07 Th8 Thông tin hàng nghìn DN nợ thuế bị khai tử là không chính xác
Ngày 5/8, trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Đoàn Xuân Toản – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, thông tin cho rằng hàng nghìn doanh nghiệp (DN) đang sống bị xếp vào diện “đã chết” là không chính xác.
“Việc báo nêu nhận định cho rằng hàng nghìn DN bỗng dưng bị khai tử, hay hàng nghìn người nộp thuế đang “sống” được xếp vào diện “đã chết” là không chính xác, không phản ánh đúng bản chất của sự việc”, ông Toản nói.
Theo ông Toản, vừa qua Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo đối với cục thuế các tỉnh, thành phố về việc rà soát, phân loại nợ thuế, trong đó có đề cập đến con số 5.799 DN đang hoạt động, đang phát sinh doanh thu và kê khai thuế hàng tháng. Về nợ thuế, hiện DN có nhiều khoản nợ thuế, có khoản nợ được phân loại vào nợ có khả năng thu, có khoản nợ lại được phân loại vào nhóm nợ khó thu. Do đó cần phải rà soát để phân loại đúng bản chất của khoản tiền nợ thuế và áp dụng biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ thuế phù hợp, không phải việc ngành Thuế “khai tử” DN như thông tin báo chí nêu, DN vẫn đang hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.
“Đối với DN, hay người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế đã thực hiện kiểm tra, xác nhận với chính quyền địa phương nơi DN kinh doanh và ban hành thông báo DN bỏ địa chỉ kinh doanh, thông báo không được sử dụng hóa đơn…, quy trình thực hiện rất chặt chẽ, do đó không có việc đang hoạt động nhưng được cơ quan thuế xếp vào diện đã chết, khai tử”, ông Toản cho biết.
Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, việc rà soát, phân loại nợ của Tổng cục Thuế như thời gian qua là nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 về việc tập trung chỉ đạo điều hành, thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2017.
Tại chỉ thị này đã yêu cầu cơ quan thuế phải tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. Theo đó, Tổng cục Thuế đã thực hiện rà soát việc phân loại nợ khó thu để chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện các biện pháp đôn đốc, xử lý nợ và cưỡng chế để thu hồi kịp thời tiền nợ thuế vào NSNN. Đối với các khoản nợ không còn đối tượng để thu thì kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có biện pháp xử lý tiền nợ thuế phù hợp.
Nhật Minh
TBTC