11 Th5 Thu ngân sách đạt khá nhờ các nguồn từ đất và phí, lệ phí
Với số ước thực hiện các nguồn thu từ đất đai đạt 50,3% dự toán, tăng 25,9% và thu từ phí, lệ phí đạt 42,3% dự toán, gấp 2,95 lần so với cùng kỳ, công tác thu NSNN của ngành thuế chẳng những đã có nguồn bù đắp các khoản hụt thu, mà còn có cơ sở để duy trì tiến độ thực hiện nhiệm vụ thu 4 tháng đầu năm ở mức bằng 35,2% dự toán, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016.
Báo cáo tại buổi họp giao ban tháng 5 của Tổng cục Thuế diễn ra ngày 9/5/2017 cho biết: trong tháng 4 tổng số thu NSNN do ngành thuế thực hiện ước đạt 93.500 tỷ đồng, bằng 9,7% dự toán, tăng 16,5%. Luỹ kế 4 tháng đầu năm, chưa tính phần thu từ bán cổ phần của Nhà nước tại các DN ngành thuế thu NSNN được 341.344 tỷ đồng, bằng 35,2% dự toán, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu NS trung ương ước đạt 149.200 tỷ đồng, bằng 30,7% dự toán, tăng 25,1% và thu NS địa phương ước đạt 192.144 tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, tiến độ thực hiện dự toán thu NS trung ương 4 tháng đầu năm nay tương đương với cùng kỳ năm 2016, nhưng thấp hơn so với tiến độ thu chung của 4 tháng đầu năm, còn thu NS địa phương thấp hơn tiến độ thu cùng kỳ một số năm gần đây (năm 2014 đạt 37,3%, năm 2015 đạt 34%). Diễn biến này ngoài nguyên nhân một số DN tại một số địa phương đã tạm nộp số thuế TNDN, cổ tức lợi nhuận chênh lệch quý IV/2016 ngay trong tháng 12 năm trước thì còn do tình hình kinh tế trong 4 tháng đầu năm tăng trưởng thấp. GDP quý I mới đạt được mức tăng 5,1%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây (năm 2016 tăng 5,48%, năm 2015 tăng 6,12%) và thấp hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm 2017. Theo đó trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016. Một số ngành có đóng góp lớn cho số thu NS tăng trưởng thấp thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ dẫn đến số thu từ khu vực SXKD (chiếm trên 60% trong số thu NS trung ương) 4 tháng ước thu mới đạt 31,5% dự toán. Chưa kể, một số khoản thu NS trung ương đã giao trong dự toán như: thu tiền sử dụng đất của các cơ quan trung ương (6.000 tỷ đồng), thu lệ phí lãnh sự (800 tỷ đồng) đến nay chưa phát sinh số nộp. Bên cạnh đó, một số khoản thu ước đạt tiến độ thấp so với dự toán như: thu từ phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện giao thông (ước đạt 26,7%), thu phí đảm bảo hàng hải (22,6%), thu khác NS trung ương ước đạt 16%. Vì thế, nếu không có sự tăng thu vượt trội từ các nguồn thu từ đất đai với mức ước đạt 50,3% dự toán, tăng 25,9% so với cùng kỳ và thu từ phí, lệ phí bằng 42,3% dự toán, gấp 2,95 lần so với cùng kỳ thì tổng thu NS nội địa sẽ không thể duy trì được tiến độ.
Từ kết quả thu ngân sách 4 tháng đầu năm, để chủ động trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính NSNN, ngành thuế đã xây dựng các kịch bản thu phù hợp tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2017. Theo tính toán sơ bộ, nếu GDP giảm 1% thì số thu ngân sách giảm tương ứng 11-12.000 tỷ đồng. Nếu GDP cả năm 2017 tăng ở mức 5,89% thì thu ngân sách giảm khoảng 9-10.000 tỷ đồng; GDP tăng 6,23% thì thu ngân sách giảm khoảng 4-5.000 tỷ và GDP tăng 6,57% thì thu ngân sách giảm khoảng 500-1.000 tỷ đồng. Trước tình thế nhiều khả năng thu NSNN sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi do tốc độ tăng trưởng kinh tế khó đạt mục tiêu đề ra, Tổng cục Thuế đã yêu cầu toàn ngành triển khai thực hiện tốt các giải pháp về thu NSNN, đặc biệt là thu NS trung ương; tăng cường công tác quản lý kê khai thu nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế; tổ chức tốt công tác thanh, kiểm tra thuế, chống chuyển giá và thanh, kiểm tra hoàn thuế GTGT để đôn đốc thu hồi kịp thời số thuế tăng thu vào ngân sách. Cơ quan thuế các cấp phải tích cực thu hồi nợ đọng thuế và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp gian lận, trốn lậu thuế; đặc biệt phải tổng hợp báo cáo ngay các trường hợp nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi để trình cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm, tránh tình trạng nợ đọng lớn, kéo dài. Với Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Tổng cục Thuế chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, các quy trình, quy chế quản lý cũng như tiến độ thực hiện các đề án, ứng dụng CNTT để phục vụ hiệu quả cho công tác cải cách thể chế, cải cách TTHC, hiện đại hoá hệ thống thuế. Đặc biệt, Tổng cục Thuế yêu cầu toàn ngành tập trung ưu tiên giải quyết nhanh, dứt điểm các vướng mắc, kiến nghị của DN và người nộp thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động SXKD và thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.
TM
Tapchithue