Phát động thi đua trong toàn ngành Thuế phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024

Phát động thi đua trong toàn ngành Thuế phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024

“Kỷ cương, trách nhiệm; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả; thi đua nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thuế năm 2024, lập thành tích chào mừng 80 năm ngày Truyền thống ngành Thuế Việt Nam.”

Đây là nội dung mục tiêu và chủ đề được Tổng cục Thuế phát động phong trào thi đua năm 2024 tại Công văn số 218/TCT-TCCB về phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác thuế được áp dụng từ 01/01/2024 đến 31/12/2024.

Tổng cục Thuế cho biết, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục thực hiện tạo đà cho các năm tiếp theo hoàn thành tốt các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống ngành Thuế Việt Nam và hướng tới Đại hội thi đua yêu nước ngành Thuế lần thứ VI. Tổng cục Thuế chỉ đạo và yêu cầu toàn ngành Thuế thực hiện một số nhóm nhiệm vụ sau:

Nhiệm vụ đặt ra cho ngành Thuế năm 2024 là rất nặng nề. Với bề dày truyền thống và thành tích đã đạt được, Tổng cục Thuế kêu gọi và đề nghị toàn thể công chức, viên chức ngành Thuế nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đồng sức, đồng lòng quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác thuế năm 2024, góp phần cùng cả nước hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành

Một là, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ, chi tiêu nội ngành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch công tác thu ngân sách, đảm bảo kỷ cương tài chính nội ngành và công tác kiểm tra nội bộ, tập trung kiểm tra công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra việc thực thi công vụ của công chức thuế.

Song song với đó cần tiếp tục nâng cao chất lượng về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ chủ chốt. Đồng thời quán triệt công chức chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Hai là, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách được giao. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu NSNN, đánh giá, phân tích, báo cáo kịp thời kết quả thu. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, sắc thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị với UBND chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.

Ba là, tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ hiệu quả của việc triển khai các giải pháp hỗ trợ về thuế theo các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ trong năm 2023, đặc biệt là các chính sách chuẩn bị được Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2024. Nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp hiệu quả hơn nữa cả về chính sách thuế và công tác quản lý thuế để hỗ trợ NNT vượt qua khó khăn, giúp DN có thêm nguồn lực tập trung hồi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho tăng thu bền vững cho NSNN.

Bốn là, cơ quan thuế tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 và Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ. Bám sát và triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Tăng cường ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính thuế, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số theo các quy định tại các nghị quyết của Chính phủ. Tiếp tục tổ chức thực hiện Chiến lược cải cách quản lý thuế đến năm 2030 trên cơ sở Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 đã được phê duyệt tại các Quyết định của Bộ Tài chính; các đề án thành phần đã được phê duyệt tại Quyết định của Tổng cục Thuế.

Năm là, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, tăng cường kiểm tra, giám sát kê khai thuế của NNT. Tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng theo quy định. Chú trọng việc quản lý rủi ro trong phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn DN có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các giải pháp khác để hỗ trợ NNT.

Sáu là, triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt, tập trung thực hiện thanh tra, kiểm tra các ngành, lĩnh vực, DN có rủi ro cao về thuế, có dư địa thu lớn. Công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định, quy trình thanh tra, kiểm tra thuế. Tăng cường giao dịch điện tử trong thanh tra, kiểm tra thuế thông qua việc triển khai và đẩy mạnh trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra qua Cổng TTĐT Tổng cục Thuế. Tăng cường công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế theo phương thức quản lý rủi ro để tạo thuận lợi cho NNT.

Bảy là, thực hiện rà soát, giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2024 cho từng cục thuế, chi cục, phòng, đội. Điện tử hóa các thủ tục ban hành thông báo nợ, phân công, phân loại nợ, phân loại đầy đủ, chính xác, kịp thời và xử lý phù hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành, đơn vị liên quan trong việc thu hồi tiền thuế nợ. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 25/11/2019 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với NNT không còn khả năng nộp NSNN trên toàn quốc.

Tám là, đẩy mạnh triển khai nâng cấp phần mềm, hệ thống CNTT đáp ứng công tác quản lý thuế tiên tiến. Triển khai mở rộng dịch vụ thuế điện tử, kho cơ sở dữ liệu NNT, trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử… Đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ tra cứu, đăng ký, kê khai, nộp thuế điện tử cho NNT là cá nhân. Đảm bảo hạ tầng CNTT để vận hành hệ thống hóa đơn điện tử được thông suốt 24/7, phục vụ tốt nhất hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Chín là, tiếp tục đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Nâng cấp hạ tầng CNTT, Cổng TTĐT để kết nối, lưu trữ thông tin và hỗ trợ NNT theo hình thức điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với TMĐT.

Mười là, cơ quan thuế sẽ tiếp tục kiện toàn, tinh gọn bộ máy cơ quan thuế các cấp đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế. Tổ chức triển khai thực hiện danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành được giao quản lý từ trung ương đến địa phương sau khi có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Mười một là, Tổng cục Thuế yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan thuế cần theo dõi và đánh giá sát sao việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với những tập thể, cá nhân xuất sắc những gương điển hình tiên tiến trong ngành. Thực hiện phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn ngành, quyết tâm hoàn thành vượt mức nhiệm vụ công tác thuế năm 2024.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành Thuế xây dựng kế hoạch công tác năm 2024, nêu rõ các biện pháp thực hiện và có tiến độ công việc cụ thể. Báo cáo kịp thời những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến kết quả thu để Tổng cục Thuế chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.

Tổ chức quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành nói chung và đơn vị mình nói riêng đến toàn thể công chức thuộc đơn vị. Trên cơ sở đó mỗi tập thể, cá nhân đăng ký các chương trình hành động cụ thể, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2024