14 Th6 Tăng thuế TTĐB thuốc lá: Không tác động tiêu cực tới việc làm
Đây là khẳng định của các chuyên gia tại Hội nghị thường niên các nhà kinh tế Việt Nam lần thứ 11 do Đại học Ngoại thương, Trung tâm Nghiên cứu chính sách&phát triển và Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) tổ chức tại Hà Nội ngày 11/6.
Thông tin tại hội nghị cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao nhất về hút thuốc lá ở nam giới và phơi nhiễm với hút thụ động ở môi trường trong nhà. Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia, phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó đưa ra các mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc trong nhóm thanh niên từ 26% (năm 2011) xuống 18% (năm 2020); nam giới từ 47,4% (năm 2011) xuống 39% (năm 2020) và phụ nữ dưới 1,4% (năm 2020). Để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế và Quỹ nhịp cầu sức khoẻ (HealthBridge) tại Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, tăng thuế là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất, trong khi lại tăng thu NSNN. Theo WHO, trung bình khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm sử dụng khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước thu nhập trung bình và thấp; đồng thời sẽ giúp tăng thu NSNN lên 7%. Ước tính, các nước có thể thu thêm 141 tỷ USD nếu tăng thuế với mức trung bình 0,8 USD/bao. Tại Việt Nam, năm 2008 sau khi áp dụng mức thuế mới 65% (tăng 10% so với 2007), số thu từ thuế thuốc lá đã tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2007; đến năm 2016 với mức thuế 70% (tăng 5% so với 2015), thu thuế thuốc lá ước tăng 1.250 tỷ đồng.
Từ kinh nghiệm của Trung Quốc, bà Rong Zheng –Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế về thuốc lá và kinh tế của WHO chia sẻ, Trung Quốc tiêu thụ tới 30% và sản xuất 44% sản lượng thuốc lá trên thế giới. Năm 2015, việc điều chỉnh chính sách thuế thuốc lá đã giúp Trung Quốc vừa bổ sung nguồn thu NSNN, trong khi lượng tiêu thụ giảm. 12 tháng sau khi tăng thuế, số người hút thuốc đã giảm khoảng 5 triệu, tỷ lệ tử vong cũng giảm tới 1 triệu người. Tuy nhiên, khi kết thúc chính sách thuế này, sức mua đã tăng trở lại. “Do vậy, nếu không áp dụng các biện pháp thuế và giá, việc sử dụng thuốc lá sẽ tiếp tục gia tăng”- bà Rong Zheng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh của Việt Nam, WHO nhận định, nếu áp dụng phương án 2 (tăng thuế suất theo lộ trình, theo đó từ 1/1/2020 tăng từ 75% lên 80%; từ 1/1/2021 tăng từ 80% lên 85% và bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 10.000 đồng/bao xì gà) mà Bộ Tài chính đang đề xuất, thì đến năm 2020 tỷ lệ hút thuốc sẽ giảm được 1,5%, và tăng thu NSNN khoảng 3.900 tỷ đồng. Đây là mức giảm không nhiều, nên WHO đề xuất, từ 1/1/2020 bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, cần bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 5.000 đồng/bao. Với mức thuế này, ước tính tỷ lệ hút thuốc sẽ giảm 6,5%, giúp 1,8 triệu người bỏ thuốc, tránh được 900.000 ca tử vong, trong khi NSNN tăng thu thêm 10.700 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, vấn đề việc làm và buôn lậu cũng là lý do được đưa ra để phản đối đề xuất tăng thuế. Tuy nhiên, các chuyên gia trong và ngoài nước khẳng định, tăng thuế thuốc lá không ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm. Thậm chí, xét trên toàn bộ nền kinh tế, tăng thuế còn tăng việc làm và tác động tích cực đến tổng sản phẩm quốc nội. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra, khoản chi tiêu mua thuốc lá sẽ được chuyển sang mua hàng hoá và dịch vụ khác, qua đó thúc đẩy tạo việc làm thay thế cho việc làm mất đi của ngành công nghiệp thuốc lá. Ngay cả khi sản lượng thuốc lá giảm tới mức phải cắt giảm lao động, thì số người làm việc trong ngành này bị ảnh hưởng chiếm tỷ lệ rất nhỏ và có thể điều tiết. Hiện, Việt Nam có khoảng 600.000 lao động trong ngành thuốc lá (chiếm 0,31-0,35% lao động toàn ngành kinh tế), bao gồm công nhân, nông dân, thương mại và dịch vụ. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu ½ lượng nguyên liệu lá thuốc lá. Khi tiêu dùng giảm sẽ giảm mức nhập khẩu nguyên liệu, nên không ảnh hưởng tới người trồng. Còn với các đơn vị phân phối, do thuốc lá thường được bán cùng nhiều loại hàng hoá khác, nên khi doanh số bán lẻ giảm cũng không ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập. Ngay cả ngành sản xuất thuốc lá điếu cũng chỉ thu hút khoảng 13.900 việc làm (tương đương 0,13%) nếu cần thiết có thể hỗ trợ đào tạo nghề khác.
Ở góc độ buôn lậu, TS Evan Blecher – Trung tâm Chính sách y tế (Viện Nghiên cứu và chính sách y tế- Đại học ILinois ở Chicago) thông tin, kết quả nghiên cứu tại Việt Nam từ năm 2012-2017 cho thấy, có 2 loại thuốc lá được buôn lậu nhiều nhất là Hero và Jet. Ước tính tỷ lệ thuốc lá lậu năm 2012 chiếm 20,7% và năm 2017 là 13,6%. Thuốc lá lậu có giá cao hơn đáng kể so với thuốc lá hợp pháp và được tiêu thụ bởi người giàu nhiều hơn. Điều đó cho thấy, việc tăng thuế dẫn đến buôn lậu thuốc lá tăng là không đúng. Kết quả này cũng trùng với những nghiên cứu của WHO tại 76 nước. Theo đó, các quốc gia có mức giá thuốc lá thấp, thì tình trạng buôn lậu lại xảy ra nhiều hơn ở những nước có mức giá và thuế cao hơn. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã kiểm soát buôn lậu thuốc lá thành công đồng thời với việc tăng cao thuế và giá bán. Đơn cử tại Philipines tăng thuế thuốc lá từ 2013-2017 giúp tăng 300% số thu thuế (đối với thuốc lá) cho Chính phủ, nhưng lại không có sự gia tăng đáng kể nào với buôn lậu. Còn tại Thái Lan, tăng thuế thuốc lá 10 lần giúp tăng NSNN tới 400%, nhưng lại không gặp khó khăn gì với tình trạng buôn lậu.
Bài, ảnh: Thuý Nga
Tapchithue