN phụ thuộc vào mức độ phù hợp của cấu trúc DN với các sự kiện ngẫu nhiên xảy ra trước và mức độ hiệu quả của giải pháp còn tuỳ thuộc vào đặc điểm của DN cũng như môi trường xung quanh. Các nhân tố bất định tác động đến cấu trúc của DN, có thể chia làm bốn nhóm: số năm thành lập và quy mô của DN, hệ thống kỹ thuật DN đó sử dụng, môi trường xung quanh và sức mạnh của các mối liên hệ (Trần Ngọc Hùng, 2016).

Theo Otley (1980) thì cho rằng, các yếu tố bất định tác động đến thiết kế của DN cũng đồng thời tác động đến các công cụ kỹ thuật kế toán và đã chỉ ra rằng, cấu trúc của DN phụ thuộc vào công nghệ và môi trường hoạt động của DN và sự hiệu quả của hệ thống KTQT lại phụ thuộc bất định vào cấu trúc của DN. Việc xác định mối quan hệ giữa thông tin với công nghệ của DN cũng như môi trường hoạt động, có ảnh hưởng quan trọng đến việc tổ chức cấu trúc của DN. Nếu DN hoạt động trong môi trường kinh doanh không ổn định hay áp dụng công nghệ đòi hỏi thay đổi liên tục thì thông tin chủ yếu là nội bộ và ngược lại, nếu môi trường hoạt động ổn định hoặc công nghệ ít thay đổi thì thông tin là hướng ra bên ngoài (Otley, 1980).

Lý thuyết mối quan hệ lợi ích và chi phí

Xét một cách tổng thể thì lợi ích từ thông tin kế toán có thể phục vụ cho người sử dụng là các bên có liên quan, là nhà đầu tư và ngay cả chính bản thân DN; còn chi phí thì do người lập báo cáo thông tin kế toán gánh chịu, nhưng xét rộng ra thì chi phí này do xã hội gánh chịu (Vũ Hữu Đức, 2010).

Lý thuyết quan hệ lợi ích – chi phí chỉ ra rằng, lợi ích có được từ việc các thông tin kế toán được cung cấp phải được xem xét trong mối quan hệ với chi phí dùng để tạo ra và cung cấp thông tin đó. Vì vậy, luôn luôn phải xem xét và cân bằng mối quan hệ này nhằm đảm bảo chi phí tạo ra không được vượt quá lợi ích mang lại (Vũ Hữu Đức, 2010).

Như vậy, mức độ vận dụng thành công phương pháp kế toán ABC phải được xem xét lợi ích tăng thêm khi thực hiện phân bổ chi phí theo phương pháp kế toán ABC mang lại cho DN và chi phí tăng thêm mà DN phải bỏ ra khi áp dụng phương pháp kế toán ABC này.

  1. Mô hình nghiên cứu đề xuất và giả thuyết nghiên cứu

Từ cơ sở nghiên cứu các mô hình liên quan đến các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng phương pháp kế toán ABC trong các DNNVV, tác giả tiến hành tổng hợp những điểm mới nổi bật từ các nhân tố ảnh hưởng, kế thừa các kết quả nghiên cứu trước và kết hợp phỏng vấn các chuyên gia, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu, tại Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

4.1. Nhân tố “Trình độ kế toán viên”

Trần Ngọc Hùng (2016), Trần Văn Tùng và cộng sự (2021) là các tác giả nghiên cứu sự tác động của nhân tố trình độ kế toán viên ảnh hưởng đến việc áp dụng KTQT. Nghiên cứu của các tác giả cho thấy, trình độ người làm kế toán mà kém là một trong các lý do các DN không sẵn sàng để áp dụng KTQT hay phương pháp kế toán ABC cho DN.

Bajus & Stasova (2014) cho rằng, trình độ nguồn nhân lực kế toán sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng xử lý các tình huống về phân tích hệ thống, tách biệt các đối tượng chi phí cho mỗi hoạt động và phân bổ.

Nguyễn La Soa (2018) cũng cho rằng, trình độ của nguồn nhân lực trong DN, đặc biệt những người vận hành trực tiếp có sự hiểu biết về phương pháp kế toán ABC có ảnh hưởng mạnh mẽ khả năng áp dụng phương pháp kế toán ABC. Dựa nền tảng lý thuyết đại diện, giả thuyết thứ nhất được tác giả xác định như sau:

Giả thuyết H1: Trình độ kế toán viên có tác động cùng chiều đến áp dụng phương pháp kế toán ABC trong các DNNVV tại Bình Dương.

4.2. Nhân tố “Quy mô DN”

Các tác giả như Uyen (2014), Trần Ngọc Hùng (2016), Bùi Thị Trúc Quy (2020), Trần Văn Tùng và cộng sự (2021) khẳng định, khác biệt giữa DN có quy mô siêu nhỏ với các DN nhỏ hay vừa, sự khác biệt này là cơ sở trọng yếu để khám phá ra sự cần thiết phải xây dựng hệ thống KTQT hay phương pháp kế toán ABC phù hợp cho DNNVV, nó làm nảy sinh nhu cầu áp dụng KTQT hay phương pháp kế toán ABC trong DN và ảnh hưởng đến việc áp dụng phương pháp kế toán ABC trong các DNNVV. Từ những nghiên cứu trên tác giả nhận định, DN có quy mô khác nhau sẽ tác động đến việc áp dụng phương pháp kế toán ABC trong DN, giả thuyết thứ hai liên quan đến quy mô DN là:

Giả thuyết H2: Quy mô DN có tác động cùng chiều đến áp dụng phương pháp kế toán ABC trong các DNNVV tại Bình Dương.

4.3. Nhân tố “Nguồn lực tài chính của DN”

Các tác giả như Upping & Oliver (2011), Majid & Ali (2013) cho rằng, để triển khai vận dụng phương pháp kế toán ABC thì vấn đề tổ chức, huấn luyện cho toàn DN phải được thực hiện. Do đó, cần phải có đầy đủ nguồn lực tài chính, thời gian để thực hiện.

Bajus & Stasova (2014) cho rằng, khi tiến hành triển khai phân bổ chi phí theo phương pháp kế toán ABC cần có sự phân tích định lượng, điều này đòi hỏi phải trang bị máy tính để xử lý và phần mềm phải viết riêng cho DN theo từng đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh, nên các DN cần chuẩn bị nguồn lực tài chính cho những công việc trên. DN nào có sự chuẩn bị nguồn lực tài chính tốt cho việc áp dụng thì sẽ tác động đến việc các DNNVV áp dụng thành công phương pháp kế toán ABC. Giả thuyết thứ ba được xác định là:

Giả thuyết H3: Nguồn lực tài chính của DN có tác động cùng chiều đến áp dụng phương pháp kế toán ABC trong các DNNVV tại Bình Dương.

4.4. Nhân tố “Ứng dụng công nghệ thông tin”

Amudo & Inanga (2009) nhận định, nhân tố công nghệ thông tin phải hiện hữu và hoạt động hiệu quả để tạo nên sự hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ, làm cho tổ chức sẽ ứng dụng nó vào trong hoạt động kiểm toán nội bộ trong tổ chức mình. Bên cạnh đó, Lê Văn Tân (2022) cũng khẳng định, việc áp dụng công nghệ thông tin sẽ thúc đẩy việc thực hiện phương pháp kế toán ABC trong DN. Từ những kết quả của các nghiên cứu trên, tác giả nhận định, ứng dụng hệ thống thông tin trong DNNVV mà hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến việc áp dụng phương pháp kế toán ABC trong các DNNVV và giả thuyết thứ tư được đặt ra như sau:

Giả thuyết H4: Ứng dụng công nghệ thông tin có tác động cùng chiều đến áp dụng phương pháp kế toán ABC trong các DNNVV tại Bình Dương.

4.5. Nhân tố “Sự quan tâm của chủ DN/nhà quản lý đến việc vận dụng phương pháp kế toán ABC trong DN”

Đối với các DNNVV, chủ sở hữu và người quản lý thường không tách rời, có thể đóng vai trò lớn trong việc ra quyết định của DN. Petra Klink (2016) phát hiện ra rằng, các DN nào có chủ hoặc người quản lý mà có tinh thần kinh doanh biết tham gia vào công tác điều hành và quan tâm đến chiến lược kinh doanh tinh vi so với các chủ DN, hoặc người quản lý DNNVV khác thì có ảnh hưởng rất lớn đến việc tăng khả năng ứng dụng hệ thống thông tin tinh vi trong công tác kế toán của DN mình và người chủ DN/nhà quản lý có sự quan tâm thì có xu hướng vận dụng công tác KTQT. Trần Văn Tùng và cộng sự (2021) cũng xác định, kết quả là khi người chủ DN có sự quan tâm đến KTQT thì thường có xu hướng vận dụng nó vào trong DN của mình. Lê Văn Tân (2022) cũng khẳng định, điều kiện kỹ thuật rõ ràng sẽ thúc đẩy việc thực hiện phương pháp kế toán ABC trong DN. Từ kết quả trên kết hợp với lý thuyết bất định, tác giả phát triển giả thuyết thứ năm như sau:

Giả thuyết H5: Sự quan tâm của chủ DN/nhà quản lý đến việc áp dụng phương pháp kế toán ABC có tác động cùng chiều đến việc áp dụng phương pháp kế toán ABC trong các DNNVV tại Bình Dương.

4.6. Nhân tố “Chi phí/lợi ích”

Erserim (2012), Trần Văn Tùng và cộng sự (2021) là những tác giả thực hiện nghiên cứu xem xét mối quan hệ giữa chi phí tổ chức KTQT với việc DNNNV có vận dụng hoạt động đó vào trong DN của mình hay không. Kết quả nghiên cứu đã đúc kết rằng, khi chi phí thực hiện hoạt động KTQT hay phương pháp kế toán ABC mà thấp hoặc phù hợp với nguồn lực tài chính của DN, thì hầu như các DN sẽ áp dụng hoạt động KTQT hay phương pháp kế toán ABC vào trong DN mình. Dựa vào kết luận trên, tác giả đi đến xây dựng giả thuyết thứ sáu là:

Giả thuyết H6: Chi phí/lợi ích có tác động cùng chiều đến áp dụng phương pháp kế toán ABC trong các DNNVV tại Bình Dương.

  1. Thang đo biến độc lập và biến phụ thuộc

Các thang đo chính thức của mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng phương pháp kế toán ABC trong các DNNVV tại Bình Dương được trình bày dựa trên mô hình và thang đo được xây dựng từ cơ sở lý luận, sau đó thông qua các chuyên gia cho ý kiến đóng góp về nhân tố, về thang đo, liệu thang đo của biến nghiên cứu đã đủ chưa, có cần bổ sung, điều chỉnh gì hay không qua đó góp phần xây dựng thang đo chính thức cho nghiên cứu này.

5.1. Thang đo của nhân tố “Trình độ kế toán viên”

Thang đo này được kế thừa từ kết quả nghiên cứu của Trần Ngọc Hùng (2016), Trần Văn Tùng và cộng sự (2021), Bajus & Stasova (2014), Nguyễn La Soa (2018) và ý kiến chuyên gia, gồm 4 biến quan sát: Kỹ năng nghề nghiệp của kế toán viên ảnh hưởng đến việc áp dụng phương pháp kế toán ABC; Kế toán viên có trình độ phù hợp với vị trí công tác ảnh hưởng đến việc áp dụng phương pháp kế toán ABC; Kinh nghiệm nghề nghiệp của kế toán viên ảnh hưởng đến việc áp dụng phương pháp kế toán ABC và kế toán viên có tinh thần học hỏi và luôn cập nhật thường xuyên về kiến thức chuyên môn.

5.2. Thang đo của nhân tố “Quy mô DN”

Thang đo này được kế thừa từ kết quả nghiên cứu của Uyên (2014), Trần Ngọc Hùng (2016), Bùi Thị Trúc Quy (2020), Trần Văn Tùng và cộng sự (2021) và ý kiến chuyên gia gồm 4 biến quan sát: Doanh thu càng cao càng tạo động lực cho các DNNVV áp dụng áp dụng phương pháp kế toán ABC; Số lượng lao động càng nhiều càng tạo động lực cho các DNNVV áp dụng áp dụng phương pháp kế toán ABC; Số lượng các phòng ban càng lớn càng tạo động lực cho các DNNVV áp dụng phương pháp kế toán ABC và tổng tài sản càng lớn thì có nhu cầu áp dụng phương pháp kế toán ABC trong DNNVV.

5.3. Thang đo của nhân tố “Nguồn lực tài chính của DN”

Thang đo này được kế thừa từ kết quả nghiên cứu của Upping & Oliver (2011), Majid & Ali (2013), Bajus & Stasova (2014), Nguyễn La Soa (2018) và ý kiến chuyên gia gồm 4 biến quan sát: Khả năng bố trí thời gian cho đào tạo nhân viên; Khả năng cung cấp chi phí để thực hiện đào tạo; Khả năng đáp ứng về phần mềm hỗ trợ thực hiện và khả năng đáp ứng ngân sách thực hiện.

5.4. Thang đo của nhân tố “Ứng dụng công nghệ thông tin”

Thang đo này được kế thừa từ kết quả nghiên cứu của Amudo & Inanga (2009) và Lê Văn Tân (2022) và ý kiến chuyên gia gồm 4 biến quan sát: Hệ thống máy tính của DN đáp ứng hoạt động tại mọi thời điểm; Ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ hữu hiệu cho công tác lập dự toán chi phí – doanh thu; Ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ hữu hiệu cho công tác tập hợp và phân tích biến động chi phí và nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ quản lý và nhân viên, để đáp ứng được nền tảng thông tin ABC trong thời đại 4.0.