22 Th8 Rà soát đưa vào diện thanh tra các DN có rủi ro cao
Đây là yêu cầu được Tổng cục Thuế nhấn mạnh trong cao điểm của công tác thanh tra, kiểm tra những tháng cuối năm nhằm chống thất thu hiệu quả và khai thác thêm nguồn lực cho NSNN.
Tăng cường kiểm tra DN rủi ro cao về thuế
Khẳng định tính chất quyết liệt cũng như ý nghĩa quan trọng của công tác chống thất thu đối với nhiệm vụ thực hiện dự toán thu NSNN những tháng cuối năm, Tổng cục Thuế đã lượng hóa yêu cầu điều tiết về ngân sách đối với 3 đầu mối tại Văn phòng Tổng cục là Vụ Thanh tra, Vụ Quản lý DN lớn và Vụ Quản lý nợ thuế. Theo đó từ nay đến cuối năm, công tác thanh kiểm tra và quản lý nợ phải đẩy mạnh thu hồi tiền thuế về cho NSNN, qua đó góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của toàn ngành.
Triển khai nhiệm vụ được giao, Vụ trưởng Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế – ông Phạm Ngọc Lai cho biết, Vụ đã cụ thể hóa nhiệm vụ thu ngân sách 3.500 tỷ đồng thành công việc hàng tháng, quý và giao nhiệm vụ cho từng phòng chức năng, từng cán bộ quản lý; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát đôn đốc để đảm bảo tiến độ công việc. Ngay trong tháng 8, Vụ sẽ thực hiện thanh tra 23 DN từ các tháng trước chuyển sang và trình Tổng cục Thuế ban hành từ 6-8 quyết định thanh tra theo kế hoạch năm 2017. Bên cạnh đó, Vụ sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện các chuyên đề chống thất thu đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù như tài nguyên, du lịch. Đặc biệt, Vụ Thanh tra đã yêu cầu cục thuế các tỉnh, TP rà soát lại kế hoạch để bổ sung, điều chỉnh, đảm bảo tập trung nguồn lực để thanh tra, kiểm tra đối với tất cả các đơn vị có rủi ro cao, có nguồn dư địa thu ngân sách lớn. Trong đó, trọng tâm là phân tích, sàng lọc các DN hoàn thuế lớn, các đơn vị nhiều năm chưa được thanh tra về sử dụng hóa đơn chứng từ, ưu đãi thuế, chuyển nhượng vốn, thương hiệu; các DN kinh doanh thương mại điện tử.
Đối với Vụ Quản lý thuế DN lớn, thời điểm này hầu hết nguồn lực đã được tập trung cho công tác thanh tra, kiểm tra. Trên cơ sở thông tin, dữ liệu thu thập được, Vụ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, từng cán bộ, từng đoàn công tác thực hiện đánh giá, phân tích cụ thể từng khu vực thu, từng địa bàn, từng khoản thu, sắc thuế để xác định rõ các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu. Hai nhiệm vụ chính được Vụ Quản lý thuế DN lớn đưa vào cao điểm những tháng cuối năm là thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề và thanh tra các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế và có khả năng khai thác tăng thu cao. Trong khi hoạt động chuyển nhượng vốn gián tiếp giữa các nhà thầu dầu khí diễn ra ở nước ngoài, các khoản thanh toán của các nhà điều hành lô/mỏ dầu khí đối với các nhà thầu nước ngoài cung cấp dịch vụ là nội dung được ưu tiên rà soát, phân tích dữ liệu. Trọng tâm khai thác nguồn thu là thu từ dầu thô và khí thiên nhiên, thu lợi nhuận còn lại và cổ tức được chia, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, một số loại phí, lệ phí điều tiết về ngân sách trung ương. Trọng điểm cần bám sát quản lý để thu sát số phát sinh là những DN thuộc danh sách quản lý của Vụ Quản lý thuế DN lớn như Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty rượu – bia – nước giải khát Sài Gòn, các Tập đoàn viễn thông,… Mục tiêu cao nhất mà Vụ Quản lý thuế DN lớn đặt ra là rà soát phát hiện nguồn phát sinh, có kết luận đúng để có thể tăng số thuế ghi thu qua phân tích số liệu và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính với số tiền khoảng 2.100 tỷ đồng, trong đó thực thu vào NSNN khoảng 1.600 tỷ đồng. Đồng thời tiếp tục tham mưu giải đáp vướng mắc chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí chấp hành pháp luật thuế, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN phát triển ổn định, vững chắc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu vững chắc, lâu dài cho NSNN.
Hạn chế tối đa nợ mới phát sinh
Cùng với đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra thì công tác quản lý và thu hồi nợ đọng thuế đã được Tổng cục Thuế đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo sát sao. Nhờ đó, tính đến 30/6 cơ quan thuế các cấp đã thu hồi về cho NSNN 25.721 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 54,5% số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2016 chuyển sang năm 2017 tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu bằng các biện pháp đôn đốc nợ là 18.773 tỷ đồng và bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 6.948 tỷ đồng.
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế Đoàn Xuân Toản cho biết: phát huy những kết quả đạt được trong thời gian tới, Vụ sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các giải pháp quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế. Theo đó sẽ đẩy mạnh việc rà soát, tính toán bổ sung chỉ tiêu nợ cho từng cục thuế, từ đó các địa phương sẽ giao chỉ tiêu thu nợ cụ thể cho từng phòng, từng chi cục và từng công chức thuế. Hàng tháng, hàng quý giám sát tiến độ thực hiện, đảm bảo đến cuối năm hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra. Đặc biệt ngay sau khi khóa sổ và kết xuất danh sách nợ, Vụ Quản lý nợ sẽ thông báo danh sách các DN nợ thuế và yêu cầu các cục thuế tổ chức rà soát đôn đốc ngay các khoản nợ mới phát sinh, tránh tình trạng để tuổi nợ dài, gây khó khăn trong việc thu hồi nợ thuế. Đối với những trường hợp cố tình trây ỳ không nộp thuế, cơ quan thuế sẽ công khai danh tính DN nợ thuế và tăng cường thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Trong 5 tháng cuối năm, Vụ Quản lý nợ sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát việc đôn đốc thu hồi nợ đọng tại các cục thuế, đồng thời nắm bắt thực tiễn tình hình SXKD của các DN để kịp thời báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế các giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn, hỗ trợ DN phát triển, từ đó thu hồi kịp thời các khoản nợ, giảm dần số tiền nợ đọng thuế./.
KM
Tapchithue