Ngành Thuế đã giải quyết 2.317 hồ sơ hoàn thuế GTGT điện tử

Ngành Thuế đã giải quyết 2.317 hồ sơ hoàn thuế GTGT điện tử

Triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về chính phủ điện tử, ngành Thuế tập trung ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí hoạt động; tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, kết quả triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử tính đến ngày 31/8/2017, ngành Thuế đã đăng ký cho khoảng 5.200 doanh nghiệp tham gia dịch vụ hoàn thuế điện tử và đã giải quyết 2.317 hồ sơ hoàn thuế GTGT điện tử với tổng số tiền thuế GTGT được hoàn theo phương thức điện tử là 12.553,8 tỷ đồng; riêng trong tháng 8/2017 ngành Thuế đã giải quyết hoàn thuế theo phương thức điện tử đối với 775 hồ sơ với tổng số tiền thuế GTGT đã hoàn là 4.167,4 tỷ đồng; bằng 40,3% số hồ sơ, 41,5% số tiền thuế GTGT đã giải quyết hoàn trong tháng 8/2017 và bằng 43% số hồ sơ, 41,8% số tiền thuế GTGT đã giải quyết hoàn đối với trường hợp xuất khẩu và dự án đầu tư trong tháng 8/2017.

Trong tháng 9/2017, toàn ngành thuế đã tiếp nhận 65,2% hồ sơ điện tử trên tổng số hồ sơ hoàn xuất khẩu và hoàn đầu tư với số tiền thuế đề nghị hoàn chiếm tỷ trọng 63% hoàn xuất khẩu và hoàn đầu tư. Đáng chú ý đã có 43 Cục Thuế đạt chỉ tiêu trên 90% số hồ sơ, số tiền đề nghị hoàn thuế điện tử của riêng hoàn xuất khẩu, đầu tư; 54 Cục Thuế đạt chỉ tiêu trên 70% số hồ sơ, số tiền đề nghị hoàn điện tử của riêng hoàn xuất khẩu, đầu tư. Có 4 Cục Thuế không phát sinh hồ sơ hoàn xuất khẩu, đầu tư.

Trên cơ sở các kết quả đạt được từ khi triển khai dịch vụ hoàn thuế đến nay, nhằm tiếp tục mở rộng triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử đến tất cả doanh nghiệp thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng trường hợp xuất khẩu, đầu tư, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ như:

– Tổng cục Thuế tiếp tục nâng cấp hệ thống, ứng dụng CNTT, khắc phục các vướng mắc, lỗi hệ thống về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả hoàn thuế điện tử nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng kịp thời cho NNT.

– Đối với các Cục Thuế: lập danh sách NNT thuộc đối tượng hoàn thuế xuất khẩu, dự án đầu tư chưa tập huấn, chưa đăng ký thực hiện hoàn thuế điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, tiếp tục tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, thường xuyên nắm bắt các khó khăn vướng mắc để hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp NNT, đảm bảo các hồ sơ hoàn thuế của NNT thực hiện bằng phương thức điện tử ngay từ tháng 9/2017; tiếp tục phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoàn thuế điện tử.

Mục tiêu: toàn ngành thuế phấn đấu đạt được các mục tiêu đến hết năm 2017 như sau:

– Đến 31/12/2017, 100% doanh nghiệp thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng trường hợp xuất khẩu, đầu tư đăng ký sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử;

– Cuối quý 4/2017, tối thiểu 90% hồ sơ hoàn thuế chiếm tỷ trọng từ 90% số tiền hoàn thuế trở lên thuộc trường hợp xuất khẩu, đầu tư được thực hiện theo phương thức điện tử so với tổng số hồ sơ và tổng số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. Cụ thể:

+ Tháng 10/2017: tối thiểu 80% hồ sơ hoàn thuế chiếm tỷ trọng từ 80% số tiền hoàn thuế trở lên thuộc trường hợp xuất khẩu, đầu tư được thực hiện theo phương thức điện tử so với tổng số hồ sơ và tổng số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng;

+ Tháng 11/2017: tối thiểu 85% hồ sơ hoàn thuế chiếm tỷ trọng từ 85% số tiền hoàn thuế trở lên thuộc trường hợp xuất khẩu, đầu tư được thực hiện theo phương thức điện tử so với tổng số hồ sơ và tổng số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng;

+ Tháng 12/2017: tối thiểu 90% hồ sơ hoàn thuế chiếm tỷ trọng từ 90% số tiền hoàn thuế trở lên thuộc trường hợp xuất khẩu, đầu tư được thực hiện theo phương thức điện tử so với tổng số hồ sơ và tổng số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.

TCT