TP HCM: Đối thoại với hơn 150 doanh nghiệp công nghệ thông tin

TP HCM: Đối thoại với hơn 150 doanh nghiệp công nghệ thông tin

Ngày 18/9, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa chính quyền thành phố với hơn 150 doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin (CNTT) – điện tử trên địa bàn.

Liên quan đến chính sách thuế đối với các DN CNTT, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP HCM chia sẻ, thời gian qua, ngành thuế đã áp dụng nhiều ưu đãi nhưng các DN vẫn chưa nắm rõ, nên không bóc tách cụ thể để được hưởng các ưu đãi này. Qua đó, ông Tuấn kiến nghị, cơ quan thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho các DN hiểu rõ hơn các ưu đãi về thuế, đồng thời, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế kịp thời sửa đổi bổ sung các quy định phù hợp thực tế, kéo dài thời gian ưu đãi giúp DN hoạt động hiệu quả, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Giải đáp các vướng mắc về thuế, ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết, về thuế GTGT, cơ quan thuế nhất quán áp dụng Luật thuế từ năm 1999, phần mềm máy tính và dịch vụ phầm mềm máy tính được xếp vào nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT. Khi xuất khẩu, các sản phẩm này được áp dụng thuế suất 0% và được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào. Đối với thuế TNDN, ngành thuế đang áp dụng ưu đãi ở mức cao nhất: thuế suất 10% trong vòng 15 năm, miễn thuế 4 năm từ khi có thu nhập và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Đối với các dự án đầu tư sản xuất phần mềm có quy mô lớn, công nghệ cao, cần thu hút đầu tư thì thời gian áp dụng thuế suất 10% không quá 30 năm theo quy định hiện hành, đồng thời, các DN trong lĩnh vực này còn được miễn tiền thuê đất trong 11 năm (sau thời gian xây dựng cơ bản). Bên cạnh đó, ngành thuế cũng đưa ra các giải pháp, tiếp tục hỗ trợ và thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế nhằm thu hút đầu tư, phục vụ cho phát triển CNTT trong thời gian tới, đặc biệt giảm 50% số thuế TNCN phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT.

Vấn đề độc quyền trong kinh doanh, đấu thầu các sản phẩm, dự án CNTT cũng được đại diện các Hiệp hội, DN phản ánh tại hội nghị. Điều này, ảnh hưởng đến niềm tin của DN đối với chính quyền thành phố và tác động tiêu cực đến sự phát triển thị trường CNTT, nơi có hơn 90% các DN nhỏ, DN khởi nghiệp đang hoạt động tại TP HCM. Ngoài ra, các DN còn phản ánh đến quy trình thủ tục hoàn vốn các dự án nhà nước quá chậm, ảnh hưởng đến vốn kinh doanh của các DN. Do đó, các DN đề nghị cần đơn giản hóa các quy trình thủ tục, đặc biệt là khâu thanh toán trong các dự án thuộc cơ quan nhà nước.

Trả lời các vấn đề trên, ông Trần Vĩnh Tuyến cam kết TP HCM luôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN hoạt động công bằng, minh bạch, kiên quyết không để tình trạng độc quyền tồn tại. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành của thành phố cùng đưa ra giải pháp, tốt nhất nhằm hỗ trợ và giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho các DN, thực hiện chủ trương ưu tiên phát triển và sử dụng các sản phẩm CNTT của các DN tại địa bàn trong các dự án của thành phố. 

Kết thúc hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến ghi nhận những kiến nghị, đóng góp của các DN, Hiệp hội và chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ, đặc biệt ưu đãi về thuế, hải quan cho các DN CNTT. Các đề xuất, kiến nghị của DN sẽ là cơ sở để thành phố triển khai thực hiện xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế – xã hội thuộc Đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025. Đề án này giúp thành phố phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giải quyết những vấn đề tắc nghẽn, ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường và tăng cường sự tương tác giữa chính quyền đối với DN và người dân.