13 Th4 Tiếp tục xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất năm 2023
Đây là một trong những chỉ đạo quan trọng tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 của Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 của Chính phủ. Theo đó Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023 (trong đó nghiên cứu, đề xuất cả việc giảm thuế giá trị gia tăng) trước ngày 15/4/2023 để xem xét, thực hiện.
Khẩn trương rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn
Đồng thời, tại Nghị quyết này, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tận dụng thời gian, cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.
Đối với nhóm nhiệm vụ của Bộ Tài chính, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giảm giá đầu ra nhằm kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023 trong đó cả việc giảm thuế giá trị gia tăng để trình cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4/2023 để xem xét, thực hiện.
Đồng thời, Bộ Tài chính khẩn trương chỉ đạo xử lý giải quyết vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng cho các DN; sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN để đưa chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa đi vào thực tiễn.
Tiếp tục rà soát, theo dõi, đánh giá Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 của Chính phủ và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ vướng mắc phát sinh mới trên thị trường trái phiếu DN để xử lý phù hợp, hiệu quả các vấn đề tồn tại, hạn chế hiện nay theo quy định pháp luật.
Nghiên cứu, khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; phối hợp với các bộ, cơ quan hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có đủ điều kiện.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.
Chú trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Chú trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; chủ động, quyết liệt, kịp thời, sát thực tiễn và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng hơn trong chỉ đạo, điều hành; tận dụng thời gian, cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.
Các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là các chính sách về tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư để chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành, ứng phó phù hợp.
Khẩn trương xây dựng phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường; đánh giá kỹ tác động, chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định, đặc biệt là mặt hàng điện, xăng, dầu và các mặt hàng thiết yếu khác, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết; cắt giảm, đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương giải quyết thủ tục hành chính.
Các bộ, cơ quan được giao chủ trì các dự án luật chủ động xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý đối với các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong lĩnh vực quản lý. Các địa phương thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia. Các địa phương khẩn trương trình hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh đối với những quy hoạch tỉnh chưa được thẩm định.
Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2023 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển, lưu hành các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị lợi dụng để che giấu ma túy, tiền chất sản xuất ma túy.
Các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN theo chức năng, nhiệm vụ được giao căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị, chủ trì triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại Tổng công ty Tàu thủy Việt Nam (SBIC), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và 03 dự án đạm. Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN khẩn trương hoàn thiện phương án cơ cấu lại đối với 04/12 dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương còn lại