29 Th6 Nhận biết về hành vi gian lận thuế, chuyển giá và tìm giải pháp chống chuyển giá
Ngày 27/6/2017, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Hệ Thời sự Chính trị Tổng hợp VOV1 thực hiện giao lưu trực tuyến về nội dung “Nhận biết về hành vi gian lận thuế, chuyển giá và tìm giải pháp chống chuyển giá” để làm rõ chuyện “lỗ giả – lãi thật” của doanh nghiệp- đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện đang là vấn đề nóng và được xã hội quan tâm.
Để làm rõ nội dung này, đại diện Tổng cục Thuế, bà Nguyễn Thị Lan Anh – Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra đã chia sẻ: Chuyển giá là vấn đề hiện nay đang được dư luận quan tâm. Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính nhận thức được rằng Chuyển giá có tác động tiêu cực, làm giảm số thu ngân sách nhà nước, tạo sự bất bình đẳng, môi trường cạnh tranh không lành mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp.
Nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng chuyển giá, báo lỗ, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các doanh nghiệp liên kết nhằm khắc phục tình trạng thất thu ngân sách quốc gia, đảm bảo các quy định, quy chế tài chính được tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Tổng cục Thuế đã quyết liệt thực hiện một số biện pháp sau:
1. Về chính sách: Ngoài việc ban hành khung pháp lý về chống chuyển giá qua hệ thống các văn bản từ các Luật (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 09/2003/QH11 ngày 17/06/2003; Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006; Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 20/11/2015); Các Thông tư hướng dẫn chi tiết (Thông tư số 74/1997/TT-BTC ngày 20/10/1997; Thông tư số 89/1999/TT-BTC ngày 16/7/1999; Thông tư số 13/2001/TT-BTC ngày 8/3/2001; Thông tư 117/2005/TT-BTC ngày 19/12/2005; Thông tư số 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010).
Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục thực hiện xây dựng khung pháp lý đồng bộ và hiệu quả hơn để xử lý vấn đề trốn thuế, tránh thuế. Theo đó, ngày 20/12/2013 Tổng cục Thuế đã tham mưu trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 201/2013/TT-BTC hướng dẫn việc áp dụng thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế;
Ngày 24/2/2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; Đồng thời Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
2. Về công tác thanh tra, kiểm tra: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết, tập trung vào các doanh nghiệp lỗ nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công, sản xuất, lắp ráp theo các đơn hàng của công ty liên kết ở nước ngoài nhưng liên tục báo lỗ… Qua thanh tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với đơn vị có hành vi chuyển giá; Đồng thời, tuyên truyền hỗ trợ Người nộp thuế thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định.
3. Về trao đổi thông tin với cơ quan thuế các nước: Tổng cục Thuế giải quyết các thỏa thuận song phương về thuế liên quan đến giá chuyển nhượng theo Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần; tham gia quá trình giải quyết các thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) và thanh tra việc tuân thủ thực hiện khi các thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đã tham gia ký kết. Trong thời gian tới, cơ quan thuế Việt Nam sẽ tăng cường trao đổi thông tin với Cơ quan thuế nước ngoài và các tổ chức nước ngoài phục vụ cho phân tích rủi ro và thanh tra giá chuyển nhượng.
4. Tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả công tác quản lý thuế, công tác thanh tra thuế đối với hoạt động chuyển giá của toàn ngành Thuế để tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm; nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, công tác thanh tra thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết có hành vi chuyển giá.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu các đề xuất chính sách của chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) và rà soát thực tế thực hiện công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết các văn bản này đã cập nhật nhiều điểm mới như:
+ Nguyên tắc giao dịch độc lập, nguyên tắc bản chất quyết định hình thức;
+ Quy định đối với thông tin hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết;
+ Quy định về ngưỡng an toàn được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết;
+ Quy định về cơ sở dữ liệu và quy trình phân tích so sánh;
+ Đặc biệt là quy định hạn chế xói mòn cơ sở thu thuế thông qua việc khống chế chi phí lãi vay được trừ vào chi phí tính thuế TNDN. Đây là quy định toàn diện, tiên tiến và là biện pháp hiệu quả của Chính phủ Việt Nam đối với các dàn xếp trốn, tránh thuế thông qua các giao dịch tài chính giữa các bên có quan hệ liên kết, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi làm xói mòn nguồn thu của Việt Nam.
Với quy định này, Việt Nam đã kịp thời xây dựng khuôn khổ pháp lý, tránh trở thành điểm trũng để các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thông qua việc dồn các khoản vay nợ tài chính về Việt Nam.
Trong quá trình triển khai, thực hiện, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách quản lý thuế cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế.
TCT