Ngành Thuế tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh

Ngành Thuế tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh

Đó là yêu cầu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phụ trách trực tiếp Tổng cục Thuế tại cuộc họp giao ban của Tổng cục Thuế. Theo đó, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu toàn ngành Thuế thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Ngành, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước và quy định pháp luật thuế.

Tổng thu NSNN tháng 1/2023 ước đạt 165.700 tỷ đồng

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2023, Tổng cục Thuế đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý thu ngân sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính. Triển khai các giải pháp phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 của cả nước cũng như từng địa phương theo tinh thần tại các chỉ thị, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và của Bộ Tài chính.

Theo số liệu ước thu NSNN 01 tháng năm 2023 mà Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Tổng thu NSNN lũy kế 01 tháng đầu năm năm 2023 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 165.700 tỷ đồng, đạt 12,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 104,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể: (i) Thu từ dầu thô ước đạt 5.300 tỷ đồng, bằng 12,6% so với dự toán, bằng 167,7% so với cùng kỳ năm 2022; (ii) Thu nội địa ước đạt 160.400 tỷ đồng, bằng 12% so với dự toán pháp lệnh, bằng 103,1% so với cùng kỳ năm 2022. Thu thuế, phí nội địa ước đạt 131.900 tỷ đồng, bằng 12,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 105,4% so với cùng kỳ năm 2022.

– So dự toán: Có 08/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 8%), trong đó một số khoản thu lớn như: Khu vực DNNN ước đạt 13,2%; DN có vốn ĐTNN ước đạt 14,1%; Khu vực CTN và dịch vụ NQD ước đạt 14,8%; Thuế TNCN ước đạt 8,1%; Thu phí – lệ phí ước đạt 10,2%; Thu cổ tức, LNCL ước đạt 22,8%; Thu khác NS ước đạt 32,8%… Có 11/19 khoản thu đạt dưới 8% như: Thu lệ phí trước bạ ước đạt 7,2%; Tiền SD đất ước đạt 6,0%; Thuế BVMT ước đạt 3,1% do thực hiện Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ước đạt 4,4%; Tiền bán nhà ước đạt 5,2%; Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản ước đạt 2,0%;…

– So với cùng kỳ: Có 06/19 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng như: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước tăng 15,3%; Thu từ khu vực DN có vốn ĐTNN ước tăng 18,3%; Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước tăng 21,1%; Thu từ hoạt động xổ số ước tăng 25,3%; Thu khác ngân sách ước tăng 85,7%;…

Đối với công tác thực hiện các chức năng quản lý thuế, toàn ngành Thuế thực hiện được 795 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 0,99% kế hoạch năm 2023 (795 DN/80.132 DN) và bằng 159,64% so với cùng kỳ năm 2022; kiểm tra được 1.196 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 134,84% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng số tiền thu nợ thuế của toàn Ngành trong tháng 1/2023 ước đạt 1.500 tỷ đồng, trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 1.350 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 150 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 và chương trình hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế, triển khai theo đúng tiến độ các dự án công nghệ thông tin. Đặc biệt đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, hóa đơn điện tử có mã cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền, triển khai Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) và triển khai Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử (TMĐT).

Đánh giá sát tình hình, chủ động xây dựng giải pháp quản lý thuế

Tại cuộc họp, đưa ra nhận định về tình hình thu và công tác dự toán, một số vấn đề về dòng vốn của DN hiện nay đã cho thấy dấu hiệu khó khăn của tình hình kinh tế và sản xuất, kinh doanh, do đó công tác dự toán cần tập trung phân tích, đánh giá sát tình hình hoạt động của DN, của thị trường và dự báo những ảnh hưởng đến công tác thu thuế từ tháng 2, 3 trở đi, công tác quyết toán thuế năm 2022 vào thời điểm tháng 3/2023.

Cùng với đó, tiếp tục tổ chức quản lý thuế hiệu quả đối với các NCCNN. Kịp thời giải quyết các vướng mắc để NCCNN thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định, rà soát, đôn đốc các NCCNN thực hiện kê khai, nộp thuế trên Cổng TTĐT dành cho NCCNN.

Đối với tiến độ triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, theo đánh giá hiện công tác triển khai còn khá chậm so với kế hoạch, do đó, Lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu toàn Ngành cần triển khai quyết liệt hơn, tham mưu kịp thời với Bộ Tài chính có những giải pháp cụ thể để cả hệ thống chính trị vào cuộc phối hợp với Bộ Tài chính trong triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Đối với sàn TMĐT, đến nay số lượng sàn gửi thông tin cho cơ quan thuế cũng chưa đạt yêu cầu, do vậy Lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế tiếp tục quyết liệt trong công tác chỉ đạo, đôn đốc, thực hiện để quản lý sàn TMĐT.

Đối với việc tham gia xây dựng các nội dung Trụ cột 2 của BEPS (quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu), Lãnh đạo Tổng cục yêu cầu các Vụ tham mưu của Tổng cục Thuế cần tiếp tục tập trung tham gia, phối hợp với Vụ chức năng của Bộ Tài chính xây dựng quy chế, nội dung và chủ động các công việc liên quan.

Đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành Thuế

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phụ trách Tổng cục Thuế khẳng định, năm 2022 ngành Thuế đã hoàn thành nhiệm vụ một cách toàn diện trên tất cả các mặt công tác. Đây là cơ sở vững chắc để ngay từ những ngày đầu của năm 2023, toàn Ngành triển khai ngay những nhiệm vụ công tác đã đề ra.

Trước những dự báo về khó khăn, thuận lợi của trong năm 2023, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu toàn ngành Thuế triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Thứ nhất, đối với công tác dự toán thu thuế, cần bám sát và đánh giá tình hình kinh tế trong nước, thế giới. Phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để nhận diện đúng những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu NSNN trong tháng 2 và quý I năm 2023.

Thứ hai, đối với công tác thanh tra, kiểm tra, khẩn trương thực hiện thanh kiểm tra các DN thuộc kế hoạch của năm 2022 chuyển sang, đảm bảo hoàn thành trong quý 1/2023. Đồng thời, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 đã được phê duyệt.

Thứ ba, tập trung tăng cường chỉ đạo về hóa đơn điện tử, ngoài việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo thông suốt trên toàn quốc.

Đồng thời, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu các Cục, Vụ chức năng cần khẩn trương hoàn thiện và ban hành ngay bộ chỉ số tiêu chí rủi ro, chống gian lận về hóa đơn. Ngoài ra, tập trung nghiên cứu, báo cáo Bộ Tài chính phương án thành lập Trung tâm cơ sở dữ liệu, triển khai hóa đơn điện tử thuộc Tổng cục Thuế theo hướng thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý hóa đơn, kiểm soát, phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử nhằm thực hiện quản lý thuế hiệu quả.

“Đặc biệt, để triển khai thực hiện thành công hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tôi đề nghị cần sớm xây dựng, trình Bộ Tài chính công văn gửi các đồng chí Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành tích cực phối hợp với cơ quan thuế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.” –  Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đồng thời, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu toàn ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Ngành, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, DN ổn định sản xuất, kinh doanh và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước và quy định pháp luật thuế