01 Th2 Nỗ lực của ngành thuế đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả nước
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2018 của Tổng cục Thuế diễn ra vào ngày 31/1 tại Hà Nội.
5 kết quả nổi bật của ngành thuế
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành thuế là một trong những tổng cục có số lượng cán bộ đông nhất nước với trên 44.000 người song cũng phải gánh trọng trách nặng nề. Tuy nhiên năm 2017, ngành thuế nói riêng và ngành tài chính nói chung đã gặt hái nhiều kỷ lục. Đó là thu ngân sách nhà nước (NSNN) lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, trong đó có tới 62/63 địa phương có số thu trên 1.000 tỷ đồng, 38 địa phương có số thu trên 5.000 tỷ đồng.
Thứ hai, tỷ trọng thu nội địa 2 năm 2016-2017 chiếm khoảng 76,2% trong tổng thu NSNN, cao hơn nhiều so với bình quân giai đoạn 2011-2015 (chiếm khoảng 68%).
Thứ ba, công tác hiện đại hóa ngành thuế, nhất là quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thông qua thực hiện rộng rãi và nâng cao chất lượng khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, chỉ số nộp thuế của Việt Nam năm 2017 tăng 81 bậc (từ thứ hạng 167 lên 86) theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, đứng thứ 4 trong nhóm nước ASEAN, hoàn thành nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 19. Đây là mức tăng thứ hạng nhanh nhất trong 10 tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh của năm 2017.
Thứ tư, Việt Nam đã tham gia và trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn hợp tác thực hiện Chống xói mòn cơ sở thuế (BEPS), đã ký kết Hiệp định thuế với 77 quốc gia, cơ quan thuế Việt Nam đã thiết lập quan hệ với hơn 110 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế.
Thứ năm, đội ngũ cán bộ công chức đã có bước trưởng thành, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Cơ sở vật chất được tăng cường thích ứng với yêu cầu của đổi mới, hội nhập. Những kết quả đó đã đóng góp quan trọng vào thành công chung của đất nước.
Biểu dương nỗ lực, kết quả của ngành thuế, song Thủ tướng cũng chỉ ra một số những bất cập, tồn tại cần khắc phục như công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh… tuy có tiến bộ, nhưng chuyển biến còn chậm. Chính sách thuế thay đổi quá nhanh và quá nhiều, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và DN. Chính sách thuế hiện vẫn tư duy theo quan điểm có lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước mà chưa hướng đến bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế; coi trọng việc tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế, trong khi đó hoàn toàn có thể mở rộng cơ sở thuế sang các hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng… Thủ tướng cho rằng, chúng ta chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, lúng túng trong hoạch định chính sách để quản lý và khai thác các nguồn thu này. Cơ chế kiểm soát hóa đơn còn nhiều kẽ hở, nên để xảy ra tình trạng DN trốn thuế hay tăng chi phí đầu vào, chuyển giá, trốn thuế.
Và những giải pháp cho năm 2018
Để hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN; phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao, đồng thời tăng dần tỷ trọng thu nội địa Thủ tướng cho rằng, Tổng cục Thuế cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách và hiện đại hóa ngành, từng bước giảm dần sử dụng tiền mặt. Cơ quan thuế các cấp cần nâng cao chất lượng nhân lực, chú trọng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ công chức. Thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển cán bộ, đào tạo cán bộ, bảo đảm minh bạch, công khai, dân chủ. Tổng cục Thuế cần tham mưu, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về thuế và quản lý thuế đáp ứng yêu cầu của đổi mới và hội nhập. Bảo đảm chính sách được xây dựng ổn định, toàn diện, có sức sống, tránh tình trạng thay đổi quá nhanh, gây khó khăn cho DN và người dân và phải tạo điều kiện thuận lợi cho SXKD. Khi xây dựng chính sách phải lấy người nộp thuế làm trung tâm, tiến tới phải có quy định bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.
Cơ quan thuế các cấp cần tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, lĩnh vực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế, gây mất công bằng, nhất là trong bối cảnh thanh toán tiền mặt còn lớn. Tiến tới thực hiện sớm thu thuế điện tử đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; khuyến khích các cơ sở kinh doanh sử dụng các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ khi bán hàng hóa, dịch vụ. Đề bao quát nguồn thu, tránh thất thu, Thủ tướng lưu ý, ngành thuế cần bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam nhất là trong chuyển nhượng vốn, cổ phần của DN kinh doanh ở Việt Nam nhưng thực hiện ngoài Việt Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu ở một bộ phận cán bộ thuế, đồng thời cần đưa ra thông điệp “Cán bộ ngành thuế nói không với tiêu cực”. Đi liền với đó là kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành những cán bộ, công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất./.
Trung Kien
Tapchithue