19 Th12 Thuế, phí giảm, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lợi lớn
Đó là nhận định của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong cuộc trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam về việc Bộ Tài chính cắt giảm một số dòng thuế, phí liên quan đến ngành Thủy sản.
Tôm và cá ngừ là hai mặt hàng có thế mạnh mà Việt Nam nhập về để sản xuất và xuất khẩu với kim ngạch lớn.
PV: Vừa qua, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung 4 thông tư về phí và lệ phí liên quan đến ngành Thủy sản, ông nhìn nhận về sự thay đổi này như thế nào?
– Ông Nguyễn Hoài Nam: Trong quá trình Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung 4 thông tư có liên quan đến ngành Thủy sản gồm: Thông tư 230/2016/TT-BTC, Thông tư 285/2016/TT-BTC, Thông tư 286/2016/TT-BTC, Thông tư 279/2016/TT-BTC về phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm. Những thông tư này đang có tác động nhất định đến các doanh nghiệp (DN) trong ngành Thủy sản. Hiện Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, VASEP để đánh giá một số kiến nghị của các DN có liên quan.
Để triển khai nhiệm vụ về phí và lệ phí liên quan đến các doanh nghiệp thủy sản, VASEP cũng đã phối hợp với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi khảo sát về tác động của các mức phí đối với các DN thủy sản tại khu vực Đồng bằng sống Cửu Long. Theo quy định tại Thông tư 286, phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu đối với trường hợp phải kiểm tra lấy mẫu tại DN là 350.000 đồng/lô hàng; trường hợp kiểm tra hồ sơ là 100.000 đồng/lô hàng. Qua quá trình đi “thực địa”, nghe ý kiến của nhiều DN trong ngành thủy sản, Bộ Tài chính đã có đánh giá và giảm phí phù hợp. Cụ thể, phí đối với trường hợp phải kiểm tra, lấy mẫu tại DN không quá 200.000 đồng/lô hàng, để tạo điều kiện cho DN sản xuất, kinh doanh phát triển.
PV: Trong 10 nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA mà Bộ Tài chính dự thảo, ông đánh giá như thế nào về tác động giảm thuế nhập khẩu đến ngành Thủy sản?
– Ông Nguyễn Hoài Nam: Với cấu trúc nhập khẩu của ngành Thủy sản Việt Nam, hơn 80% hàng nhập khẩu về để sản xuất xuất khẩu; khoảng 15 – 17% nhập về để gia công và tiêu thụ nội địa. Do vậy, VASEP cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ đẩy nhanh lộ trình giảm thuế nhập khẩu về 0% sớm hơn cho một số mặt hàng thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu. Trong đó, có tôm và cá ngừ là hai mặt hàng có thế mạnh mà Việt Nam nhập về để sản xuất và xuất khẩu với kim ngạch lớn.
Chúng tôi thấy rằng, Bộ Tài chính rất chủ động tích cực hỗ trợ cho DN sản xuất và xuất khẩu. Đối với vấn đề thuế, trong Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu mới sửa đổi đã đưa danh mục hàng sản xuất xuất khẩu vào danh mục miễn thuế. Các kiến nghị của VASEP những năm trước đây đã có cơ sở pháp lý để thực hiện và đang tạo điều kiện thuận lợi cho DN thủy sản phát triển.
PV: Ông đánh giá thế nào về những cải cách thủ tục hành chính của ngành Tài chính, giúp cộng đồng DN phát triển sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP?
– Ông Nguyễn Hoài Nam: VASEP cho rằng, không phải đợi đến khi Nghị quyết 35/2016/NQ-CP và Nghị quyết 19/2017/NQ-CP của Chính phủ ra đời, mà trong các năm qua, Bộ Tài chính là một trong những bộ đi tiên phong, chủ động tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, ban hành chính sách, đặc biệt đã hiện đại hóa thủ tục thanh toán điện tử trong lĩnh vực thuế, hải quan, đáp ứng được những yêu cầu về thời gian, giảm chi phí cho DN. Đồng thời, Bộ Tài chính còn chủ động thúc đẩy các bộ chuyên ngành vận động theo.
Ngoài ra, việc chủ động của Bộ Tài chính còn thể hiện rõ trong thời gian qua, không chờ đến tháng 5/2017, khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị giảm phí cho DN, mà theo Luật Phí và Lệ phí mới, Bộ Tài chính đã cắt giảm ngay những danh mục phí không phù hợp, trong đó có sửa đổi 4 thông tư về phí và lệ phí liên quan đến lĩnh vực thủy sản tôi đã nói ở trên.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đức Việt (thực hiện)
TBTC