Tin học góp công lớn thay đổi diện mạo, nội lực ngành Thuế

Tin học góp công lớn thay đổi diện mạo, nội lực ngành Thuế

26 “tuổi”, Cục Công nghệ thông tin (CNTT) – Tổng cục Thuế hiện góp công lớn làm thay đổi diện mạo ngành Thuế; đặc biệt là trong cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa quản lý thuế.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (thứ 3 từ phải sang) thăm và làm việc tại Cục Công nghệ Thông tin Tổng cục Thuế.

Đại diện các bộ, ngành, hiệp hội đánh giá, Tổng cục Thuế là đơn vị điển hình cho việc ứng dụng CNTT đã tác động tích cực đến việc cải tiến và thống nhất cơ chế, quy trình quản lý toàn ngành Thuế.

Phát triển nhanh, năng động nhất

Cục trưởng Phạm Quang Toàn cho biết, vào ngày 13/5/1991, Thứ trưởng Bộ Tài chính, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phan Văn Dĩnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tin học hóa và ký Quyết định số 56 TCT/QĐ/TCCB thành lập Tổ Tin học của Tổng cục Thuế. Hơn 1 năm sau, vào ngày 21/12/1992, Tổng cục Thuế đã nâng cấp Tổ Tin học thành Phòng Máy tính. Đây cũng là tiền đề của quá trình ứng dụng CNTT trong ngành Thuế có những bước tiến dài, từ Tổ Tin học đến Phòng Máy tính và ngày nay là Cục CNTT (thành lập theo Quyết định số 114/QĐ-BTC ngày 15/1/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

Cục CNTT hiện chịu trách nhiệm quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống CNTT kết nối Tổng cục Thuế với 63 cục thuế và 700 chi cục thuế. Đây đồng thời cũng là đầu mối kết nối trao đổi thông tin với các cơ quan trong ngành Tài chính, như: Văn phòng Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan và với nhiều đơn vị ngoài ngành có liên quan…

Hiện tại, Cục CNTT có 105 cán bộ, với đặc thù đa phần có độ tuổi còn trẻ, có trình độ cao và tràn đầy nhiệt huyết. Với đội ngũ cán bộ tin học đáp ứng cả về số lượng và chất lượng, xây dựng nên hệ thống ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý thuế từ cấp trung ương đến cấp địa phương tỉnh, huyện, được cả trong và ngoài ngành Thuế, ngành Tài chính đánh giá rất cao và đã trở thành đơn vị lớn mạnh, trợ giúp đắc lực cho Tổng cục Thuế trong việc tin học hóa hầu hết các khâu, các chức năng của công tác quản lý thuế.

Cùng với tốc độ phát triển của CNTT, đây là lĩnh vực phát triển nhanh và năng động nhất của ngành Thuế. Đơn vị thực hiện chức năng nghiên cứu, xây dựng và tổ chức triển khai ứng dụng CNTT, hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Cục CNTT có các nhiệm vụ cụ thể: Xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn, 5 năm về phát triển ứng dụng CNTT ngành Thuế; xây dựng hạ tầng kỹ thuật mạng, truyền thông, an ninh thông tin và trang thiết bị tin học; quản trị cơ sở dữ liệu và đảm bảo việc xử lý, khai thác dữ liệu phục vụ các chức năng quản lý thuế (xử lý tờ khai/chứng từ thuế, tính thuế, quản lý thu nợ, thanh tra, kiểm tra thuế và hỗ trợ người nộp thuế – NNT,…).

Liên tục nhiều năm qua, Cục CNTT đã nỗ lực nhanh chóng đưa công nghệ hiện đại ứng dụng vào tất cả các khâu quản lý thuế làm thay đổi diện mạo, làm tăng lên nhiều lần năng lực quản lý của ngành Thuế, góp phần rất lớn vào công cuộc hiện đại hóa hệ thống thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), NNT.

Hỗ trợ đắc lực cải cách thủ tục hành chính thuế

Cục CNTT đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn và đã đem lại những hiệu quả to lớn trong công cuộc hiện đại hóa công tác quản lý thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế (TTHC), thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 36a của Chính phủ phát triển “chính phủ điện tử”, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Hàng loạt các dịch vụ thuế điện tử phục vụ DN, NNT được tạo dựng, đi vào hoạt động.

Tiêu biểu như, từ năm 2009 để đáp ứng yêu cầu sử dụng các dịch vụ thuế điện tử của các DN, Tổng cục Thuế đã triển khai dịch vụ khai thuế điện tử theo mô hình tập trung. Dịch vụ khai thuế điện tử cung cấp dịch vụ 24/7 hỗ trợ các DN, NNT khai thuế điện tử mọi lúc, mọi nơi, theo yêu cầu sử dụng của DN. Đến nay, hệ thống này đã triển khai tại 63 cục thuế và hơn 700 chi cục thuế. Hệ thống hỗ trợ các DN thực hiện trên 250 mẫu biểu tờ khai của hầu hết tất cả các tờ khai phát sinh, tờ khai bổ sung, tờ khai quyết toán, báo cáo tài chính, báo cáo hóa đơn của các sắc thuế hiện hành. Hiện nay, có 605.887 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,82% trên tổng số 606.978 DN đang hoạt động trên cả nước; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là trên 43 triệu hồ sơ.

Bên cạnh đó, từ năm 2013, ngành Thuế tiếp tục phối hợp với các ngân hàng xây dựng và triển khai hệ thống dịch vụ nộp thuế điện tử (NTĐT). Đây là bước đột phá của ngành Thuế trong quá trình cải cách TTHC và để tạo thuận lợi cho NNT. Tổng cục Thuế đã kết nối trao đổi thông tin với các ngân hàng thương mại và đã ký thỏa thuận triển khai dịch vụ NTĐT với 45 ngân hàng. Đồng thời, Cục CNTT cũng đã phối hợp với 5 đơn vị TVAN để cung cấp dịch vụ NTĐT cho NNT.

Tính đến hết ngày 31/7/2017, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ là 594.194 DN trên tổng số 606.978 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 97,89%. Số hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 584.507 DN, chiếm tỷ lệ 96,30 % trên tổng số DN đang hoạt động, với số tiền đã nộp ngân sách nhà nước từ 1/1/2017 đến nay là trên 325.105 tỷ đồng với 1.840.293 giao dịch NTĐT.

Trong năm 2016, theo kế hoạch ngành Thuế triển khai thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực (của cơ quan thuế) tại 200 DN trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đến nay đã có 315 DN đăng ký với cơ quan thuế phát hành hóa đơn có mã xác thực. Tính đến hết tháng 12/2016, tổng số hóa đơn đã phát hành và được xác thực là 2.558.395 hóa đơn; tổng doanh thu đã xác thực là 20.033 tỷ đồng và tổng số thuế giá trị gia tăng đã xác thực là 938 tỷ đồng.

Đặc biệt với sự nỗ lực không ngừng để giúp Tổng cục Thuế triển khai Nghị quyết 19/2014 và 19/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế, giảm giờ thực hiện TTHC thuế cho NNT, Cục CNTT vừa tham mưu vừa trực tiếp triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT để hỗ trợ DN. Qua đó, Tổng cục Thuế đã thực hiện giảm được 420 giờ trong tổng số giờ kê khai và nộp thuế của DN, kéo thời gian nộp xuống thuế hiện chỉ còn 117 giờ…

Những kết quả đó đã được Đảng, các cơ quan nhà nước trung ương, địa phương, cộng đồng DN trong và ngoài nước, các tổ chức định chế tài chính nước ngoài, dư luận xã hội ghi nhận đánh giá cao.

Đức Minh
TBTC