Tổng cục Thuế phối hợp với USAID tổ chức Hội thảo “Cơ sở pháp lý và các điều kiện thực hiện để xây dựng và triển khai chương trình quản lý tuân thủ”

Tổng cục Thuế phối hợp với USAID tổ chức Hội thảo “Cơ sở pháp lý và các điều kiện thực hiện để xây dựng và triển khai chương trình quản lý tuân thủ”

Tiếp theo chuỗi các hội thảo về phương pháp, kỹ thuật phân loại người nộp thuế, nhận diện rủi ro và xây dựng Chương trình tuân thủ thuế, hôm nay, ngày 30/10/2018, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Thuế phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID tổ chức hội thảo “Cơ sở pháp lý và các điều kiện thực hiện để xây dựng và triển khai chương trình quản lý tuân thủ”.

Tham dự Hội thảo, có sự hiện diện của các chuyên gia trong nước đến từ trường Đại học Kinh tế Huế, Học viện Tài chính; về phía Tổng cục Thuế có ông Nguyễn Đại Trí – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và đại diện các Vụ/đơn vị thuộc Tổng cục Thuế: Ban Cải cách, Ban Quản lý rủi ro, Vụ Thanh tra, Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ NNT, Cục Công nghệ thông tin, Vụ Kê khai và kế toán thuế, Vụ Chính sách, Vụ quản lý thuế thu nhập cá nhân, các Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Thái Bình.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu, trao đổi tập trung vào các vấn đề:

Nâng cao mức độ tuân thủ tổng thể của NNT ở Việt Nam thông qua việc cung cấp dịch vụ và thực hiện thanh tra dựa trên rủi ro tuân thủ;

Phương pháp, cách thức thực hiện việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ NNT theo phân đoạn NNT và mức độ tuân thủ thuế;

Điều kiện cần thiết để xây dựng và triển khai Chương trình tuân thủ ở Việt Nam (bao gồm các điều kiện về cơ sở pháp lý, tổ chức công tác quản lý thuế, quy trình nghiệp vụ và CNTT hỗ trợ cho quản lý tuân thủ thuế…).

Mục đích của chuỗi hội thảo nhằm giúp cơ quan thuế xây dựng Chương trình quản lý tuân thủ tổng thể và sự phối hợp giữa các chức năng quản lý thuế nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực vào các nội dung trọng tâm một cách có hệ thống và nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của NNT. Các chuyên gia trong và ngoài nước đều khuyến nghị cơ quan thuế cần triển khai các hoạt động rõ nét về quản lý thuế dựa trên rủi ro tuân thủ ở tất cả các chức năng, khâu quản lý thuế, từ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn/miễn giảm thuế, vướng mắc về thuế… Trên cơ sở phân tích, nhận diện rủi ro, và kết quả đo lường quy mô của rủi ro của từng nhóm NNT, các bộ phận chức năng trong cơ quan thuế chủ động thực hiện các biện pháp, hành động ứng phó một các phù hợp và hiệu quả nhất nhằm nâng cao sự tuân thủ tự nguyện của NNT./.