24 Th7 Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách: Tăng thu ngân sách không có nghĩa là phải tăng thuế
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước trên 10%, nhưng chưa năm nào thu đủ bù chi. Để giảm bội chi, tiến tới cân bằng thu chi, theo ông Nguyễn Hữu Quang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thì ngoài việc giảm chi, cần phải tìm cách tăng thu ngân sách.
So với nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ động viên vào ngân sách/GDP của Việt hiện ở mức nào và vì sao lại đặt vấn đề tăng thu, thưa ông?
Tỷ trọng thu NSNN/GDP của Việt giai đoạn năm 2011-2015 khoảng 23,3% GDP (giai đoạn 2006 – 2010 tỷ lệ này là 28,4%), trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí tương đương 20,9% GDP. Nếu loại trừ thu từ dầu thô và thu tiền sử dụng đất thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí vào khoảng 15,6% GDP.
Có thể khẳng định, mức động viên từ thuế, phí vào NSNN so với GDP của Việt thuộc loại thấp trên thế giới và thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Điều đáng nói là, tỷ lệ này mỗi năm một giảm.
Thu ngân sách/GDP giảm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là giá dầu thô trên thị trường thế giới mấy năm gần đây giảm, nhưng nguyên nhân quan trọng là năng suất lao động thấp, mặc dù có cải thiện, nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực; tốc độ tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu; nhiều chính sách giảm thu được ban hành…
Tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm với bất cứ lý do gì, cho dù tốc độ tăng thu năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước, nhưng một khi cân đối thu – chi không bền vững, chi nhiều hơn thu cũng tác động tới bội chi, nợ công, trả nợ gốc và lãi vay đến hạn, không có nguồn để thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn 2016 – 2020 phải cơ cấu lại chính sách tài khóa.
Theo ông, nên cơ cấu theo hướng nào?
Phải bảo đảm tỷ lệ huy động vào NSNN không thấp hơn 23,5% GDP, trong đó từ thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP; tỷ trọng thu nội địa chiếm 84 – 85% tổng thu ngân sách, còn lại là thu từ dầu thô và xuất – nhập khẩu. Từng bước cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi; ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia. Cả giai đoạn 2016 – 2020 phải bảo đảm tỷ lệ bội chi không quá 3,9% GDP. Theo đó, từng năm tài khóa phải phấn đấu giảm bội chi theo lộ trình để đến năm 2020, bội chi không quá 3,5% GDP nhằm thực hiện cân đối NSNN tích cực, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.
Tôi cho rằng, phải cơ cấu được như vậy mới giữ được nợ công trong giai đoạn này không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài không quá 50% GDP mới bảo đảm được nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công.
Có nghĩa là nên tăng thuế?
Tăng thu ngân sách không đồng nghĩa với tăng thuế, mà phải thực hiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng; rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế; nghiên cứu bổ sung thuế tài sản phù hợp với điều kiện thực tế của Việt . Ba vấn đề quan trọng nữa là, cần phải hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội (miễn, giảm thuế) trong các luật về thuế; rà soát các chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến thu NSNN; hạn chế tối đa việc đề ra chính sách làm giảm thu NSNN. Tất nhiên, đi cùng với các giải pháp này, muốn tăng thu ngân sách bắt buộc phải đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu, chống gian lận, chuyển giá, giảm mạnh nợ đọng thuế và các khoản thu NSNN.
Các giải pháp kể trên thực hiện cả trước mắt lẫn trong dài hạn, nhưng muốn thực hiện được yêu cầu của Nghị quyết 07-NQ/TW thì năm 2018 phải phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách đạt khoảng 21%/GDP; loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách, dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại, thu xổ số kiến thiết) phải tăng tối thiểu 12-14% so với ước thực hiện năm 2017 và thu từ hoạt động xuất – nhập khẩu tăng tối thiểu 5 – 7% so với ước thực hiện năm 2017.
Nhưng như vậy vẫn khó có thể bảo đảm cân bằng thu chi trong tương lai?
Như tôi đã nói, tăng thu ngân sách không đồng nghĩa với tăng thuế, thậm chí, triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn phải giảm mức đóng góp của khu vực doanh nghiệp này. Hiện chúng ta còn một nguồn thu vô cùng lớn đó là thu từ tài sản công.
Các nước trên thế giới, giá trị tài sản công thường gấp 3-5 lần GDP, còn ở Việt , theo tính toán sơ bộ thì giá trị tài sản công ít nhất cũng bằng 1,2 lần GDP (ước vào khoảng 6 triệu tỷ đồng). Kể từ ngày 1/1/2018, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực đã quy định rất rõ việc khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên; dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập sở hữu toàn dân; quản lý, sử dụng tài sản tại doanh nghiệp; tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư… nếu khai thác hiệu quả khối tài sản công này, ngân sách nhà nước cũng tăng thu một khoản tương đối khá.
Theo ông, còn nguồn nào có thể khai thác nữa không?
Đó là nguồn tài sản công rất lớn đang giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng. Kể từ ngày 1/1/2018, khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực, tất cả các đơn vị sự nghiệp nếu đủ điều kiện đều được sử dụng tài sản công để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (sử dụng vào mục đích kinh doanh).
Đơn vị sự nghiệp công sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh sau khi trừ đi tất cả các khoản chi phí, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước, phần còn lại được quản lý, sử dụng theo quy định của Chính phủ. Khai thác hiệu quả khối tài sản đang giao cho đơn vị sự nghiệp công quản lý, sử dụng không chỉ giảm được kinh phí hàng năm NSNN phải bỏ ra để duy tu, bảo dưỡng, mua sắm, mà hàng năm NSNN còn thu được một khoản không nhỏ.
Mạnh Bôn
Baodautu