26 Th1 Phát triển dịch vụ E-Logistics trong thương mại điện tử ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Bài viết đánh giá thực trạng phát triển dịch vụ E-Logistics trong thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu, chỉ ra những cơ hội đối với sự phát triển của E-Logistics tại Việt Nam, bao gồm sự phát triển nhanh chóng của TMĐT, việc ứng dụng công nghệ mới, sự cải thiện về hạ tầng vận tải và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho ngành Logistics. Bên cạnh đó là những thách thức phải đối mặt như: sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, mức độ cạnh tranh cao, việc hoàn thiện hành lang pháp lý, hạn chế về năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp (DN) Logistics Việt Nam và tốc độ phát triển của hạ tầng giao thông chưa theo kịp với sự phát triển của ngành Logistics.
Từ khoá: E-Logistics, thương mại điện tử.
Abstract
The study analyzed the current situation of the development of E-Logistics services in Vietnam’s e-commerce sector. The results show the opportunities for E-Logistics development, including the rapid growth of e-commerce, the application of new technologies, and the improvement of transportation infrastructure and state support policies. In addition to these opportunities, research also identifies challenges in the future development of the E-Logistics industry, such as rapidly changing technology, intense competition, completion of the legal corridor, limited financial capacity of many Vietnamese Logistics companies, and the slow speed of development of transport infrastructure, unable to catch up with the growth of the Logistics industry.
Keywords: E-Logistics, e-commerce.
JEL Classifications: M20, M21, M29.
DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.11202304
- Đặt vấn đề
Cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế toàn cầu, hoạt động vận chuyển hàng hoá giúp gắn kết giữa quá trình sản xuất với tiêu dùng cũng có sự phát triển và biến đổi nhanh chóng, tạo nên các hệ thống phân phối hàng hoá liên hoàn trong các chuỗi cung ứng. Đó chính là hoạt động Logistics, với mục tiêu nâng cao năng lực và hiệu quả của các chuỗi cung ứng và nền kinh tế.
Ở Việt Nam, hoạt động Logistics truyền thống đã có sự phát triển nhanh chóng gắn liền với quá trình chuyển đổi của nền kinh tế. Theo Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2023 do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần Kho vận Agility công bố, Việt Nam xếp hạng 10/50 thị trường Logistics mới nổi. Với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm từ 14-16%, số lượng và chất lượng dịch vụ Logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng vào GDP hằng năm ở mức 4-5%.
Ngày nay, với sự phát triển của Cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 đã tác động thay đổi các phương thức giao dịch thương mại truyền thống chuyển sang giao dịch theo phương thức điện tử ngày một nhiều hơn. Điều này cũng đã tạo ra sự ra đời và phát triển rất nhanh chóng của TMĐT ở Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng từ 20% – 25%/năm và kéo theo ngành công nghiệp Logistics dự báo sẽ có đà phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ E-Logistics, mặc dù mới ra đời nhưng đã có sự tăng trưởng vượt bậc về trình độ phát triển. Để có thể có một cái nhìn rõ nét hơn về sự phát triển của dịch vụ E-Logistics trong TMĐT ở Việt Nam, bài viết sẽ xem xét làm rõ về mặt cơ sở lý thuyết và thực trạng đối với sự phát triển của E-Logistics. Từ đó, chỉ ra những cơ hội và thách thức, cũng như đề xuất một số giải pháp để phát triển hơn nữa lĩnh vực dịch vụ E-Logistics tại Việt Nam trong thời gian tới.
- Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý thuyết
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và việc ứng dụng vào trong lĩnh vực thương mại đang làm thay đổi lối sống, thói quen mua sắm và đặc thù sản xuất kinh doanh trên toàn cầu. Các nhà sản xuất và người tiêu dùng quen dần với hoạt động bán hàng và mua sắm qua kênh TMĐT, thay vì chỉ lựa chọn kênh thương mại truyền thống. Điều này cũng tất yếu đòi hỏi sự thay đổi của lĩnh vực Logistics, vốn được coi là mắt xích quan trọng nối giữa các khâu trong hoạt động sản xuất với nhau và giữa sản xuất với tiêu dùng. Chính vì vậy, E-Logistics đã ra đời và nhanh chóng phát triển trên thế giới, nhằm hỗ trợ việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng qua các giao dịch mua bán điện tử. Thuật ngữ E-Logistics cũng đã được nhiều học giả nghiên cứu đưa ra:
Theo Deborah L. Bayles (2002) thì “Dịch vụ hậu cần điện tử, hay E-Logistics là các hoạt động kinh doanh được thực hiện thông qua Internet”. Theo đó, ông cho rằng, hậu cần điện tử là cơ chế tự động hóa các quy trình hậu cần và cung cấp dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng, thực hiện tích hợp từ đầu đến cuối cho các quy trình hậu cần tích hợp. Đặc thù của mô hình TMĐT là có độ phủ thị trường rộng, độ phân tán hàng hóa cao, quy mô nhỏ lẻ, tần suất mua lớn, mặt hàng đa dạng, thường yêu cầu thời gian giao hàng nhanh chóng, miễn phí và thu tiền tận nơi. Các dòng di chuyển hàng hóa mở rộng đáng kể về phạm vi, khoảng cách và tính phức tạp, nên E-Logistics có những khác biệt rất lớn với Logistics truyền thống.
Theo Gunasekaran, A., Ngai E. W. T. and T. C. E. Cheng (2007) thì “Logistics điện tử (E-Logistics) là quá trình hoạch định chiến lược, thiết kế và thực thi tất cả các yếu tố cần thiết của hệ thống, quy trình, cơ cấu tổ chức và tác nghiệp Logistics để hiện thực hóa và vật chất hóa cho hoạt động TMĐT”.
Cũng theo Gunasekaran et al. (2007), hậu cần điện tử liên quan đến các nhà cung cấp dịch vụ 3PL, cùng với mạng lưới vận tải và kho bãi với các công nghệ thông tin thích hợp như internet, nhận dạng tần số vô tuyến (RFID), công nghệ di động, trao đổi dữ liệu điện tử và không dây (EDI). Vì vậy, E-Logistics còn được gọi là Logistics, dựa trên internet. Tuy nhiên, việc sử dụng internet trong các quy trình Logistics không có nghĩa là Logistics trở thành điện tử. Hậu cần điện tử là một hệ thống phức tạp, bao gồm các trung tâm hậu cần, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người bán lại và người tiêu dùng. Trong đó, sử dụng công nghệ truyền thông di động (không dây) và có dây, để trao đổi dữ liệu điện tử qua internet với mục tiêu giảm lỗi dữ liệu và tăng hiệu quả ra quyết định (Skitsko, 2016: 9).
Theo Salman (2012), E-Logistics bao gồm tác động của internet đối với quá trình chuỗi cung ứng như lập kế hoạch, triển khai và kiểm soát dòng lưu chuyển hiệu quả hàng hóa, dịch vụ và thông tin liên quan từ điểm xuất xứ đến điểm tiêu thụ, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đồng quan điểm với Quirk và cộng sự (2003).
Như vậy, có thể thấy, một số học giả coi hậu cần điện tử như một quy trình giao hàng hỗ trợ để thực hiện các đơn đặt hàng TMĐT trực tuyến (Joseph, Laura và Srinivas, 2004). Nhưng, những người khác lại cho rằng, hậu cần điện tử là việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ cung cấp và thực hiện một loạt các hoạt động hậu cần (Daly và Cui, 2003; Gunasekaran, Ngai và Cheng, 2007). Trong khi, khái niệm thứ nhất định nghĩa hẹp về tiện ích hậu cần điện tử trong môi trường kinh doanh trực tuyến tới khách hàng (B2C) hoặc DN tới DN (B2B), thì khái niệm thứ hai đưa ra một khái niệm rộng hơn tập trung vào việc sử dụng công nghệ thông tin, để quản lý thông tin và luồng thông tin trong chuỗi cung ứng hoặc mạng lưới cung ứng.
Tóm lại, dịch vụ hậu cần điện tử có thể hiểu là sự kết hợp của hệ thống Logistics với hệ thống TMĐT (E-commerce), để tổ chức và hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng một cách có hiệu quả nhất.
Mô hình hoạt động E-Logistics đưa ra, bao gồm những nhân tố liên quan chính: phân phối, sản xuất, bán lẻ, chuyển phát nhanh, kho vận, bán hàng, dịch vụ khách hàng, ngân hàng, nhà cung cấp và những yếu tố liên quan đến công nghệ thông tin, như: hệ thống cung cấp dữ liệu nội bộ, báo cáo hiệu suất hoạt động, thông báo tương tác và sự truy xuất, theo dõi đơn hàng.
Như vậy, khác với lĩnh vực Logistics truyền thống với những đơn hàng lớn, Logistics điện tử có đặc thù riêng với những đơn hàng nhỏ lẻ, số lượng đơn hàng lớn, nhiều chủng loại, tiến độ giao hàng nhanh và đòi hỏi độ chính xác cao. Điểm khác biệt lớn nhất là, trong khi phần lớn việc xử lý đơn hàng và báo giá Logistics truyền thống được thực hiện bằng phương pháp thủ công, thì E-Logistics đòi hỏi việc thực hiện Logistics đầu vào (procurement) và Logistics đầu ra (fulfillment) được xử lý bằng công nghệ thông tin; các quy trình được tự động hóa, để đáp ứng số lượng đơn hàng lớn lên đến hàng triệu đơn mỗi ngày, hàng trăm ngàn chủng loại hàng hóa, tiến độ giao hàng chỉ trong vòng 1-2 giờ.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu sử dụng trong bài viết, chủ đạo là phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp trên cơ sở hệ thống các báo cáo và số liệu được cung cấp trên các website uy tín, như: Bộ Công thương, Cục TMĐT và kinh tế số (Idea), Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam,…
- Kết quả nghiên cứu
3.1. Thực trạng phát triển TMĐT ở Việt Nam
TMĐT chính thức được thừa nhận ở Việt Nam, khi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cùng nhiều nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử được ban hành năm 2006, đã đánh dấu giai đoạn phổ cập TMĐT kéo dài trong 10 năm (2006 – 2015).
Tới năm 2015, đông đảo người dân và DN đã tham gia mua bán và kinh doanh trực tuyến. Sau giai đoạn hình thành và phổ cập, từ năm 2016 TMĐT nước ta đã bước sang giai đoạn phát triển nhanh. Quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam ước lên đến trên 59 triệu người tiêu dùng (năm 2023), với tỷ lệ người dân sử dụng internet chiếm 54% dân số (năm 2015), đã lên đến khoảng 74% dân số (năm 2023), vượt mức trung bình của thế giới là 46,64% và đang trở thành quốc gia có tiềm lực mạnh về phát triển TMĐT,